Doanh nghiệp 22/07/2014 11:37

Doanh nghiệp bất động sản “để mắt” tới nông nghiệp

Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng DN cần thận trọng vì đây là ngành có chu kì đầu tư dài, tỉ trọng sinh lợi thấp và mức độ rủi ro cao.

 
AGPPS là một trong những công ty tiên phong triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn tại ĐBSCL. Ảnh: S.T
 

Trồng lúa, nuôi bò, đánh cá

Vào tháng 1-2014, có một sự kiện đánh dấu sự chuyển hướng đầu tư của DN ngành tài chính ngân hàng vào lĩnh vực nông nghiệp là việc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam và Công ty CP bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) ký kết hợp đồng tài trợ xây dựng cánh đồng mẫu lớn với tổng giá trị lên đến 70 triệu USD. Với nguồn tài trợ của Standard Chartered, AGPPS dự kiến tiếp tục xây dựng thêm 7 nhà máy mới, nâng tổng số lên 12 nhà máy gạo đến năm 2018, mở rộng vùng nguyên liệu bao tiêu lên đến 360.000 ha, đồng thời hai bên cũng hợp tác toàn diện trong khâu tư vấn tài chính cũng như tìm kiếm khách hàng XK.

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc của AGPPS cho biết: “Các sản phẩm hàng đầu dành cho lĩnh vực nông nghiệp của Standard Chartered giúp chúng tôi tiếp tục thúc đẩy sự thành công của mô hình cánh đồng mẫu lớn tại Việt Nam. Tôi tin tưởng rằng, với sự hỗ trợ của Standard Chartered cùng với kinh nghiệm của AGPPS trong hoạt động kinh doanh nông nghiệp, chúng tôi sẽ tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn nữa cho ngành lúa gạo Việt Nam cũng như cho người nông dân”.

Bên cạnh việc đầu tư mạnh vào cao su, mía đường, dầu cọ ở Lào và Campuchia, gần đây ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) - một “đại gia” của ngành bất động sản đã công bố sẽ dành hơn 6.000 tỉ đồng để đầu tư trồng bắp, nuôi bò sữa, bò thịt.

Theo đó, HAGL sẽ nhập 236.000 con bò thịt và bò sữa từ Úc, Thái Lan, Mỹ và New Zealand để chăn nuôi tại Lào và Việt Nam. Sản phẩm sẽ được bao tiêu bởi 2 DN lớn trong ngành thực phẩm là Vissan và NutiFood. Với dự án này, ông Đức cho biết sẽ tận dụng nguồn phụ phẩm từ hàng trăm ngàn ha cao su, mía đường, dầu cọ, bắp của HAGL ở Lào và Campuchia để nuôi bò, giá thành sản xuất sẽ rất thấp. Ông chủ HAGL nhiều lần khẳng định mô hình chăn nuôi của mình hoàn toàn không có rủi ro và cho biết sẽ không ngại đổ tiền vào nông nghiệp công nghệ cao.

Một DN bất động sản tại TP.HCM là Công ty CP Đức Khải cũng vừa công bố Đề án mua 100 tàu biển bằng vỏ sắt, vật liệu composite, sợi thủy tinh và hợp kim nhôm để khai thác thủy sản trên ngư trường Hoàng Sa - Trường Sa. Theo Công ty Đức Khải, quy định hiện hành chỉ cho phép NK tàu vỏ sắt đã qua sử dụng không được quá 8 năm. Trong khi đó, thực tế tàu vỏ sắt có niên hạn sử dụng từ 25 năm - 30 năm. Các tàu vỏ sắt Công ty dự định NK lại có niên hạn khoảng 12 năm.

Vì vậy, Đức Khải mong muốn Chính phủ cho phép được NK tàu có niên hạn sử dụng dài hơn để giảm chi phí mua tàu. Bởi, tàu mới có chi phí gấp hai, ba lần tàu cũ. Trong trường hợp phải thuê tàu, Công ty lại tốn thêm chi phí thuê, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh tế. Hiện Công Đức Khải đã trình Chính phủ xem xét kiến nghị này. Về vấn đề tiêu thụ, phần lớn hải sản sẽ được XK sang Nhật, số còn lại sẽ tiêu thụ trong nước.

Cần tạo chuỗi giá trị

Điều các DN cho là nan giải nhất khi đầu tư vào nông nghiệp là quỹ đất. Do chính sách ruộng đất hiện nay, việc tìm ra những khu đất có diện tích lớn để phát triển nông nghiệp quy mô lớn là rất khó. Bà Huỳnh Thị Bích Ngọc, Chủ tịch HĐQT Công ty mía đường Thành Thành Công, cho biết: "Tại Việt Nam, khó khăn nhất vẫn là không có quỹ đất quy mô lớn, rất khó để cơ giới hóa, nên từ ba năm trước, Tập đoàn Thành Thành Công đã chuyển hướng đầu tư cho nông dân tỉnh Svey Rieng, Campuchia phát triển hơn 5.000 ha mía nguyên liệu".

Theo GS Trần Đình Long - Chủ tịch Hội giống cây trồng Việt Nam (VSA), xu hướng chuyển dịch đầu tư của các DN trong nước sang lĩnh vực nông nghiệp là thức thời, là xu thế tất yếu, nhất là với điều kiện kinh tế Việt Nam. Các DN đã thành công chủ yếu là do quy mô đủ lớn, chủ động được nguồn vốn, nguồn nhân lực, chọn đúng đối tượng đầu tư, địa điểm đầu tư và tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, từ tạo vùng nguyên liệu, sản xuất đến sản phẩm cuối cùng và chủ động thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đơn cử như việc HAGL đầu tư trồng mía đường ở Lào theo mô hình nông nghiệp hiện đại đã tạo ra được sản phẩm giá thấp hơn cả đường Thái Lan, mang lại lợi nhuận cao.

Tuy nhiên, GS Trần Đình Long cho rằng khó khăn lớn nhất đối với các DN đầu tư vào nông nghiệp là quy mô sản xuất quá nhỏ, manh mún; quá nhiều chủng loại sản phẩm; lực lượng sản xuất nông nghiệp ở nông thôn Việt Nam chủ yếu là người già và trẻ em, thiếu đội ngũ công nhân nông nghiệp lành nghề. Mối liên kết giữa DN và người nông dân, người sản xuất còn lỏng lẻo: Khi giá sản phẩm trên thị trường thấp thì thực hiện tốt hợp đồng với DN; khi giá cao, lại sẵn sàng bán sản phẩm của mình cho thương lái... Hơn nữa, trong việc phân chia lợi ích thường DN có lợi nhiều hơn, nông dân vẫn là đối tượng thiệt thòi nhất.

Theo Quang Duy

Báo Hải quan

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *