Doanh nghiệp 07/07/2014 10:35

DN vận tải kêu bị "đánh bẫy", Bộ trưởng Thăng vào cuộc

Đích thân Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải đã chỉ đạo “sửa sai” những quy định ít tính khả thi, văn bản khó hiểu “đánh bẫy” doanh nghiệp vận tải.

Lộ lỗi đăng kiểm

Chỉ 12 tiếng sau khi Hội nghị Đối thoại trực tuyến với doanh nghiệp về chính sách vận tải năm 2014 được tổ chức vào giữa tuần trước, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng đã ký công văn khẩn gửi Bộ Công an, UBND các địa phương về việc tạm thời chưa xử phạt hành chính đối với một số trường hợp vi phạm tải trọng xe.

   
  Từ nay đến ngày 31/12/2014, xe chở hàng vượt trọng tải thiết kế dưới 10% sẽ không bị phạt (Ảnh minh họa-  Đức Thanh)  

Cụ thể, Bộ GTVT đề nghị Bộ Công an, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các lực lượng tuần tra kiểm soát trên đường bộ (cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông và các lực lượng khác) không xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 171/2013/NĐ-CP trong thời gian từ nay đến ngày 31/12/2014 đối với trường hợp vi phạm quy định về tải trọng trục, nhưng không vi phạm trọng lượng toàn bộ xe; chở hàng vượt trọng tải thiết kế dưới 10%.

Đây có thể coi là “thắng lợi” bước đầu của các doanh nghiệp vận tải hàng hóa bằng đường bộ - đối tượng đã đồng loạt mở một cuộc “tố khổ” với người đứng đầu ngành GTVT về một loạt quy định liên quan đến vận tải đường bộ được cho là “chưa trúng” và “chưa đúng”.

Cần phải nói thêm rằng, tại cuộc đối thoại kéo dài hơn 3 giờ, với sự tham gia của hầu hết các đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ lớn tại Việt Nam, có tới 8 ý kiến phản hồi gay gắt liên quan tới việc cấp phép đăng ký tải trọng xe và sơ mi rơ moóc được lãnh đạo doanh nghiệp dồn cho Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Ông Thái Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM phàn nàn, nhiều văn bản liên quan tới kinh doanh vận tải đường bộ của Bộ GTVT rất mập mờ, khó hiểu, “đánh bẫy” doanh nghiệp.

Cụ thể, dù cần tới 3 thông tư số 03/2011/TT-BGTVT, số 07/2010/TT-BGTVT và số 06/2014/VBHN-BGTVT để quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ, khi tham gia giao thông trên đường bộ…, nhưng chỉ riêng việc hiểu đúng thế nào là tải trọng trục đối với sơ mi rơ moóc giữa doanh nghiệp và cảnh sát giao thông còn có sự vênh đáng kể.

“Nhiều doanh nghiệp không hiểu tại sao đã đưa loại xe phù hợp vận chuyển đúng loại hàng hóa rồi mà vẫn bị xử phạt về lỗi quá tải trọng trục xe, trong khi tổng trọng tải không vi phạm”, ông Chung cho biết.

Cùng bức xúc trên, ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng cho biết, các doanh nghiệp hội viên trong Hiệp hội đang gặp nhiều khó khăn do quy định không thống nhất bởi tải trọng cho phép tham gia giao thông của các sơ mi rơ moóc ghi trong sổ kiểm định thấp hơn so với tải trọng thiết kế.

Do đó, nhiều phương tiện không vận chuyển được hàng container nhập khẩu vào Việt Nam.

“Đặc biệt, quy định xử lý phạt tải trọng đầu trục đã gây hoang mang cho các doanh nghiệp, vì ngoài việc bị phạt, lái xe còn bị treo bằng 2 tháng, doanh nghiệp không biết lựa chọn xếp hàng hóa như thế nào để tránh bị xử lý khi tham gia giao thông”, ông Tiến chia sẻ.

Trong khi đó, ông Hoàng Quang Ngọc, Giám đốc Công ty Vận tải Hoàng Hà, Hà Nội - doanh nghiệp đang sở hữu 400 xe đầu kéo container cho rằng, cách tính tải trọng theo đầu trục là quá phức tạp, làm sao xếp dàn đều cho đúng đầu trục tải trọng được, vì việc đóng hàng container ở Việt Nam hiện do chủ hàng thực hiện theo phương thức thủ công.

“Nếu có phạt thì các cơ quan chức năng nên phạt chủ hàng, chứ chúng tôi chỉ biết chở theo đúng tổng trọng tải cho phép”, ông Ngọc đề xuất.

Quy định sai, phạt rồi phải trả lại tiền

Giải thích về việc cấp đăng kiểm cho tải trọng của xe đầu kéo và moóc kéo container, ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp đang hiểu sai về Thông tư 07/2010/TT-BGTVT, bởi cùng một phương tiện, nhưng ở những thời điểm khác nhau (các kỳ kiểm định khác nhau) được Đăng kiểm cấp chứng nhận chở khối lượng hàng hóa khác nhau là do “sức khỏe” của phương tiện ở từng thời điểm khác nhau. 

Giải thích này của ông Hình bị lãnh đạo Công ty Vận tải Hoàng Hà vặn lại: “Vậy xin chỉ cho thông số đúng về tiêu chuẩn mẫu sơ mi rơ moóc để người tiêu dùng có thể mua đúng sơ mi rơ moóc. Nếu không, chúng tôi như người mù đi vào rừng cây!”.

Quan điểm này của ông Ngọc được Bộ trưởng Đinh La Thăng đồng tình: “Tôi đồng ý là, khi chưa đưa ra được thế nào là con số chuẩn cho phương tiện, thì không được bảo là doanh nghiệp nhập xe sai”.

Ông Thăng cũng cho rằng, tất cả những vấn đề mà quy định pháp luật còn chưa thống nhất, còn mâu thuẫn, thì chưa thể lấy làm căn cứ để phạt doanh nghiệp. Quy định pháp luật mà sai, thì phạt rồi cũng phải trả lại tiền cho doanh nghiệp.

Được biết, ngoài vấn đề tải trọng xe, nhiều nội dung liên quan đến chi phí bến bãi, việc cấp phép kinh doanh vận tải taxi… cũng được các đại biểu “cầu cứu” trực tiếp Bộ trưởng.

Về vấn đề trên, Bộ trưởng Thăng đã yêu cầu ngay trong tháng 7 này, Thanh tra Bộ GTVT sẽ thanh tra đột xuất nội dung trên và sẽ thông báo lại với doanh nghiệp.

Theo Anh Minh
Báo Đầu tư

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *