Doanh nghiệp 25/08/2014 10:07

Kiểm toán lưu ý hàng nghìn tỷ đồng tài sản tại ACB

FICA - Riêng khoản tiền liên quan đến dư nợ cho vay và khoản đầu tư vào nhóm 6 công ty bầu Kiên lên tới gần 6.400 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý II và 6 tháng đầu năm 2014 được soát xét bởi Kiểm toán KPMG. 

Tại báo cáo này, mặc dù không đưa ra kết luận ngoại trừ, song đơn vị kiểm toán vẫn lưu ý đến khoản 718,9 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn mà ACB đã ủy thác cho nhân viên tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank - được nhắc đến là "một ngân hàng TMCP"), và 15 tỷ đồng các khoản lãi phải thu liên quan đã bị quá hạn.

Các sự kiện liên quan đến khả năng thu hồi và phương pháp trích lập dự phòng đối với các khoản này được thực hiện theo Công văn của Ngân hàng Nhà nước số 8879/NHNN-TTGSNH ngày 27/11/2013 về việc phê duyệt phương án cơ cấu lại ACB giai đoạn 2013-2015.

Thuyết minh BCTC của ACB cho biết, trong năm 2013, ngân hàng đã cân nhắc và trích lập dự phòng bổ sung cho khoản tiền gửi tại VietinBank là 232 tỷ đồng so với kế hoạch. Cụ thể ACB đã trích lập dự phòng 50% trên các số dư quá hạn. Tổng số tiền trích lập dự phòng tại thời điểm 31/12/2013 là 375,9 tỷ đồng. Việc trích lập bổ sung này đã được NHNN phê chuẩn.

Trong 6 tháng đầu năm 2014, ACB thực hiện trích lập toàn bộ số dự phòng cho cả năm 2014 theo lộ trình được NHNN phê duyệt. Tổng số tiền trích lập dự phòng tại thời điểm 30/6/2014 là 431,4 tỷ đồng.

KPMG cũng lưu ý đến việc phân loại nợ và trích lập dự phòng cho các khoản vay 2.237,3 tỷ đồng đối với nhóm 6 công ty cùng với 2.429,3 tỷ đồng trái phiếu phát hành bởi 3 trong nhóm 6 công ty; 1.617,3 tỷ đồng khoản phải thu của 4 trong nhóm 6 công ty và 96 tỷ đồng lãi trái phiếu phải thu.

Theo BCTC, tại ngày 30/6/2014, ACB có 3.620,1 tỷ đồng nợ cần chú ý và 991,15 tỷ đồng nợ dưới tiêu chuẩn. Trong đó có 2.237,3 tỷ đồng cho vay nhóm 6 công ty. Ngoài các khoản cho vay, ACB còn số dư đầu tư vào chứng khoán và các khoản phải thu với các công ty này. Tổng dư nợ lên tới 6.400,9 tỷ đồng (dự phòng cụ thể 379,5 tỷ đồng).

ACB còn 468,4 tỷ đồng dư nợ cho Vinalines vay đã được gia hạn. Khoản vay này được sử dụng với mục đích mua và/hoặc đóng tàu biển. Bên cạnh đó còn 500 tỷ đồng trái phiếu do Vinalines phát hành và 47 tỷ đồng lãi trái phiếu phải thu. Hồi tháng 8 năm ngoái, NHNN công bố kết quả thanh tra toàn diện hoạt động của ngân hàng năm 2012. Dư nợ cho vay của Vinalines được phân loại nhóm 3 (dưới tiêu chuẩn). Tỷ lệ trích lập dự phòng cụ thể là 20% dư nợ, không bao gồm tài sản đảm bảo. Số tiền trích lập dự phòn này được phân bổ đều trong 3 năm từ 2013 đến 2015. Khoản lãi phải thu của trái phiếu được thoái thu, chia đều trong vòng 3 năm từ 2013 đến 2015.

Trong 6 tháng đầu năm 2014, ACB đã thực hiện trích lập toàn bộ số dự phòng cần lập và thoái thu toàn bộ số lãi trái phiếu cần thoái thu cho cả năm 2014 theo lộ trình được NHNN phê duyệt. Ngoài ra, ngân hàng cũng đang trong quá trình thương thảo với Vinalines để thu hồi các khoản cho vay, trái phiếu và các khoản lãi có liên quan bao gồm việc mua lại tài sản mà Vinalines đang nắm giữ. Tại ngày 30/6/2014, Vinalines có 1.015,4 tỷ đồng dư nợ với Vinalines (dự phòng 103,7 tỷ đồng).

Được biết, tại ngày 30/6/2014, ACB đã bán 386,4 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC thông qua trái phiếu đặc biệt.

Bích Diệp

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *