Doanh nghiệp 16/04/2015 21:53

HNX: Ngành xây dựng lỗ nặng nhất trong 2014

FICA - Tổng giá trị lỗ của các tổ chức niêm yết trên HNX trong năm 2014 giảm hơn 81% chủ yếu là do TCTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam - mã PVX giảm mạnh khoản lỗ từ -2.228 tỷ đồng trong năm 2013 chuyển thành lãi 10,3 tỷ đồng trong năm 2014.

Theo đánh giá của lãnh đạo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đưa ra tại buổi gặp gỡ báo chí thường kỳ quý I/2015 diễn ra ngày 16/4, căn cứ vào số liệu báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán năm 2014, có thể thấy tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các tổ chức niêm yết năm vừa rồi có nhiều khả quan so với 2013.

Theo đó, trong năm 2014, tổng số tổ chức niêm yết có kết quả kinh doanh lãi là 317 doanh nghiệp, tăng 3,9% so với năm 2013 với tổng giá trị lãi đạt khoảng 13.020 tỷ đồng (tăng 18,4% so với năm 2013).

Trong khi đó, tổng số tổ chức niêm yết báo lỗ là 32 doanh nghiệp với giá trị lỗ khoảng 643 tỷ đồng, giảm 81,4% so với giá trị thua lỗ năm 2013.

Kết quả kinh doanh khả quan còn được thể hiện ở tổng lợi nhuận sau thuế của khối tổ chức niêm yết với con số đạt 12. 376 tỷ đồng, tăng mạnh 64% so với năm 2013.

Theo thống kê của HNX, trong số các tổ chức niêm yết lỗ, chiếm tỷ trọng lớn nhất vẫn là ngành xây dựng (trong đó có CTCP Xây dựng công trình ngầm – mã CTN chiếm 31,1% tổng giá trị lỗ nhóm này), tiếp đến là ngành khai khoáng - dầu khí và ngành công nghiệp.

Tổng giá trị lỗ của các tổ chức niêm yết trong năm 2014 giảm chủ yếu là do TCTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam - mã PVX giảm mạnh khoản lỗ từ -2.228 tỷ đồng trong năm 2013 chuyển thành lãi 10,3 tỷ đồng trong năm 2014.

Trong số các tổ chức niêm yết có kết quả hoạt động kinh doanh lãi năm 2014, chiếm tỷ trọng lớn nhất là ngành công nghiệp (trong đó lớn nhất là LAS chiếm 12,7% tổng giá trị lãi của nhóm), tiếp đến là ngành tài chính (trong đó, SHB và ACB lần lượt chiếm 25% và 24,3% tổng giá trị lãi nhóm), và ngành khai khoáng và dầu khí với PVS chiếm 62% tổng giá trị lãi của nhóm này.

Đại diện HNX cho rằng, đạt được kết quả này là do trong năm 2014, kinh tế Việt Nam đã có những điểm khá tích cực. Tuy những yếu tố nền tảng cho sự phát triển của một nền kinh tế thì vẫn chưa được cải thiện nhưng tăng trưởng kinh tế đang trên đà phục hồi.

Theo Tổng cục Thống kê, GDP năm 2014 đạt tăng trưởng 5,98% so với cùng kỳ năm 2013 - là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ 3 năm trở lại đây. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng cả năm đạt 7,15% so với năm 2013, trong đó có đóng góp chủ yếu bởi ngành chế biến chế tạo (+8,45%). Điều kiện sản xuất trong nước cũng được cải thiện hơn năm 2013 khi chỉ số Quản trị mua hàng (PMI) không ngừng được cải thiện kể từ tháng 9 năm 2013. Ngành xây dựng tăng trưởng tới 7,1% so với 5,9% năm 2013 do sự ấm dần của thị trường bất động sản và đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh những ảnh hưởng tích cực khách quan của nền kinh tế vĩ mô, theo công văn giải trình kết quả hoạt động kinh doanh của các tổ chức niêm yết, nguyên nhân chủ quan là do các doanh nghiệp triển khai hiệu quả chính sách tiết kiệm chi phí quản lý, tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh chính, không đầu tư dàn trải... Cụ thể, chi phí tài chính năm 2014 của các tổ chức niêm yết giảm 25,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chi lãi vay giảm 23%.

Mai Chi

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *