Doanh nghiệp 23/08/2021 11:42

Đề xuất "choáng" về 100 tàu bay của tỷ phú Trịnh Văn Quyết bị "tuýt còi"

Bamboo Airways muốn nâng quy mô đội tàu bay lên tới 100 chiếc với tổng vốn lên tới 14.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, chủ trương này được cho là chưa phù hợp với tình hình thị trường và năng lực tài chính.

Covid-19 phức tạp, lo mất cân đối thị trường

Theo dự án điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án vận tải hàng không Tre Việt (Bamboo Airways), doanh nghiệp này muốn tăng từ 30 tàu bay đến năm 2023 lên 100 tàu bay đến năm 2028 và như điều chỉnh tổng vốn đầu tư của dự án từ 5.700 tỷ đồng lên mức 14.800 tỷ đồng.

Ông Lê Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) - cho rằng mặc dù hạ tầng cảng hàng không và năng lực giám sát an toàn của ngành hàng không vẫn đáp ứng nhưng trong tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, chưa xác định cụ thể kịch bản hồi phục, việc bổ sung tàu bay sẽ gây mất cân đối cung/cầu thị trường, ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển bền vững của ngành hàng không.

"Trước mắt tập trung phục hồi thị trường vận tải hàng không trong nước và quốc tế, tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không Việt Nam đang hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19; việc mở rộng quy mô Dự án sẽ được xem xét sau thời điểm thị trường hàng không phục hồi, dự kiến năm 2022" - Thứ trưởng Lê Anh Tuấn nhấn mạnh.

Đề xuất choáng về 100 tàu bay của tỷ phú Trịnh Văn Quyết bị tuýt còi - 1

Bamboo Airways đề xuất nâng đội tàu lên 100 chiếc và tăng vốn sở hữu lên mức 14.800 tỷ đồng (Ảnh: Tiến Tuấn).

Cơ quan thẩm định dự án đầu tư của Bamboo Airways là Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nêu quan điểm: Bamboo Airways cần nghiên cứu kỹ các ý kiến của Bộ GTVT, đồng thời tiếp tục cập nhật tình hình thị trường, diễn biến đại dịch Covid-19 để lựa chọn phương án đề xuất điều chỉnh bảo đảm khả thi, phù hợp.

Đối với việc điều chỉnh tổng vốn đầu tư dự án lên mức 14.800 tỷ, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư dẫn Quyết định 1014 của Thủ tướng Chính phủ cho phép quy mô của dự án đầu tư của hãng này đến năm 2023 là 30 tàu bay, tổng vốn đầu tư của dự án là 5.700 tỷ đồng.

Theo hồ sơ đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, quy mô của dự án đầu tư đến năm 2028 là 100 tàu bay với tổng vốn đầu tư là 14.800 tỷ đồng. Như vậy, sơ bộ suất đầu tư tính trên một máy bay có sự chênh lệch khá lớn. Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bamboo Airways làm rõ nội dung này, đảm bảo tính chính xác của nhu cầu vốn đầu tư.

Bamboo Airways được yêu cầu phân tích làm rõ căn cứ xác định tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh; nội dung các khoản chi phí tăng thêm (hạng mục nào tăng, giá trị bao nhiêu); nguyên nhân phát sinh các khoản chi phí tăng thêm cũng như làm rõ nguồn vốn hiện tại có đáp ứng được quy mô dự án mới hay không, số vốn đề nghị tăng thêm sẽ tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính (vận chuyển hàng không) hay lĩnh vực hoạt động đầu tư khác của doanh nghiệp…

Tiền đâu?

Theo đề xuất điều chỉnh tăng tổng vốn đầu tư lên 14.800 tỷ đồng đồng, Bamboo Airways cho biết ngoài vốn chủ sở hữu là 5.374 tỷ đồng đã góp đủ 100%, vốn huy động là 3.476 tỷ đồng và vốn khác 5.950 tỷ đồng.

Bảng cân đối kế toán ngày 31/12/2020 cho thấy, vốn chủ sở hữu của Bamboo Airways là hơn 7.564 tỷ đồng, trong đó vốn góp của chủ sở hữu là 7.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hơn 564,249 tỷ đồng. Công ty này có khoản chi phí xây dựng cơ bản dở dang là 3.264 tỷ đồng.

Trong khi đó, nội dung hồ sơ đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần thứ 10 cấp ngày 5/2 năm nay ghi nhận vốn góp (vốn điều lệ) của Bamboo Airways là 10.500 tỷ đồng (chưa bao gồm phần vốn huy động và vốn khác).

Đề xuất choáng về 100 tàu bay của tỷ phú Trịnh Văn Quyết bị tuýt còi - 2

Hoạt động kinh doanh hàng không của Bamboo Airways hiện không có lãi (Ảnh: Tiến Tuấn). 

Cho ý kiến về đề xuất này, ông Tạ Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Tài chính - nhấn mạnh: Quy mô tăng vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu đã huy động đến năm 2020 của nhà đầu tư đã vượt quá tổng mức đầu tư được Thủ tướng phê duyệt, Bamboo Airways cần làm rõ.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, trường hợp dự án được cấp có thẩm quyền chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư, Bộ Tài chính đề nghị UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo các cơ quan chức năng chịu trách nhiệm giám sát việc sử dụng vốn đúng mục đích, tổ chức kiểm tra quá trình thực hiện Dự án của Nhà đầu tư.

Lý giải về khoản vốn huy động 3.476 tỷ đồng từ các tổ chức tín dụng, Bamboo Airways cho biết Ngân hàng TMCP Hàng hải (MSB) đã có cam kết cấp tín dụng có điều kiện để thực hiện dự án với số tiền 1.476 tỷ đồng. Tại Phụ lục năng lực tài chính, Tre Việt cung cấp 8 hợp đồng hạn mức tín dụng ngắn hạn ký kết với 8 ngân hàng, tổng hạn mức cam kết là 2.617 tỷ đồng…

Về việc này, Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Đào Minh Tú cho rằng: Điều 7 Luật Các Tổ chức tín dụng quy định Tổ chức tín dụng có quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh và tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh của mình. Theo đó, Tổ chức tín dụng sẽ thực hiện cho vay đối với Bamboo Airways trên cơ sở tự thẩm định dự án, đánh giá hiệu quả của dự án để xem xét và tự chịu trách nhiệm về quyết định cho vay, đảm bảo tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật có quan về cấp tín dụng.

Đề xuất của Bamboo Airways với phần vốn khác khoảng 5.950 tỷ đồng được huy động từ nguồn lợi nhuận giữ lại từ hoạt động kinh doanh, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước phương án huy động này được đánh giá là chưa khả thi trong bối cảnh hoạt động kinh doanh chính của công ty là kinh doanh hàng không không có lãi (- 3.604 tỷ đồng).

Châu Như Quỳnh

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *