Doanh nghiệp 23/03/2015 09:35

Doanh nghiệp "choảng" nhau vì nguyên liệu sắn

Thiếu nguyên liệu sắn để chế biến, hai doanh nghiệp (DN) ở Thanh Hoá quay sang… choảng nhau. Sự việc dai dẳng, nóng bỏng suốt thời gian qua nhưng lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá chưa có động thái “phân xử” rõ ràng.

Xô xát vì sắn

Chuyện tranh mua sắn nguyên liệu giữa Cty TNHH chế biến nông lâm sản xuất khẩu Như Xuân (Cty sắn Như Xuân) thuộc Cty Vật tư tổng hợp Thanh Hoá với Cty CP sản xuất, chế biến nông lâm sản và vật tư nông nghiệp Phúc Thịnh (Cty Phúc Thịnh) đã diễn ra ngay từ tháng 4.2014. Đỉnh điểm, sáng 9.3, ông Nguyễn Hữu Phước - Phó phòng Kế hoạch - kinh doanh Cty Như Xuân - phát hiện xe của Cty Phúc Thịnh đến bốc sắn ở xã Xuân Bình. Đến 12h cùng ngày, Cty Phúc Thịnh lại cho xe lên bốc sắn ở xã Xuân Bình. Theo xe có lãnh đạo Cty Phúc Thịnh và có sự tác nghiệp của cán bộ chiến sĩ CSHS thuộc Đội 2 (PC45 - CA tỉnh Thanh Hóa). Ông Phước tiếp tục yêu cầu Cty Phúc Thịnh ngừng bốc sắn và xảy ra xô xát. Lực lượng CSHS nhanh chóng bắt 3 thanh niên đi cùng ông Phước là Đậu Đình Kiên (SN 1987), Trần Viết Thắng (SN 1987) và Phạm Việt Dũng (SN 1987), đều ở Nghệ An về công an tỉnh lấy lời khai.

Làm việc với PV Lao Động, ông Hà Văn Thọ - Trưởng phòng Kinh doanh Cty sắn Như Xuân - cho hay, việc phản ứng của ông Phước trước việc Cty Phúc Thịnh lên mua sắn ở Xuân Bình là có cơ sở. Ông Thọ đưa ra QĐ số 2663/QĐ-UB ngày 27.10.2000 của UBND tỉnh Thanh Hoá do ông Lôi Xuân Len - Phó Chủ tịch thời điểm đó - ký phê duyệt quy hoạch vùng nguyên liệu sắn tỉnh Thanh Hoá. Theo quyết định này, phạm vi vùng nguyên liệu sắn được phân bố ở 22 xã thuộc 2 huyện Như Xuân và Như Thanh. Quyết định trên giao cho Cty CP vật tư tổng hợp Thanh Hoá tiến hành xây dựng dự án đầu tư vùng nguyên liệu và dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tinh bột sắn.

Năm 2002, Cty CP vật tư tổng hợp Thanh Hoá đã xây dựng nhà máy chế biến tinh bột sắn Như Xuân (sau là Cty Như Xuân) và đưa vào hoạt động từ tháng 10.2003. Theo ông Hà Văn Thọ, đến năm 2012, số tiền đầu tư nông dân nợ đọng lên đến 10 tỉ đồng. Để hỗ trợ nông dân, Cty xoá hoàn toàn số nợ này và đề nghị người trồng sắn hợp tác. Cty cam kết mua sắn nguyên liệu không dưới 15.000đ/kg. Ông Thọ chứng minh rằng, việc bán sắn của nông dân là sự bội tín nhằm trốn trả nợ số tiền đầu tư giống, phân bón của Cty sắn Như Xuân vì giá sắn Cty Phúc Thịnh mua không cao hơn Cty ông mua. Ông Lê Ngọc Hạnh - Chủ tịch HĐQT Cty CP vật tư tổng hợp Thanh Hóa - cho biết, ông đã nhiều lần viết đơn phản ánh sự việc lên các cấp chính quyền, nhưng chưa được giải quyết thoả đáng.

Phía Cty Phúc Thịnh thì viết đơn gửi lên công an tỉnh Thanh Hoá, tố cáo Cty sắn Như Xuân đang cạnh tranh vùng nguyên liệu theo kiểu “xã hội đen”. Theo đó, Cty sắn Như Xuân đã dùng lực lượng xã hội đen do ông Nguyễn Hữu Phước cầm đầu thường xuyên đe doạ, ngăn cản không cho Cty vào thu mua sắn ở hai huyện trên. Cty này cũng xác nhận xã Xuân Bình cũng như nhiều xã khác ở huyện Như Xuân, Như Thanh không phải là vùng nguyên liệu của họ, chưa bao giờ họ đầu tư vào đây. Tuy nhiên, việc vào mua sắn nguyên liệu ở đây là cạnh tranh bình thường, nông dân muốn bán cho ai là quyền họ. Cty đã đề nghị công an vào cuộc, bắt 3 thanh niên đi cùng ông Phước lấy lời khai sau đó cho về.

Cần phân xử công bằng

Theo Công an tỉnh Thanh Hoá, 3 đối tượng Thắng, Kiên, Dũng là những đối tượng “xã hội đen” chuyên cản trở việc thu mua sắn ở Như Thanh, Như Xuân và Phạm Hữu Phước là đối tượng cầm đầu (thực tế, ông Phước này họ Nguyễn). Công an tỉnh này đang mở rộng điều tra, truy bắt các đối tượng khác. Tuy nhiên, theo quyết định số 08/XKNK do ông Lê Ngọc Hạnh - Chủ tịch HĐQT Cty tổng hợp Thanh Hoá - ký, thì Phạm Hữu Phước được bổ nhiệm là Phó phòng Kinh doanh và hiện đang làm việc tại Cty này.

Dư luận đang trông chờ kết quả điều tra của cơ quan công an về việc có hay không băng đảng “xã hội đen” này. Tuy nhiên, điều dư luận quan tâm là việc phân xử đúng - sai của lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá trong việc thu mua vùng sắn nguyên liệu. Cty sắn Như Xuân khăng khăng giữ quyền mua sắn ở hai huyện Như Thanh, Như Xuân như vậy có đúng không? Cty Phúc Thịnh không đầu tư, không được quy hoạch vùng nguyên liệu nhưng cạnh tranh như vậy có hợp lý không?

 

Theo Xuân Hùng

Lao động

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *