Doanh nghiệp 20/05/2018 11:13

Đề xuất phương án chi 15.000 tỷ đồng cho dự án cấp bách ngành giao thông

Phương án sử dụng 15.000 tỷ đồng vốn dự phòng của Kế hoạch trung hạn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016-2020 cho các dự án đường sắt, đường bộ quan trọng, cấp bách của ngành giao thông đang được Chính phủ lấy ý kiến và đề xuất báo cáo quốc hội.

Chính phủ đề xuất chi 15.000 tỷ đồng cho dự án cấp bách ngành giao thông

Việc xây dựng phương án phân bổ khoản ngân sách 15.000 tỷ đồng kể trên được cho là xuất phát từ sự cần thiết và tiêu chí lựa chọn các dự án quan trọng đã được đề nghị triển khai và là vấn đề cấp bách. Bởi, giao thông vận tải đường sắt là một ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng của đất nước, giữ vai trò chủ đạo trong ngành giao thông những năm nửa đầu thế kỷ 20 cũng như phục vụ trong chiến tranh và giai đoạn khôi phục kinh tế sau thống nhất đất nước.

Tuy nhiên, những năm gần đây, do nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho lĩnh vực này còn nhiều hạn chế. Hiện, ngành mới chỉ tâp trung chủ yếu vào một số dự án để đảm bảo an toàn giao thông. Trong khi đó, khả năng hút vốn đầu tư thông qua hình thức xã hội hoá để phát triển đường sắt chưa được các nhà đầu tư quan tâm do lợi thế thương mại thấp nên chưa có tuyến đường sắt mới nào được hoàn thành để kết nối với các phương thức vận tải khác…

Bên cạnh đó, nguồn vốn duy tu, bảo dưỡng hàng năm để thực hiện công tác bảo trì, kết cấu hạ tầng đường sắt hiện cũng không đáp ứng được so với nhu cầu thực tế và đang trong tình trạng yếu kém, lạc hậu. Cụ thể, nhiều hầm yếu, cầu yếu chưa thống nhất tải trọng, độ dốc cao, bán kính nhỏ, ray, tà vẹt nhiều củng loại; trên tuyến có nhiều nút thắt về vận tải; hệ thống tín hiệu, thông tin liên lạc kém, lạc hậu, có nhiều điểm giao cắt với đường bộ, ảnh hưởng đến an toàn giao thông, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển.

Theo Bộ Giao thông và Vận tải, hiện nay, nguồn vốn bố trí để phát triển hạ tầng giao thông nói chung, hạ tầng, đường sắt nói riêng trong giai đoạn 2016-2020 rất hạn chế. Kế hoạch nguồn vốn ngân sách cho giai đoạn này chỉ bố trí được 1.280 tỷ đồng để thực hiện đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng đường sắt hiện có. Trong đó, khoảng 634,525 tỷ đồng đã phải dùng để trả nợ đọng xây dựng cơ bản để hoàn ứng. Với tình cảnh như vậy, các mục tiêu tối thiểu mà Nghị quyết Quốc hội thông qua rất khó thực hiện và gặp nhiều khó khăn.

Cũng theo Bộ Giao thông Vận tải, việc Quốc hội thông qua Nghị quyết số 52 ngày 22/11/2017 trong đó có chủ trương sử dụng 15.000 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng của Kế hoạch trung hạn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016-2020 cho các dự án đường sắt, đường bộ quan trọng cấp bách, đã tạo cơ hội và điều kiện để ngành thực hiện những mục tiêu cơ bản nhất về phát triển hạ tầng trong giai đoạn tới năm 2020.

Trên cơ sở nguồn vốn đã được cân đối, Bộ Giao thông Vận tải xác định dành nguồn lực này cho các dự án hạ tầng đường sắt quan trọng nhất với một số nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn được cơ quan này khẳng định là rất chặt chẽ và phù hợp.

Cụ thể, các dự án được lựa chọn để phân bổ nguồn ngân sách phải đảm bảo phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nói chung, hạ tầng đường sắt nói riêng, phù hợp với quy hoạch được duyệt. Bên cạnh đó, nguyên tắc lựa chọn là tập trung vốn cho tuyến chủ đạo, tránh đầu tư dàn trải, trước mắt ưu tiên tuyến Hà Nội – TP HCM. Đồng thời, ưu tiên lựa chọn các công trình, hạng mục thiết yếu, ít giải phóng mặt bằng để nhanh chóng giải quyết những bất cập hiện tại, đảm bảo phát huy sớm hiệu quả của nguồn vốn.

Các hạng mục được Bộ Giao thông Vận tải ưu tiên lựa chọn, gồm: Cải tạo, nâng cấp các công trình cầu, hầm yếu, đã xuống cấp, làm trụ chống va cho các cầu có thông thuyền nhằm đảm bảo an toàn, đồng nhất tải trọng 4,2 tần/m và nâng cao tốc độ chạy tàu; Cải tạo, mở mới một số ga, trạm nhường tránh; mở thêm đường số 3 đối với những ga mới có 2 đường ga, kéo dài đường ga đảm bảo chiều dài dùng được >400m; Cải tạo mái che ke ga tại các ga có lưu lượng hành khách đi tàu lớn để giải quyết nút thắt về vận tải.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải cũng ưu tiên việc nâng cấp nền đường, thay thế kiến trúc tầng trên (tà vẹt, ray, ghi, phụ kiện nối giữ); đường cong bán kính nhỏ  để đảm bảo an toàn và nâng tốc độ chạy tàu; Xây dựng hàng rào, đường gom một số đoạn thường xảy ra tai nạn giao thông để đóng các lối dân sinh…

Xuất phát từ những tiêu chí, nguyên tắc lựa chọn dự án, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị triển khai 4 dự án đường sắt quan trọng từ nguồn vốn dự phòng trung hạn được phân bổ với tổng kinh phí đầu tư 7.000 tỷ đồng.

Số tiền này được tập trung vào 4 dự án, gồm Cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội – TP HCM (đề nghị bố trí 1.950 tỷ đồng); Dự án gia cố các hầm yếu, kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh – Nha Trang (đề nghị bố trí 1.800 tỷ đồng); Dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội – Vinh (đề nghị bố trí 1.400 tỷ đồng) và Dự án cải tạo nâng cấp công trình thiết yếu đoạn Nha Trang – Sài Gòn (đề nghị bố trí 1.850 tỷ đồng).

8.000 tỷ đồng còn lại được đề xuất bố trí cho 10 dự án đường bộ cấp bách và quan trọng. Trong đó, khu vực phía Bắc có 3 dự án với đề xuất kinh phí đầu tư khoảng 2.582 tỷ đồng, gồm dự án đường nối quốc lộ 4C và 4D (đoạn nối Hà Giang – Lào Cai – Lai Châu – Yên Bái và thông với các cửa khẩu Thanh Thuỷ; Xí Mần, Mường Khương); Quốc lộ 3B (tuyến nối Bắc Kạn với lạng Sơn, đi qua các huyên nghèo ra cửa khẩu Pò Mã) và Tuyến đường bộ nối cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên sẽ có 3 dự án triển khai với khoản vốn ngân sách được đề xuất bố trí là 2.043 tỷ đồng; Khu vực ĐBSCL 4 dự án với mức kinh phí đề xuất là 3.375 tỷ đồng.

H.Anh 

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *