Doanh nghiệp 24/09/2020 12:19

Huawei rút đầu tư 100 triệu USD, sa thải 1.000 nhân viên tại Australia

Tập đoàn công nghệ viễn thông Huawei của Trung Quốc ngày 22/9 công bố sẽ cắt giảm 100 triệu AUD (71 triệu USD) đầu tư vào Australia và giảm khoảng 1.000 nhân viên địa phương.

 

Có nên tin tưởng vào 5G của Huawei hay không?

Hoạt động sản xuất thiết bị viễn thông tại Australia của Huawei sẽ tiếp tục bị cắt giảm  trong bối cảnh quan hệ căng thăng giữa Bắc Kinh và Canberra. Ảnh: Getty

Trong bối cảnh Canberra từ chối các nỗ lực đàm phán về việc gỡ bỏ lệnh cấm Huawei tham gia triển khai mạng di động 5G tại nước này, đại diện Huawei cho biết sẽ cắt giảm khoản đầu tư 100 triệu USD vào nghiên cứu và phát triển ở Australia.

Không những vậy, Huawei cũng tuyên bố sẽ sa thải 1.000 nhân viên tại Australia từ đầu năm 2021.

 “Nói một cách dễ hiểu, lệnh cấm 5G đối với Huawei đã khiến nền kinh tế Australia mất đi 1.000 việc làm công nghệ với mức lương cao. Chúng tôi đã cắt giảm từ 1.200 nhân sự xuống còn dưới 200 và cho đến năm sau, con số này sẽ còn thấp hơn nữa.” Jeremy Mitchell, giám đốc phụ trách các vấn đề doanh nghiệp của Huawei tại Úc, cho biết trong một tuyên bố qua email.

“Từ quan điểm doanh thu, chúng tôi đã lường trước được tình huống rằng doanh thu hàng năm trên 750 triệu đô la- có thể dễ dàng lên tới 1 tỷ đô la nếu có mạng di động 5G – sẽ giảm xuống dưới 200 triệu đô la chỉ trong vài năm tới”, đại diện của Huawei tại Australia cho biết.

Tháng trước, Huawei đã tuyên bố chấm dứt chương trình tài trợ trị giá hàng triệu USD cho đội bóng bầu dục Canberra Raiders mùa giải 2020, với lý do “môi trường kinh doanh ảm đạm tác động lớn tới nguồn thu của Huawei”.

Đây là lần đầu tiên sau gần một thập kỷ Huawei chính thức từ bỏ vị trí nhà tài trợ chính cho đội bóng tên tuổi hàng đầu của Australia.

Năm 2018, Australia cấm Huawei cung cấp thiết bị cho mạng di động 5G nước này vì lo ngại rủi ro an ninh quốc gia.

Căng thẳng Trung Quốc - Australia: Một chiêu nhằm nhiều đích

Quan hệ ngoại giao giữa Australia và Trung Quốc trở nên căng thẳng kể từ khi Australia kêu gọi mở cuộc điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc của đại dịch Covid-19. Australia bày tỏ quan ngại rằng Trung Quốc đã không minh bạch khi xử lý dịch.

Ngay sau đó, một loạt các mặt hàng trọng yếu như: thịt bò, lúa mạch, rượu vang của Australia đã bị cấm nhập khẩu vào Trung Quốc hoặc mở cuộc điều tra chống bán phá giá. 

Vào tháng 5 năm nay, Bắc Kinh đã áp thuế trừng phạt 80,5% lên đại mạch Australia, đồng thời cấm nhập khẩu thịt bò từ 4 nhà sản xuất Australia với lý do “có vấn đề về nhãn mác và chứng nhận chất lượng hàng nhập khẩu”.

Theo SCMP, Trung Quốc từng nhiều lần dùng thương mại làm công cụ trả đũa để đối phó với những mâu thuẫn ngoại giao. Tháng 3/2019, Bắc Kinh cấm nhập một số mặt hàng nông sản Canada với lý do “chứa chất độc hại”. Trước đó, chính quyền Trung Quốc cũng thẳng thừng tuyên bố sẽ tăng thuế nhập khẩu lên thịt bò Australia.

Động thái này được cho là hành vi trả đũa vụ chính quyền Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu - Giám đốc Tài chính Huawei - theo đề nghị của phía Mỹ.

                                                                            Hương Vũ

                                                                Theo Australian Financial Review

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *