Doanh nghiệp 25/11/2019 07:46

Gia tăng hàng Trung Quốc “đội lốt”, cảnh báo sự "sống còn" của doanh nghiệp Việt

Trong bối cảnh thương chiến giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt", doanh nghiệp Trung Quốc đang làm mọi cách để trà trộn hàng hóa, gian lận xuất xứ nhằm trốn thuế và “tuồn" hàng qua Mỹ, Châu Âu, nếu không tỉnh táo thì doanh nghiệp Việt sẽ dễ “dính đòn”.

Liên tục phát hiện hàng Trung Quốc “đội lốt”

TPHCM là địa phương liên tục phát hiện tình trạng này, đầu tháng 11, Cục Hải quan TPHCM đã phối hợp với cảnh sát, bộ đội biên phòng kiểm tra phát hiện 1 container hàng giả mạo xuất xứ Việt Nam được nhập khẩu từ Trung Quốc.

Gia tăng hàng Trung Quốc “đội lốt”, cảnh báo sự sống còn của doanh nghiệp Việt  - 1

Hàng Trung Quốc "đội lốt" hàng Việt liên tục bị phát hiện tại TPHCM. Ảnh: Đ.V

Mới đây, lô hàng nặng hơn 7 tấn gồm 317 kiện carton với 2.780 sản phẩm chăn, màn, gối, nệm trọng lượng hơn 7 tấn. Lô hàng này do Công ty TNHH Cao su Talalay Viet Nam khai báo và cung cấp giấy chứng nhận là xuất xứ từ Trung Quốc để hưởng thuế suất ưu đãi với trị giá gần 600 triệu đồng.

Qua kiểm tra thực tế, bên ngoài các kiện hàng carton đều có dán giấy “Made in China” (xuất xứ từ Trung Quốc) để qua mặt cơ quan hải quan. Tuy nhiên, bên trong thùng carton, toàn bộ nhãn mác đi liền với sản phẩm đều ghi tên và địa chỉ đơn vị sản xuất là Việt Nam.

Trước đó, vào ngày 9/10, một lô hàng quần áo có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng dán tem “Made in Vietnam” và “Made in Korea” cũng bị lực lượng hải quan TPHCM phát hiện. 

Lô hàng quần áo được nhập khẩu qua cảng Cát Lái (quận 2). Qua công tác kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện lô hàng có 47 kiện quần áo được nhập khẩu bởi Công ty TNHH Thịnh Hòa (phường 15, quận Tân Bình).

Lô hàng được nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá khoảng hơn 1,1 tỷ đồng, ghi xuất xứ Trung Quốc nhưng có nhiều mẫu quần áo dán mác “Made in Vietnam” hoặc “Made in Korea”. Bên trong container còn chứa nhiều túi đựng nhãn mác “Made in Korea”. 

Hồi tháng 10, một vụ việc gây “rúng động” dư luận cũng xảy ra tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Lực lượng hải quan đã phát hiện và bắt giữ lô hàng nhôm 1,8 triệu tấn trị giá 4,3 tỷ USD có dấu hiệu giả mạo xuất xứ. Lô hàng này của Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu (phường Mỹ Xuân, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).

Gia tăng hàng Trung Quốc “đội lốt”, cảnh báo sự sống còn của doanh nghiệp Việt  - 2

Lô nhôm "khủng" trị giá 4,3 tỷ USD có dấu hiệu giả mạo xuất xứ.

Việc giả mạo xuất xứ nhằm hưởng mức chênh lệch thuế “khủng”. Bởi, nhôm Việt Nam xuất qua Mỹ chỉ chịu thuế khoảng 15%, trong khi nhôm Trung Quốc muốn sang thị trường Mỹ phải chịu thuế lên đến 374%.

Lực lượng chức năng các nước đã kiểm tra và ngăn chặn nên toàn bộ số nhôm nói trên chưa xuất khẩu được. 

Hàng Việt sẽ tự “chôn mình” nếu bị lợi dụng

Ông Đinh Ngọc Thắng - Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM - cho biết: Trong bối cảnh hiện nay, khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang căng thẳng thì đây là cơ hội thuận lợi cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp Việt Nam phát triển. Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần chuẩn bị phương án phòng vệ đối với hàng hóa nhập khẩu không rõ xuất xứ hoặc mượn xuất xứ của Việt Nam để xuất khẩu đi nước ngoài.

“Chúng tôi hướng đến các doanh nghiệp có hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cũng như những doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện nước ngoài để lắp ráp giản đơn hoặc lắp ráp để xuất khẩu qua các thị trường như Mỹ, Châu Âu” - ông Thắng nói.

Gia tăng hàng Trung Quốc “đội lốt”, cảnh báo sự sống còn của doanh nghiệp Việt  - 3

Ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM. Ảnh: Đại Việt

Cục Hải quan TPHCM sẽ tăng cường kiểm tra đối với những doanh nghiệp có kim ngạch xuất nhập khẩu “đột biến” trong thời gian qua, đặc biệt là những thị trường như Trung Quốc, Mỹ, Châu Âu. Hoặc hải quan sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng khác để kiểm tra nhà xưởng sản xuất nhằm làm rõ những dấu hiệu bất thường.

“Chúng tôi ý thức được rằng, khi cuộc chiến thương mại nổ ra thì sẽ có cả cơ hội lẫn thách thức cho Việt Nam. Nếu chúng ta không nắm được cơ hội này thì chúng ta sẽ đánh mất. Trong khi đó, Việt Nam đang là một trong những quốc gia được nhà đầu tư nước ngoài rất ưa chuộng vì tốc độ phát triển tốt, dân số trẻ và cơ chế chính sách thuận lợi cho nhà đầu tư” - ông Thắng chia sẻ.

Theo ông Thắng, lực lượng hải quan cũng đang gặp nhiều khó khăn khi thực thi nhiệm vụ kiểm tra xuất xứ hàng hóa.

Cụ thể, đó là khó khăn về hệ thống văn bản pháp luật về xuất xứ hàng hóa. Ông Thắng lấy ví dụ về Giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ hàng hóa (C/O), đối với Hoa Kỳ, hàng hóa xuất khẩu không cần phải xin C/O mà doanh nghiệp có thể tự chứng nhận xuất xứ C/0, kể cả hàng hóa nhập khẩu cũng do doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ.

Ngoài ra, quy định về nhãn mác hàng hóa cũng có nhiều bất cập, từ Nghị định đến Thông tư có nhiều quy định chưa rõ, do vậy khi áp dụng còn gặp nhiều khó khăn dẫn đến doanh nghiệp phản ứng, trong khi Chính phủ luôn yêu cầu tạo thuận lợi, giải quyết nhanh chóng cho doanh nghiệp; văn bản của các Bộ ngành về vấn đề xuất xứ hàng hóa cũng có sự chồng chéo.

Gia tăng hàng Trung Quốc “đội lốt”, cảnh báo sự sống còn của doanh nghiệp Việt  - 4

Việc kiểm tra xuất xứ hàng hóa đang gặp nhiều khó khăn vì quy định chồng chéo.

Cũng theo ông Thắng, hàng hóa trọng điểm được lực lượng hải quan nhắm vào là mặt hàng tiêu dùng, hàng điện tử có dấu hiệu lợi dụng xuất xứ Việt Nam.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang đặt hàng sản xuất ở nước ngoài với giá rẻ nhưng dán mác “Made in Vietnam” để đưa ra thị trường tiêu thụ. 

Một số doanh nghiệp gia công sản xuất để xuất khẩu cũng nhập các sản phẩm nguyên chiếc đem về Việt Nam hoặc lắp ráp đơn giản hoặc không lắp ráp gì rồi xuất khẩu sang thị trường Châu Âu, Mỹ.

Trong khi đó, các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam đang được thị trường Mỹ, Châu Âu ưa chuộng nên một số doanh nghiệp đã lợi dụng tình hình để chuộc lợi. Đây là vấn đề vô cùng nghiêm trọng, bởi nó ảnh hưởng đến “bộ mặt” của hàng hóa Việt Nam trên trường quốc tế.

Lực lượng hải quan TPHCM sẽ tăng cường ngăn chặn việc lợi dụng tình hình để gian lận xuất xứ hàng hóa của các doanh nghiệp.

 Đại Việt

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *