Doanh nghiệp 05/03/2015 17:03

Doanh nghiệp nội "lép vế" trong Top 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam

FICA - Năm nay có thêm nhiều doanh nghiệp Việt lọt vào danh sách 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam (20 doanh nghiệp năm 2014 so với 14 doanh nghiệp năm 2013).

Mạng cộng đồng nghề nghiệp Anphabe.com phối hợp với Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen vừa tổ chức lễ vinh danh 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2014. Đứng đầu danh sách này tiếp tục là tập đoàn Unilever. Các công ty nằm trong top 10 gồm rất nhiều tên tuổi quen thuộc như: Unilever, Vinamilk, Microsoft Vietnam, Abbott, Nestle, Procter & Gamble Vietnam, HSBC, IBM, Coca ColaVietnam, PepsiCo Food.

Unilever đồng thời cũng là thương hiệu nhà tuyển dụng hấp dẫn nhất 2 hạng mục cơ hội phát triển và danh tiếng công ty. Vinamilk được bình chọn là thương hiệu nhà tuyển dụng hấp dẫn nhất 2 hạng mục lương, thưởng, phúc lợi và chất lượng công việc & cuộc sống. Thương hiệu nhà tuyển dụng hấp dẫn nhất hạng mục văn hóa & giá trị và đội ngũ lãnh đạo lần lượt thuộc về hai doanh nghiệp ngành công nghệ là Intel và Microsoft.

Phân theo ngành nghề, Nike đứng đầu danh sách ngành may mặc, giày dép; HSBC (ngành tài chính, ngân hàng); Prudential (ngành bảo hiểm); Holcim (ngành sản xuất); Cargill (ngành nông lâm nghiệp)…

Đáng lưu ý, năm nay có thêm nhiều doanh nghiệp Việt lọt vào danh sách 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam (20 doanh nghiệp năm 2014 so với 14 doanh nghiệp năm 2013). Tuy nhiên, so với danh sách trong Top 100 thì doanh nghiệp "nội" vẫn có phần "lép vế" hơn so với các doanh nghiệp ngoại về số lượng và cả thứ hạng.

Dù vậy, đơn vị khảo sát cũng cho rằng, trong mắt người đi làm, các doanh nghiệp Việt có quy mô lớn và năng động ngày càng có sức hấp dẫn, ví dụ VinGroup đứng đầu ngành bất động sản và VietjetAir đứng đầu ngành du lịch/ khách sạn/ nhà hàng. Nhiều doanh nghiệp Việt có thứ hạng tăng cao như Viettel (từ 25 lên 14), Techcombank (từ 74 lên 24), ICP (từ 93 lên 75). Đặc biệt, có những doanh nghiệp lần đầu được lọt vào top 100 nhưng nắm giữ vị trí cao như Mobifone (12), PNJ (41), Thế giới di động (57)…

Cùng với xu hướng người đi làm ngày càng quan tâm tới vấn đề sức khoẻ, các công ty dược / chăm sóc sức khoẻ và sữa cũng có sự gia tăng thứ hạng, ví dụ như Vinamilk (từ 3 lên 2); Abbott (từ 6 lên 4); Nutifood (lần đầu lọt vào top 100 và xếp hạng 32); Sanofi (từ 73 lên 59); Mead Johnson (từ 92 lên 73)…

Theo báo cáo khảo sát của Anphabe, bên cạnh những mục tiêu nghề nghiệp điển hình, người đi làm ở Việt Nam đều có mục tiêu chung về cân bằng công việc và cuộc sống; có đủ tiền để sống thoải mái và có được công việc ổn định và đảm bảo.

Theo đó, với mục tiêu cân bằng công việc và cuộc sống ngành dệt may/ giày dép và ngành dầu khí/ năng lượng đáp ứng nhân viên tốt nhất. Cùng với bảo hiểm, ngành dầu khí/ năng lượng cũng đáp ứng tốt nhất mục tiêu có đủ tiền để sống thoải mái. Trong khi đó, người đi làm ngành vận chuyển/ hậu cần cảm thấy hài lòng nhất với mục tiêu có được công việc ổn định và đảm bảo.

Tuy nhiên, có sự khác biệt trong mục tiêu nghề nghiệp giữa nam và nữ, giữa nhân viên và cấp quản lý. Ví dụ phụ nữ quan tâm nhiều hơn đến có đủ tiền để sống thoải mái và tận hưởng nhiều trải nghiệm đa dạng, thú vị trong khi nam giới đề cao hơn việc thăng tiến trong nấc thang nghề nghiệp và trở thành lãnh đạo/ chuyên gia được tôn trọng. Người đi làm cấp quản lý mong muốn được cống hiến cho mục tiêu có ý nghĩa và trở thành lãnh đạo hoặc chuyên gia được tôn trọng nhiều hơn trong khi nhân viên lại quan tâm hơn về có đủ tiền để sống thoải mái và được đào tạo và tạo nền tảng để phát triển.

Vẫn còn khoảng cách rõ rệt giữa những mục tiêu của người đi làm và mức độ hài lòng với khả năng đáp ứng của doanh nghiệp. Đáng chú ý, hai mục tiêu quan trọng nhưng ít được hài lòng nhất là có đủ tiền để sống thoải mái và thăng tiến trong nấc thang sự nghiệp trong khi phần lớn doanh nghiệp đáp ứng tốt nhất mục tiêu được cống hiến cho mục tiêu có ý nghĩa nhưng lại là mục tiêu ít người quan tâm.

Người đi làm ngày nay đặt ra nhiều mục tiêu nghề nghiệp đa dạng nên họ cũng cầu toàn hơn khi chọn nơi làm việc. Trong nhiều kỳ vọng, lương, thưởng, phúc lợi vẫn là yếu tố có tầm quan trọng nhất. Điều này phản ánh xu thế người lao động mong muốn được bù đắp lại cho khối lượng công việc tăng cao trong thời buổi kinh tế khó khăn. Tuy nhiên, so với năm ngoái, họ bớt đòi hỏi về lương hay thưởng mà thay vào đó là đòi hỏi thêm về phúc lợi. Đội ngũ lãnh đạo và danh tiếng công ty được coi trọng hơn vì đây lần lượt là yếu tố quan trọng lèo lái doanh nghiệp vượt qua khó khăn và đảm bảo cho người lao động có sự ổn định.

Có sự khác biệt nhất định trong tiêu chí quan tâm của người đi làm khi tìm việc và chuyển việc. Khi chọn việc, họ chú trọng nhất đến đội ngũ lãnh đạo giỏi, phúc lợi hấp dẫn và tầm nhìn gây cảm hứng với chiến lược rõ ràng trong khi đó hai tiêu chí mà nếu doanh nghiệp không đáp ứng tốt, người đi làm sẽ ra đi là mức lương cạnh tranh và văn hoá công bằng & tôn trọng. Từ thực tế trên, muốn thu hút và giữ chân nhân tài, doanh nghiệp cần đưa ra những chương trình phúc lợi toàn diện và cụ thể để đáp ứng kỳ vọng đa dạng của người đi làm.

Phương Dung

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *