Doanh nghiệp 30/11/2013 13:43

Gần 55.000 doanh nghiệp đóng cửa trong 11 tháng

FICA - So với cùng kỳ năm 2012, số doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động đã tăng 8,4%; số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 9,5% lên hơn 71.000 doanh nghiệp, tuy nhiên, số vốn đăng ký giảm 15,4%, đạt gần 360.000 tỷ đồng.

 

Tại buổi họp giao ban về tình hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đầu tư tháng 11/2013, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) cho biết, về phát triển doanh nghiệp, trong tháng 11, cả nước có 6.829 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký là 37.595 tỷ đồng.

Tuy số doanh nghiệp mới đăng ký đã tăng 14,6%, nhưng lại giảm 7,2% về số vốn đăng ký so với tháng 10/2013. Tính chung 11 tháng, cả nước có 71.018 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 359.470 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2012 thì số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 9,5%, tuy nhiên, số vốn đăng ký giảm 15,4%.

Trong 11 tháng năm 2013, cả nước có 54.932 doanh nghiệp hoàn thành thủ tục giải thể và tạm ngừng hoạt động, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2012. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động trong 11 tháng năm 2013 là 12.709 doanh nghiệp.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11 tăng 2,6% so với tháng 10 và tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2012. Tính chung 11 tháng, IIP tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể theo 4 ngành công nghiệp cấp I, có 3 ngành có chỉ số sản xuất tăng gồm công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 7,1%); sản xuất và phân phối điện (tăng 8,6%); cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải (tăng 9,2%); duy chỉ có ngành công nghiệp khai khoáng có chỉ số sản xuất giảm (0,5%).

Bộ KH-ĐT đánh giá, trước tình hình phục hồi chậm của nền kinh tế thế giới, cùng với nhiều khó khăn nội tại của nền kinh tế trong nước như sức mua kém, giá hàng hóa giảm… Chính phủ đã có nhiều biện pháp hỗ trợ khu vực dịch vụ đặc biệt là về lĩnh vực du lịch. Theo đó tổ chức nhiều sự kiện quảng bá du lịch, phê duyệt quy hoạch phát triển du lịch các vùng. Nhờ vậy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, ước chung cả 11 tháng năm 2013 đã đạt 2.386 tỷ đồng, tăng 12,56% so với cùng kỳ năm 2012.

Trong thương mại, 11 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 121 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 74,6 tỷ USD, tăng 28,5% và chiếm 61,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Cùng thời kỳ, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 121,12 tỷ USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, kim ngạch nhập khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 68,94 tỷ USD, tăng 26% và chiếm 56,9% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Nhập khẩu từ Châu Á chiếm tới hơn 80% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Các thị trường nhập khẩu chủ yếu là Trung Quốc, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản và EU.

Liên quan đến đầu tư phát triển, Bộ KH-ĐT cho biết, nguồn vốn trong nước cho vay đầu tư của Nhà nước thực hiện ước khoảng 25.000 tỷ đồng. Dư nợ bình quân tín dụng xuất khẩu đạt khoảng 11.015 tỷ đồng, bằng 86,05% kế hoạch năm.

Tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết 11 tháng năm 2013 đạt 5,6 tỷ USD, tăng 40,9% so với cùng kỳ năm 2012. Trong khi đó, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân ước đạt 4 tỷ USD.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tính lũy kế đến ngày 20/11/2013, cả nước có 1.175 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 13,8 tỷ USD tăng nhẹ 1% về số dự án và tăng 73,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2012. Tổng số lượt dự án tăng vốn đầu tư trong 11 tháng năm 2013 là 446 lượt dự án với tổng vốn tăng thêm là 7 tỷ USD, bằng 85,3% về số dự án và bằng 126,9% về vốn so với cùng kỳ năm trước.

Bích Diệp

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *