Doanh nghiệp 10/05/2021 08:22

Điều kiện kinh doanh chồng chéo, mâu thuẫn: Doanh nghiệp khó “yên thân”

Điều kiện kinh doanh vẫn chồng chéo, thậm chí không cần thiết, không minh bạch hoặc can thiệp quá sâu vào quyền tự quyết của doanh nghiệp (DN), hoạt động kiểm tra chuyên ngành chuyển biến chậm... đó là những rào cản vẫn còn tồn tại trong môi trường kinh doanh hiện nay, khiến cho DN vẫn rất khó xoay xở.

Doanh nghiệp thủy sản oải vì kiểm tra chuyên ngành

Mặc dù thừa nhận nhà quản lý đã có rất nhiều nỗ lực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, song nhiều DN ngành thủy sản cho biết, thời điểm này, họ lại đang gặp phải những rào cản trong kiểm tra chuyên ngành do chính nhà quản lý đưa ra bằng cách thay đổi, bổ sung các thông tư, quy định liên quan đến việc kiểm dịch hàng đông lạnh xuất nhập khẩu.

Cụ thể, theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep), động thái của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc thay thế Thông tư 06/2010 bằng Thông tư 26/2016 và sửa đổi, bổ sung bằng Thông tư 36/2018 đã dẫn đến một thực tế là, các Danh mục hàng hóa phải kiểm dịch, đặc biệt là các hàng về chế biến (đông lạnh, đồ hộp) bị tăng lên đáng kể.

 

Theo Vasep, chính việc sửa đổi này, suốt 3 tháng đầu năm 2021, các DN thủy sản trong ngành đã gặp vướng mắc bởi việc kiểm dịch hầu hết sản phẩm thủy sản nhập khẩu từ đông lạnh cho tới chế biến sâu. Cụ thể, theo quy định của Thông tư 06/2010/TT-BNNPTNT, sau đó được thay thế bởi Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT và Thông tư 26 sau đó được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 36/2018/TT-BNNPTNT và Thông tư 11/2019/TT-BNNPTNT, thì cả sản phẩm thủy sản chế biến từ động vật, sản phẩm động vật hoặc sản phẩm có chứa sản phẩm động vật (hàng khô, đồ hộp…) đều thuộc danh mục kiểm dịch theo Luật Thú y. “Việc áp dụng các thông tư này khiến việc kiểm soát dịch bệnh cho thủy sản và kiểm tra an toàn thực phẩm (là sản phẩm thực phẩm dùng cho người) đang khiến cho danh mục hàng hóa phải kiểm dịch một cách không cần thiết ngày càng dài ra” – Vasep cho biết đồng thời theo khẳng định của tổ chức này, các DN thủy sản hoàn toàn đồng ý cần kiểm dịch chặt chẽ sản phẩm sống, tươi sống, ướp đá nhưng với các sản phẩm thực phẩm (dùng cho người) ở dạng chế biến (đông lạnh, chín, đóng bao bì kín) hoặc chế biến sâu thì không thể mang và không có nguy cơ mang theo mầm bệnh cho thủy sản trong môi trường xung quanh. Do đó việc kiểm dịch là không cần thiết.

Liên quan đến những sản phẩm thủy sản chế biến đông lạnh, thực tế ở các nước trên thế giới như Mỹ, EU, Nhật Bản, Canada… hầu hết chỉ kiểm tra theo quy định chỉ tiêu về an toàn thực phẩm với sản phẩm thủy sản chế biến đông lạnh. Nhiều nước yêu cầu nước xuất khẩu kiểm tra các chỉ tiêu an toàn thực phẩm (thực phẩm dành cho người) và cấp chứng thư sức khỏe cho các lô hàng thủy sản chế biến xuất khẩu sang nước họ, chứ không yêu cầy phải kiểm dịch với hàng thủy sản đông lạnh hoặc chế biến, đóng bao bì kín.

Được biết, Vasep đã gửi công văn tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kiến nghị không đưa các sản phẩm thủy sản chế biến, không có nguy cơ lây truyền dịch bệnh vào danh mục phải kiểm động vật theo Luật Thú y, trừ các sản phẩm sống, tươi sống, ướp lạnh mà chịu kiểm tra theo quy định của Luật An toàn thực phẩm.

Theo Vasep, việc không kiểm dịch sẽ tạo điều kiện cho DN đúng như tinh thần của chủ trương cắt giảm danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành cũng như quy định pháp luật theo thông lệ quốc tế hiện nay.

Môi trường kinh doanh còn nhiều trở ngại

Câu chuyện của ngành thủy sản một lần nữa là minh chứng cho nhận định của giới chuyên gia về thực trạng kiểm tra chuyên ngành hiện nay vẫn đang là một “sợi dây trói” bó chân cộng đồng DN. Nói như bà  Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), môi trường kinh doanh hiện nay vẫn còn nhiều trở ngại với DN như: các điều kiện kinh doanh bất cập ở cấp luật; điều kiện kinh doanh chồng chéo, không cần thiết, không minh bạch hoặc can thiệp sâu vào quyền tự quyết của doanh nghiệp; hoạt động kiểm tra chuyên ngành chuyển biến chậm...

Số liệu của Cục quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2021, số DN rời khỏi thương trường lên tới hơn 51.000 DN, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm 2020. Nguyên nhân DN rời thương trường được giới chuyên gia đánh giá, không chỉ bởi đại dịch Covid-19 tác động, mà còn bởi nhiều DN vẫn đang gặp nhiều rào cản trong môi trường kinh doanh hiện nay.

Theo báo cáo mới nhất của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về cải cách môi trường kinh doanh, các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp vẫn được đang tiếp tục thực hiện, bất chấp bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành. Tuy nhiên, tốc độ cải thiện môi trường kinh doanh có xu hướng chậm lại. Theo VCCI, nhiều điều kiện kinh doanh vẫn còn chồng chéo, mâu thuẫn. Vẫn còn tình trạng “điều kiện kinh doanh chứa đựng trong điều kiện kinh doanh”... trở thành những điểm nghẽn chưa có cách nào tháo gỡ.

Trước những bất cập này, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, sẽ còn rất nhiều thách thức trong việc cải thiện môi trường kinh doanh thời gian tới đây, theo ông Lộc, mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh tới đây còn gặp  khó khăn hơn rất nhiều. “Bởi vậy, đây chính là lúc cần có sự nỗ lực chung tay cộng đồng DN, hiệp hội DN, các cơ quan, từng cán bộ trong bộ máy nhà nước trong việc thực hiện mục tiêu này” – TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Thế Hưng

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *