Doanh nghiệp 01/01/2015 14:23

Doanh nghiệp kỳ vọng môi trường kinh doanh năm 2015 tốt hơn

Đa số các doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng đều dự cảm về môi trường kinh doanh trong năm 2015 sẽ tốt hơn so với năm 2014.

Đây là thông tin được ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra tại "Hội nghị Giao ban các hiệp hội và doanh nghiệp khu vực phía Nam năm 2014" do VCCI, Chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh phối hợp với Hội đồng Trung ương các Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam (VBA) vừa được tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh.

 

Theo ông Vũ Tiến Lộc, những nỗ lực đồng bộ của Chính phủ trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đặc biệt là đẩy mạnh cải cách thể chế đang được chú trọng từ đầu năm đến nay đã phát huy hiệu quả. Từ đó đã góp phần tạo niềm tin cho doanh nghiệp và giúp doanh nghiệp chủ động trong chiến lược sản xuất, kinh doanh, vượt qua khó khăn.

 

Tuy nhiên, tại hội nghị, các chuyên gia cho rằng, mặc dù có nhiều dấu hiệu tích cực, mang lại sự thuận lợi hơn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp Việt Nam vẫn đối mặt với thực trạng năng lực cạnh tranh còn thấp. Mặt khác, trong khi khu vực doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI đang có sự hồi phục tích cực thì khu vực doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt bộ phần doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn rất khó khăn.

 

Ông Đặng Hoàng Giang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam, cho biết: trong năm 2015 các doanh nghiệp kỳ vọng Chính phủ sẽ tiếp tục có nhiều giải pháp hiệu quả nhằm tháo gỡ khó khăn về cơ chế chính sách cho các ngành hàng về thuế, hải quan… Bên cạnh đó, hầu hết doanh nghiệp đều có nhu cầu mở rộng thị trường, môi trường đầu tư thông thoáng, hỗ trợ giải quyết các tranh chấp thương mại để bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.

 

Tương tự, bà Nguyễn Thị Anh Thư, đại diện Hội Cơ khí - Điện thành phố Hồ chí Minh kiến nghị, doanh nghiệp cần một sân chơi công bằng, bình đẳng. Ngoài ra, một trong những vấn đề cấp thiết của hội nhập kinh tế quốc tế là xây dựng rào cản kỹ thuật trong thương mại và hướng dẫn, tư vấn cho doanh nghiệp, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế; đồng thời đây là công cụ hợp pháp để bảo vệ nền sản xuất trong nước.

 

Tại hội nghị, ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, đã đề nghị các hiệp hội và doanh nghiệp đánh giá lại cơ hội và thách thức về triển vọng kinh tế năm 2015, từ đó có định hướng chiến lược phát triển phù hợp, chủ động tự kiểm tra "sức khỏe" doanh nghiệp.

 

Mặt khác, cộng đồng doanh nghiệp nên đưa ra những kiến nghị, vấn đề cần hỗ trợ hoặc đang găp khó khăn để cơ quan quản lý nhà nước có giải pháp tháo gỡ kịp thời. Theo ông Huỳnh Văn Minh, các hiệp hội và doanh nghiệp cần chủ động tăng cường năng lực giám sát, phản biện các cải cách cơ chế chính sách để khi những chủ trương, chính sách được ban hành sẽ phát huy được hiệu quả và hỗ trợ tốt cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

 

Theo ông Vũ Tiến Lộc, từ khi Luật Doanh nghiệp Việt Nam ra đời, đã có hơn 700.000 doanh nghiệp thành lập, nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 500.000 doanh nghiệp hoạt động, trong số này gần 40% doanh nghiệp kinh doanh có lãi.

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *