Doanh nghiệp 08/10/2014 12:49

EVN “rót” trên 80.700 tỷ đồng cho đầu tư xây dựng

FICA – Trong 9 tháng, EVN vay trong nước gần 8.600 tỷ đồng và vay nước ngoài 338 triệu USD. Công tác giải ngân đạt hơn 71.000 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong 9 tháng đầu năm 2014, tập đoàn và các đơn vị đã tích cực thu xếp vốn, đáp ứng đủ nhu cầu thanh toán cho các dự án.

Cụ thể, EVN đã ký hợp đồng vay vốn trong nước trị giá 8.578 tỷ đồng và ký hợp đồng vay vốn nước ngoài trị giá 338 triệu USD với Ngân hàng hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) và ngân hàng Bank of Tokyo Mitsubishi UFJ (BTMU). Ngoài ra, Tổng Công ty truyền tải điện Quốc gia cũng đã ký các hợp đồng vay vốn cho các dự án lưới điện truyền tải với tổng giá trị 12,35 tỷ đồng.

Giá trị đầu tư xây dựng toàn EVN trong 9 tháng qua ước đạt 80.722 tỷ đồng, giá trị giải ngân đạt 71.362 tỷ đồng.

Một số dự án có giá trị đầu tư và giải ngân đạt cao như: thủy điện Lai Châu, thủy điện Huội Quảng, nhiệt điện Vĩnh Tân 2 và 4, nhiệt điện Thái Bình 1, nhiệt điện Mông Dương 1 và nhiệt điện Duyên Hải 1.

Báo cáo của EVN cho biết, các nhu cầu điện đột xuất cho trồng thanh long, phát triển nuôi tôm hộ gia đình ở một số tỉnh Tây Nam bộ được giải quyết kịp thời. Đối với việc đảm bảo điện cho một số dự án lớn như Tổ hợp công nghiệp của Tập đoàn Samsung ở Thái Nguyên và Bắc Ninh, Khu công nghiệp Formosa ở Hà Tĩnh, EVN đã phối hợp chặt chẽ với địa phương, đầu tư xây dựng các dự án cấp điện đáp ứng tiến độ yêu cầu của nhà đầu tư.

Dự kiến, trong tháng 10 này, phụ tải của hệ thống có thể đạt tới 408 triệu kWh/ngày, công suất lớn nhất khoảng 21.810 MW. EVN cho biết sẽ khai thác hợp lý các nhà máy thuỷ điện để tận dụng các đợt nước cuối vụ và đảm bảo mục tiêu tích nước cuối năm, đảm bảo vận hành an toàn lưới điện 220 - 500kV, nhất là đường dây 500kV Bắc - Nam.

Về công tác thoái, giảm vốn đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính, theo báo cáo của EVN, trong 9 tháng, tập đoàn đã hoàn thành thoái vốn tại CTCP Bất động sản Saigonvina và CTCP Bất động sản điện lực miền Trung.

5 Tổng công ty Điện lực cũng đã thực hiện thoái vốn tại 21 doanh nghiệp. Tổng giá trị thoái vốn của EVN và 5 tổng công ty trong 9 tháng vừa rồi đạt 373,7 tỷ đồng.

Về tối ưu hóa chi phí, tổng hợp số liệu báo cáo của các đơn vị cho thấy, bước đàu đã giúp EVN tăng doanh thu 256,6 tỷ đồng, giảm chi phí sản xuất kinh doanh 876,35 tỷ đồng và tăng hiệu quả sử dụng vốn: 254,68 tỷ đồng.

Bích Diệp

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *