Doanh nghiệp 14/10/2014 16:00

Không bắt buộc có con dấu: Doanh nghiệp còn lưỡng lự

PV Báo Hải quan phỏng vấn ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, VCCI xung quanh đề xuất cho DN được quyền tự lựa chọn sử dụng con dấu trong dự thảo Luật DN (sửa đổi)

Ông đánh giá như thế nào về đề xuất cho DN được quyền lựa chọn có hay không con dấu trong các hồ sơ giấy tờ?

Đề xuất này được VCCI góp ý đưa vào Luật DN từ năm 2011. Khi VCCI có đợt rà soát pháp luật về kinh doanh, chúng tôi đã có nhiều ý kiến liên quan đến con dấu DN. Nhưng thời điểm đó, nó chỉ dừng lại ở việc rà soát kiến nghị chứ chưa được thành đề xuất trình lên Quốc hội như thế này. Đây là điểm được cho là sẽ “cởi trói” khá nhiều cho môi trường kinh doanh ở Việt Nam.

Việc bỏ con dấu DN liên quan nhiều đến vấn đề hội nhập. Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, hầu hết các nước đều không yêu cầu bắt buộc phải có con dấu DN. Nếu Việt Nam bắt buộc có con dấu sẽ cản trở rất nhiều đến quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Trong gia đình tôi cũng đã từng gặp vướng mắc khi ngân hàng không chấp nhận hợp đồng lao động của một thành viên gia đình với một DN nước ngoài, chỉ vì nó không có dấu. Ví dụ liên quan đến DN nước ngoài họ đến Việt Nam tuyển dụng lao động, hợp đồng lao động đó đương nhiên chỉ có chữ ký chứ không có dấu. Nếu đem hợp đồng lao động đó ra ngân hàng để chứng minh tài chính, chứng minh thu nhập cá nhân sẽ không bao giờ được chấp nhận vì không có dấu. Từ ví dụ đó có thể thấy hiện tại, việc bắt buộc phải có dấu gây phiền hà rất nhiều cho DN nói chung và DN nước ngoài nói riêng. Khi hoạt động với các đối tác nước ngoài như vậy, Việt Nam nên tiến tới không yêu cầu bắt buộc có con dấu trong các văn bản, tiếp cận với chuẩn chung của thế giới.

Như vậy là cần thiết trao quyền cho DN tự lựa chọn việc có hay không sử dụng con dấu trong các hoạt động của mình?

Thực ra có 3 câu hỏi. Một là, DN có bắt buộc phải có con dấu không? Hai là, nếu có con dấu, DN có quyền quyết định về số lượng, kiểu dáng và sử dụng con dấu không? Ba là, con dấu DN có cần đăng ký với cơ quan nhà nước không?

Đối với câu hỏi thứ nhất, cá nhân tôi ủng hộ việc DN không bắt buộc phải có con dấu. Nhưng cái khó là các văn bản giấy tờ nộp cho cơ quan Nhà nước hiện nay vẫn yêu cầu phải đóng dấu. Nên, mặc dù có cho DN tự do lựa chọn, thì DN vẫn không được quyền bỏ dấu.

Câu hỏi thứ hai về việc DN tự chủ quyết định số lượng, hình dáng và cách sử dụng con dấu thì tôi hoàn toàn ủng hộ. Điều này sẽ giống như việc để DN tự in hóa đơn giá trị gia tăng đã làm từ vài năm trước.

Câu hỏi thứ ba thì tôi cho rằng việc đăng ký với cơ quan nhà nước là không cần thiết, bởi mục đích duy nhất của việc này là giải quyết khi có tranh chấp hoặc vi phạm pháp luật. Mà trên thực tế, có rất nhiều cách khác để kiểm định mẫu dấu đóng trên văn bản, như đối chiếu với các mẫu dấu khác trên các văn bản khác, nên việc đăng ký mẫu dấu cũng không còn ý nghĩa.

Khảo sát nhanh phản hồi của các DN về chủ trương này như thế nào, thưa ông?

Đây chỉ là khảo sát nhanh với số lượng DN rất nhỏ và chọn mẫu chưa tốt, nên chưa thể coi là đại diện cho ý kiến của cộng đồng DN. Tuy nhiên, tôi cảm nhận thấy, đối với những DN có sức trẻ, năng động thì họ sẵn sàng ủng hộ việc bỏ con dấu này. Thậm chí có DN làm việc nhiều với DN nước ngoài, họ đã quen với việc không cần có con dấu rồi nên việc có dấu hay không không thành vấn đề. Nhưng cũng có DN đã quen làm việc trong nước, việc có con dấu đã ăn sâu trong tư duy nên họ cũng tỏ ra ngần ngại về việc này.

Tức là vẫn có những ý kiến lưỡng lự?

Đúng vậy. Nếu quy định DN được tự lựa chọn con dấu, thời điểm đầu có thể không có DN nào bỏ con dấu ngay lập tức. Họ sẽ nhìn nhau. Nếu có những DN khác thực hiện và không gặp trở ngại nào thì nó sẽ trở thành phong trào.

Dường như để thực hiện chủ trương sửa đổi trong dự thảo Luật DN lần này không dễ dàng gì khi thói quen sử dụng con dấu đã ăn sâu vào từng DN từ rất lâu rồi?

Hồng Kông đã cho DN được tự lựa chọn con dấu, nhưng vì thói quen nên họ vẫn dùng. Đó là quyền tự do, giống như việc họ thấy cần dùng con dấu để tạo sự tin tưởng của đối tác, thấy văn hóa ở đất nước này vẫn coi dấu là công cụ để tạo sự tin tưởng thì họ vẫn dùng. Nhưng tôi đặc biệt lưu ý, con dấu không phải là tiêu chuẩn để chứng minh tính pháp lí của một văn bản, nó chỉ là một yếu tố thêm vào để tạo sự tin tưởng. Có nhiều thông tin khác để tin nhau rồi, thì việc không có dấu không thành vấn đề. Nếu nhiều thông tin khác không đủ tin tưởng, thì kể cả có dấu đôi khi người ta cũng không chấp nhận. Tiếp cận theo hướng này có thể sẽ giải quyết được vấn đề về con dấu.

Như vậy đề xuất không bắt buộc có con dấu là một bước tiến vượt bậc trong dự thảo Luật DN (sửa đổi) thưa ông?

Xã hội cần phải tiến lên phía trước. Nếu chúng ta không làm thời điểm này thì một thời gian sau cũng phải thực hiện. Đôi khi chúng ta hay nói văn hóa pháp lý hiện nay chưa đáp ứng đủ dẫn tới việc phải quy định bắt buộc có con dấu vào trong Luật, nhưng thực tế vì Luật đặt ra quy định này nên văn hóa xã hội phải tuân theo. Nếu xoay theo hướng ngược lại, Luật đi trước, xã hội sẽ nhìn thấy và dần dần chấp nhận việc bỏ con dấu. Thế giới đã đi theo lộ trình này, thì Việt Nam không thể có con đường khác để đi được. Nếu Luật có thể kých thích xã hội đi theo con đường ấy nhanh hơn thì cũng là điều nên làm.

Xin cảm ơn ông!

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có ý kiến đề nghị bỏ quy định DN phải có con dấu nhằm giảm phiền hà cho DN. Ủy ban cũng thừa nhận thực tế gần đây nhiều quốc gia đã thực hiện không dùng con dấu trong hoạt động của DN, việc xác định giá trị pháp lý của văn bản giao dịch của DN chỉ cần căn cứ vào chữ ký của các bên giao dịch; hiện nay chữ ký số cũng đã được sử dụng. Với tập quán, thói quen sử dụng con dấu và điều kiện hạ tầng kỹ thuật nước ta, trong thời gian tới vẫn cần giữ quy định về DN phải có con dấu riêng, người đại diện theo pháp luật của DN phải chịu trách nhiệm quản lý việc sử dụng và lưu giữ con dấu. Việc thay con dấu bằng chữ ký, chữ ký điện tử sẽ được tiếp tục nghiên cứu, áp dụng khi đủ điều kiện thích hợp.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự án Luật DN quy định về con dấu của DN sẽ được xây dựng theo hướng cải cách thủ tục hành chính. Theo đó con dấu là tài sản của DN, bỏ quy định về cấp con dấu cho DN và để DN tự quyết định về hình thức và nội dung con dấu.

Điều 44 về con dấu của DN trong dự thảo Luật DN sửa đổi quy định chi tiết như sau:

1. Con dấu là tài sản của DN. Hình thức và nội dung con dấu do DN quyết định và đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh.

2. Người đại diện theo pháp luật của DN phải chịu trách nhiệm quản lý việc sử dụng và lưu giữ con dấu.

3. Con dấu được sử dụng trong các trường hợp theo quy định của pháp luật hoặc các bên giao dịch có thỏa thuận về việc sử dụng dấu.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này và việc đăng ký, chuyển giao thông tin quản lý con dấu đối với con dấu đã được cấp trước khi Luật này có hiệu lực.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương:

Theo xếp hạng của Ngân hàng thế giới, Việt Nam xếp thứ 109/189 về tiêu chí thành lập DN. Nếu cải cách thêm thủ tục về con dấu tôi tin khả năng chúng ta lên thứ hạng 40, tức nhảy lên gần 70 bậc theo xếp hạng của Ngân hàng thế giới về thành lập DN. Yêu cầu thay đổi con dấu đã nói từ nhiều năm nay, bắt nguồn từ nhu cầu cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Thay đổi này theo chúng tôi điều tra sơ bộ, tuyệt đại bộ phận DN ủng hộ và đồng tình.

Chúng ta cũng phải có chiến dịch truyền thông mạnh mẽ, đặc biệt với công chức Nhà nước, vì những người này trực tiếp giao dịch với DN, thông tin với họ về sự thay đổi này, đào tạo cho họ về hình thức nội dung văn bản mà DN gửi lên như thế nào là có hiệu lực, không nhất thiết phải có con dấu. Đây là thay đổi tưởng nhỏ về mặt kĩ thuật nhưng tạo ra sự thay đổi rất lớn về mặt tư duy cũng như trong cuộc sống, tác động đến nhiều người.

Luật sư Nguyễn Hưng Quang, Văn phòng luật sư NHQuang & Cộng sự:

Con dấu vừa tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của DN nhưng đồng thời cũng tạo nên những trở ngại trong hoạt động kinh doanh của DN. Những khó khăn từ chế định bắt buộc phải sử dụng con dấu ở Việt Nam tương tự như ở Trung Quốc. Duy trì con dấu mang tính bắt buộc trong giao dịch của pháp nhân cũng là không tôn trọng con người tham gia vào các giao dịch đó. Con dấu từ một công cụ hỗ trợ con người lại trở thành một quyền lực áp đặt con người. Cho nên cần bãi bỏ quy định “con dấu thể hiện vị trí pháp lý và khẳng định giá trị pháp lý đối với các văn bản, giấy tờ của các cơ quan, tổ chức và các chức danh Nhà nước”. Con dấu chỉ nên là một trong những công cụ mà DN lựa chọn để xác định đặc điểm  nhận dạng của DN. DN được quyền tự quyết định việc lựa chọn sử dụng con dấu trong hoạt động kinh doanh: Được lựa chọn mẫu dấu, được sử dụng biểu tượng, tiếng nước ngoài trong con dấu, được lựa chọn việc khắc nhiều con dấu để phục vụ cho hoạt động kinh doanh.

Theo Lương Bằng (thực hiện)
Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *