Doanh nghiệp 10/04/2015 16:39

Eximbank gây sốc với kế hoạch lãi khủng năm 2015

FICA – Kế hoạch lãi trước thuế 1.000 tỷ đồng (gấp hơn 14 lần năm 2014) của Eximbank được đưa ra giữa bối cảnh đang có đồn đoán ngân hàng này sẽ sáp nhập với Nam A Bank. Trong khi đó, Eximbank vừa trải qua 3 năm liên tiếp kinh doanh thụt lùi.

Dự kiến, HĐQT Eximbank sẽ trình Đại hội đồng cổ đông xem xét thông qua kế hoạch hoạt động kinh doanh năm 2015 với lợi nhuận trước thuế 1.000 tỷ đồng, tổng tài sản tăng 12% so với 2014 lên 180.000 tỷ đồng; huy động vốn tăng 24% lên 126.000 tỷ đồng, dư nợ cấp tín dụng tăng 11% lên 108.750 tỷ đồng.

Đáng chú ý là kế hoạch này được đưa ra sau chuỗi thời gian hoạt động kinh doanh không mấy khả quan của ngân hàng. Điển hình là số liệu gần nhất về quý IV/2014, Eximbank ghi nhận lỗ tới 677,9 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2013 cũng lỗ 220,9 tỷ đồng), qua đó kéo sập mức lãi cả năm 2014 xuống còn 51,1 tỷ đồng, chỉ bằng 8,5% thực hiện năm 2013.

Tổng nợ xấu của ngân hàng tại thời điểm 31/12/2014 là 2.144,4 tỷ đồng, tăng 29,8% so với năm trước đó và chiếm tỉ lệ 2,46% tổng dư nợ (tăng mạnh so với mức 1,98% của năm 2013).

Trong khi nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) giảm 8,7% thì nợ nghi ngờ (nhóm 4) lại tăng mạnh 79,7% và nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng 25,1%. Tính đến cuối năm vừa rồi, ngân hàng có 1.343,6 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn, chiếm tỉ trọng 62,7% trong tổng nợ xấu. Ngoài ra, tại chỉ tiêu ngoại bảng, Eximbank có 8.482,2 tỷ đồng nghĩa vụ nợ tiềm ẩn, tăng gần 30% so với năm 2013.

Tổng tài sản năm vừa rồi “bốc hơi” 8.731,9 tỷ đồng còn 161.103,6 tỷ đồng; trong khi đó, tổng nợ phải trả cũng giảm 8.119,9 tỷ đồng còn 147.035,3 tỷ đồng.

HĐQT Eximbank cho biết, hoạt động của ngân hàng này từ cuối năm 2012 phần nào bị ảnh hưởng từ điều kiện khách quan, tình hình khó khăn chung của ngành ngân hàng và diễn biến bất lợi của kinh tế vĩ mô khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, có yếu tố chủ quan là những rủi ro đạo đức từ một số cán bộ lãnh đạo chi nhánh chạy theo thành tích lợi nhuận ngắn hạn bằng con đường phát triển nóng tín dụng, thẩm định kê khống trị giá tài sản... nên hệ thống Eximbank đến nay còn gánh nặng phải xử lý khoản nợ xấu, nợ quá hạn.

Lãnh đạo Eximbank cũng trần tình về kết quả lợi nhuận thấp trong năm vừa rồi. Theo đó, lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh năm 2014 của Eximbank là 1.940 tỷ đồng nhưng do tập trung xử lý nợ xấu nên hầu hết lợi nhuạn kinh doanh được dùng để giải quyết vấn đề này. Trích lập dự phòng 20% trên tổng số nợ đã bán cho VAMC nên lợi nhuận hợp nhất trước thuế cuối năm 2014 trên sổ sách chỉ còn 69 tỷ đồng.

Nhìn chung, từ 2010 đến 2014, kết quả kinh doanh của Eximbank trên đà lao dốc. Có thể thấy qua một số chỉ tiêu lớn, như lợi nhuận trước thuế: năm 2010 là 2.378 tỷ đồng; 2011 là 4.056 tỷ đồng; năm 2012 là 2.851 tỷ đồng, năm 2013 giảm còn 828 tỷ đồng và con số này năm 2014 là 69 tỷ đồng.

Tỷ lệ ROA (lợi nhuận/tài sản) năm 2011 đạt 1,93, bước sang 2012 còn 1,2; năm 2013 là 0,4 và 2014 chỉ còn 0,03. ROE (lợi nhuận/vốn) năm 2011 là 20,39; năm 2012 còn 13,3; năm 2013 là 4,3 và năm 2014 còn 0,39.

Về chi trả cổ tức và cổ phiếu thưởng, nếu như trong năm 2011, cổ đông Eximbank còn được thưởng bằng cổ phiếu tỷ lệ 17%, cổ tức bằng tiền với tỷ 19,3 thì sang năm 2012, cổ tức bằng tiền được chia với tỷ lệ 13,5%. Năm 2013, mức chia cổ tức bằng tiền giảm xuống còn 4% và thậm chí sang 2014 thì tỷ lệ này là 0% để tập trung xử lý nợ xấu.

Trong nhiệm kỳ 2011-2015, HĐQT Eximbank cũng thừa nhận, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng, lợi nhuận cao cho cổ đông, HĐQT đã mạnh dạn phân cấp, tạo điều kiện cho các chi nhánh có thẩm quyền hạn mức tín dụng tương đối cao, tuy nhiên công tác giám sát hệ thống, hậu kiểm chưa bao quát hết các rủi ro nên trong thời gian qua đã phát sinh nợ xấu và hiện tượng một số cán bộ cố ý làm trái gay thiệt hại tài sản và uy tín cho Eximbank. Số cán bộ này tuy đã bị xử lý mạnh tay theo các quy định của pháp luật nhưng hậu quả để lại còn cần một thời gian khắc phục.

Cũng theo HĐQT ngân hàng, do tập trung xử lý nợ xấu nên cổ tức 2014 của Eximbank là 0%, điều này trước mắt sẽ gây bất lợi lớn cho Eximbank về uy tín, thương hiệu và giá trị cổ phiếu trên thị trường.

Bên cạnh đó, hệ thống Korebank hơn 10 năm sử dụng vẫn đang trong quá trình chuyển đổi, gây tiềm ẩn những nguy cơ rủi ro quản trị cho hệ thống.

Điểm gây chú ý của Eximbank thời gian này là khả năng sáp nhập với Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank). Tờ Reuters mới đây dẫn nguồn tin riêng cho biết, Eximbank đang đàm phán sáp nhập với Nam A Bank song liệu hai ngân hàng này có tiến tới sáp nhập hay không vẫn chưa thể chắc chắn. Nội dung này sẽ không được đề cập đến trong chương trình Đại hội cổ đông thường niên diễn ra tuần tới.

Tuy nhiên, khả năng sáp nhập là có cơ sở khi hai lãnh đạo cao nhất ban điều hành của Nam A Bank là Tổng giám đốc Trần Ngô Phúc Vũ và nguyên Phó tổng giám đốc Trần Ngọc Tâm (vừa thôi nhiệm 24/3) đã có mặt trong danh sách ứng cử, đề cử nhân sự làm Thành viên HĐQT, BKS nhiệm kỳ 2015-2020 của Eximbank.

Mai Chi

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *