Doanh nghiệp 29/03/2014 15:10

FPT dành 50 triệu USD cho M&A trong năm 2014

FICA - Để thực hiện mục tiêu toàn cầu hóa, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho rằng M&A không chỉ là chiến lược cần mà là bắt buộc. Tập đoàn dự kiến chi 50 triệu USD cho các thương vụ mua bán trong năm 2014.

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho biết tham vọng đưa FPT trở thành công ty "Voi" trong lĩnh vực công nghệ thông tin

Sáng nay (ngày 29/3), Công ty cổ phần FPT tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2014 với sự tham gia của cổ đông đại diện cho 72,51% số cổ phiếu có quyền biểu quyết. Chiến lược toàn cầu hóa là nội dung chủ yếu được các lãnh đạo FPT nhắc đến trong đại hội lần này.

Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) ông Trương Gia Bình nhận định, thực tế tại Việt Nam, FPT đã đến thị phần tới hạn. Thách thức đối với FPT là thay đổi xu thế tăng trưởng giảm dần hiện nay. Vì vậy, FPT buộc phải đẩy mạnh chiến lược toàn cầu hóa.

Với chiến lược này, FPT đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu từ thị trường nước ngoài đạt trên 30% mỗi năm (chưa tính tăng trưởng từ hoạt động M&A) và tới năm 2016, doanh thu đạt 340 triệu USD. Năm 2013, doanh thu từ thị trường nước ngoài đạt 2.692 tỷ đồng (tương đương khoảng hơn 125 triệu USD) và lợi nhuận 446 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2012.

Theo ông Bùi Quang Ngọc, Tổng Giám đốc FPT, các thị trường nước ngoài mà FPT hướng tới trong thời gian tới không chỉ là các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu mà còn bao gồm cả các nước đang phát triển. Hai hướng chính được FPT tập trung đẩy mạnh là xuất khẩu phần mềm tại các thị trường truyền thống và cung cấp các giải pháp công nghệ thông tin đã được FPT triển khai thành công tại thị trường trong nước ra các nước đang phát triển trong khu vực nhu Lào, Campuchia, Bangladesh...

Để thực hiện chiến lược toàn cầu hóa, ông Bình cho rằng M&A không chỉ là cần mà là bắt buộc. Tập đoàn dự kiến chi 50 triệu USD cho các thương vụ mua bán trong năm 2014 và ngân sách cho nghiên cứu phát triển tương ứng mức của năm 2013 là 100 tỷ đồng.

Chia sẻ bên lề cuộc họp, Phó Tổng Giám đốc FPT Nguyễn Thế Phương cho biết, các công ty mà FPT nhắm tới để mua lại là các công ty tại Nhật Bản, Mỹ, Singapore với quy mô tài sản khoảng 20 triệu USD và doanh thu từ 10-30 triệu USD. Đây là các công ty cung cấp dịch vụ IT cho các ngân hàng và các công ty tài chính.

Liên quan tới việc FPT vừa có 2 cổ đông mới là các tập đoàn đầu tư lớn của Chính phủ Singapore là Temasek và GIC, ông Phương cho biết họ chỉ có giúp FPT ở việc giới thiệu đối tác, còn FPT vẫn phải tự chứng minh thực lực của mình nếu muốn giành được các hợp đồng tại thị trường này.

Đại diện cổ đông lớn của FPT là quỹ Caravel của Mỹ lo lắng vì FPT đã từng thực hiện nhiều thương vụ M&A nhưng đều không thành công và liệu việc chi ra 50 triệu USD mỗi năm cho chiến lược này có ảnh hưởng tới dòng tiền của công ty. Giám đốc tài chính Nguyễn Thế Phương khẳng định dòng tiền hoạt động của FPT đủ đáp ứng các hoạt động M&A.

Cổ đông đến từ chứng khoán BIDV thắc mắc, với chiến lược toàn cầu hóa với mục tiêu doanh thu tăng gấp 3 lần từ các thị trường nước ngoài trong 3 năm tới, Tập đoàn sẽ chuẩn bị như thế nào cho vấn đề nhân sự.

Ông Bình cho biết, đây là vấn đề rất quan trọng và Tập đoàn đã có sự chuẩn bị như đào tạo 1.000 kỹ sư cầu nối để có thể làm việc tại thị trường Nhật Bản bằng cách đào tạo tập trung tiếng Nhật trong 9 tháng, hay việc sẽ nghĩ tới nguồn nhân lực toàn cầu từ Ấn Độ, Myanamar, Philippines, Indonesia...

Về công nghệ, Chủ tịch FPT cho biết chiến lược từ năm 2014 - 2016 là tập trung vào dịch vụ chuyển đổi công nghệ S.M.A.C (Mạng xã hội - Social; Công nghệ di động - Mobility; Dữ liệu lớn - Analytics và Điện toán đám mây - Cloud). Định hướng tới năm 2016, Tập đoàn sẽ tiên phong trong về S.M.A.C với tham vọng đưa FPT trở thành công ty "Voi" trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nghĩa là thay vì chỉ thực hiện các hợp đồng đơn lẻ với thời gian ngắn, FPT sẽ hướng tới việc cung cấp gói hợp đồng đầy đủ các dịch vụ từ triển khai tới tư vấn, bảo dưỡng, cung cấp phần mềm, phần cứng...


Lam Thanh

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *