Doanh nghiệp 22/05/2021 11:02

Liều thuốc ưu tiên số 1 cứu doanh nghiệp vượt qua đại dịch

Dịch bệnh Covid-19 kéo dài và đang bùng phát trở lại lần thứ 4 khiến cho cộng đồng DN thêm phần lao đao khi chưa kịp phục hồi. Mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách với các gói hỗ trợ nhằm giúp các DN hồi sinh, tuy nhiên, thực tế cho thấy, các gói hỗ trợ này chưa phát huy được hiệu quả, nhiều DN vẫn khó có thể tiếp cận, hoặc thậm chí là họ không muốn nghĩ đến việc tiếp cận gói hỗ trợ.

Quy định khắt khe, DN khó tiếp cận gói hỗ trợ

Nguyên nhân được nhiều DN đưa ra, là bởi các thủ tục, yêu cầu phía nhà quản lý đưa ra để DN có thể tiếp cận chính sách là rất khó “với tới”. Đơn cử như quy định DN muốn nhận được hỗ trợ trong gói 60.000 tỷ đồng, DN đó phải bị giảm doanh thu 30% và số nhân công cũng bị giảm đến 50%. Theo ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, để đáp ứng được các yêu cầu như quy định nói trên đưa ra, chắc chắn DN đó đã phá sản rồi, bởi khi doanh thu và nhân công lao động giảm ở mức như thế, thì DN không thể tồn tại được nữa.

Cũng theo ông Thân Đức Việt, trong khoảng thời gian dịch bệnh hoàn hành hơn một năm vừa qua, May 10 cũng như hầu hết các DN dệt may khác đã lâm vào cảnh “đói đơn hàng” khi giao dịch thương mại quốc tế bị chững lại, các hợp đồng với các nước nhập khẩu hầu như không có. Kéo dài gần như nửa đầu năm 2020, DN không có đơn hàng để sản xuất do tác động tiêu cực của dịch bệnh. Ông Việt khẳng định các chính sách hỗ trợ được Chính phủ ban hành rất kịp thời, song vị Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 cũng đề xuất, nhà quản lý cần chia các gói hỗ trợ theo các đối tượng hỗ trợ. Như vậy sẽ tạo được sự công bằng và chính sách đến được đúng đối tượng.

 

Nói về thực tế hoạt động hiện nay của các DN, trong bối cảnh làn sóng Covid-19 lần thứ 4 đang hoành hành, ông Việt nêu quan điểm, hiện quy định chống dịch rất chặt chẽ, nhưng chưa tháo gỡ cho DN về cách thức cụ thể để làm sao DN vẫn sản xuất được trong bối cảnh chống dịch. “Hiện chúng tôi vẫn đang yêu cầu 200 lao động dạng F2, F3 ở nhà, nhưng nếu kéo dài, sẽ rất khó để chúng tôi duy trì sản xuất, bởi may mặc là làm theo thời vụ, tính theo ngày chứ không còn theo tuần” – ông Việt nhấn mạnh.

Cũng khẳng định các chính sách được ban hành hỗ trợ cộng đồng DN thời gian qua là khá nhanh và kịp thời, song theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – TS. Vũ Tiến Lộc cho biết, phản ảnh từ cộng đồng  DN cho thấy, một số chính sách hỗ trợ người lao động, đa phần DN không được hưởng lợi vì các điều kiện hỗ trợ đi kèm khó thực hiện như số lượng lao động nghỉ việc, doanh thu của DN. Trong khi đó, các văn bản sửa đổi và hướng dẫn, chỉ mở rộng đối tượng chứ không thay đổi điều kiện bảo đảm để nhận được hỗ trợ. Đây là một trong những lý do khiến chính sách chưa phù hợp với thực tế, chưa đi vào cuộc sống.

Cần phải có thêm nguồn “vắc- xin doanh nghiệp”

Để có thể tháo gỡ khó khăn cho DN trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM),  chúng ta vẫn phải duy trì thực hiện “mục tiêu kép”, không thể tách rời giữa kinh doanh và chống dịch. Theo ông Hiếu, bên cạnh duy trì những giải pháp tích cực như tạm hoãn, chậm nộp thuế đã được đưa ra trước đó, đối với các gói mới cần phải tính đến một cách bài bản hơn. Vị chuyên gia nêu lên hai điểm mấu chốt khi ban hành các chính sách hỗ trợ để đến được “đúng người, đúng đối tượng”. Cụ thể, ông Hiếu cho rằng, với việc xây dựng các gói hỗ trợ, Chính phủ phải đi trước trong xây dựng các kịch bản. Tiếp đó phải tiếp cận theo nhóm đối tượng.

“Tôi rất lo ngại, nếu không chú ý đến khía cạnh này, có thể dẫn đến tình trạng chúng ta bị trục lợi chính sách. Tôi lấy ví dụ, có những DN, ngay cả khi chúng ta có hỗ trợ thì họ vẫn không thể tồn tại được, vẫn rút lui khỏi thị trường. Do vậy, nguồn lực của Chính phủ sẽ bị lãng phí. Chúng ta phải ưu tiên hỗ trợ những DN có khả năng phục hồi. Do đó phải phân loại đối tượng theo quy mô, theo ngành nghề, theo khả năng chống dịch...” – vị chuyên gia nêu quan điểm

Đề cập đến vấn đề về vắc – xin , theo ông Hiếu, Chính phủ đang làm rất tốt trong khả năng của mình. Tuy nhiên, cần phải mở ra một kênh nữa là vắc – xin  DN. Hiện nay, theo phản ánh, chi phí xét nghiệm, truy vết Covid-19 cao hơn rất nhiều so với tiêm vắc – xin. Bởi vậy, ông Hiếu cho rằng, DN nên được quyền chủ động tiêm vắc – xin  từ nguồn DN tự chi trả. Tất nhiên, với việc DN chủ động vẫn có sự kiểm soát của Nhà nước ở 2 khía cạnh là quy trình tiêm và danh mục vắc – xin  . “Tôi cho rằng, những quyết định của Chính phủ về vắc – xin DN cần phải rất nhanh. Nếu chúng ta trì hoãn 2, 3 tháng nữa, câu chuyện này có khi lại không còn ý nghĩa nữa. Theo tôi, đây là "liều thuốc" nên được ưu tiên số 1 hiện nay” – ông Hiếu nhấn mạnh. Về lâu dài, vị chuyên gia bày tỏ quan điểm, rất mong muốn ngoài các biện pháp trực diện để phục hồi nền kinh tế, kiểm soát dịch bệnh, Chính phủ cần có những cải cách mạnh mẽ về môi trường kinh doanh.

Thế Hưng

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *