Doanh nghiệp 27/05/2021 22:24

Đâu là lợi thế của bán lẻ nội?

Sau một thời gian ồ ạt xâm nhập, thời điểm này, không khí hoạt động của các “ông lớn” ngoại trong ngành bán lẻ có vẻ trầm lắng hẳn. Không còn thấy các vụ mua bán, sáp nhập của các đại gia nước ngoài đối với các DN bán lẻ nội. Ngược lại, các DN bán lẻ trong nước dường như ngày càng vững chân hơn tại “sân nhà”.

Đảo chiều

Theo nhận định của các chuyên gia ngành bán lẻ, thế mạnh “chủ nhà” với sự am hiểu thị trường đã và đang giúp các DN bán lẻ nội giữ được thị phần, thậm chí đang loại dần các đối thủ lớn từ các thị trường khác ra khỏi cuộc chơi. Thời gian qua, dư luận đang chứng kiến các thương vụ mua bán, sáp nhập, chưa dừng lại ở đó, việc hàng loạt đại gia bán lẻ khác như Casino (Pháp), Metro Cash & Carry (Đức) đã và đang tháo chạy, rút lui khỏi thị trường Việt Nam sau nhiều năm đổ tiền đầu tư, cho thấy, “miếng bánh” của thị trường bán lẻ Việt Nam tưởng là “ngon” nhưng không hề dễ “xơi”.

Ở thời điểm này, không còn ở vị thế “bị thâu tóm”, một số thương hiệu bán lẻ lớn của Việt Nam đã đảo ngược tình thế, nắm bắt cơ hội để giành thị phần trên thị trường này. Việc Tập đoàn Thaco mua lại 100% cổ phần Công ty Emart đang thuộc sở hứu của Emart Hàn Quốc là một minh chứng rõ ràng cho điều này. Và trong tháng 5 này, khi thương vụ mua bán này được hoàn tất, đại gia bán lẻ này của Hàn Quốc  sẽ không còn xuất hiện tại thị trường Việt Nam. Đây không phải là thương vụ đầu tiên, trước đó, hồi năm 2019, Saigon Co.op cũng đã mua lại hệ thống 18 siêu thị Auchan của Pháp. Cũng trong năm 2019, một thương vụ M&A được dự luận hết sức quan tâm đó là việc Vingroup mua lại hệ thống 87 cửa hàng tiện lợi Shop&Go - thương hiệu bán lẻ từ Singapore do Công ty CP Cửa hiệu và Sức sống quản lý...

 

Hiện tại, trên thị trường bán lẻ, những cái tên như Saigon Co.op, Vincommerce, Massan... đã trở nên quen thuộc đối với người tiêu dùng Việt Nam. Với hệ thống hơn 2000 cửa hàng tiện lợi Vinmart+ rộng khắp cả nước, Vinmart của Vincommerce (hợp nhất với Massan) đang ngày càng mở rộng mạng lưới chân rết của mình, bám chắc ‘sân nhà”. Tương tự, số lượng các siêu thị, cửa hàng tiện lợi của Saigon Co.op cũng đang được gia tăng và mở rộng thị phần... Cùng với đó, những cái tên như Thế giới di động, Điện máy xanh, Bách hóa xanh... ngày càng trở nên gần gũi với người tiêu dùng trong nước.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2020 mức tăng thị trường bán lẻ Việt Nam dù không bằng mức tăng 12,7% của năm 2019, nhưng quy mô của thị trường này đã tăng thêm hơn 11 tỷ USD. Các chuyên gia dự báo, nếu tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng cao như những năm qua thì chỉ 2 năm nữa thị trường bán lẻ Việt Nam có thể cán mốc 200 tỷ USD.

Tận dụng lợi thế

Nhận định về xu hướng “đảo chiều” của thị trường bán lẻ thời gian qua, giới chuyên gia trong ngành cho rằng, chính yếu tố am hiểu thị trường, nắm bắt được tâm lý người tiêu dùng là lợi thế của các DN bán lẻ nội. Nói như bà Bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc khu vực miền Bắc của Nielsen Việt Nam, lợi thế của DN trong nước nằm ở sự am hiểu tâm lý người tiêu dùng Việt, do đó những chiến lược kinh doanh sẽ đặt ưu tiên về sở thích, thói quen mua sắm của người tiêu dùng lên hàng đầu. Điều này lại là điểm yếu của các DN ngoại, do họ không thể nắm bắt được rõ về tâm lý của người tiêu dùng trong nước như các DN nội.

Bên cạnh đó, cũng theo vị chuyên gia này, việc nắm bắt xu hướng mua sắm của người tiêu dùng hiện nay cũng giúp cho các đại gia bán lẻ chuyển đổi chiến lược kinh doanh để có thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Đó cũng là lý do vì sao có sự xuất hiện ngày càng nhiều các cửa hàng tiện lợi nhỏ, nằm ở trong các khu dân cứ, các ngõ ngách, khu phố.

Số liệu thống kê của Q&Me (Dịch vụ nghiên cứu thị trường đặc biệt) cho biết, năm 2020, số siêu thị đã giảm khoảng 20%, ở mức 336 siêu thị xuống còn 330 siêu thị. Thay vào đó, số lượng cửa hàng tiện lợi có chiều hướng tăng mạnh, với 60% từ 2.495 cửa hàng lên 5.228 cửa hàng; cửa hàng nhỏ tăng 163- 170 cửa hàng; drug store (thuốc, mỹ phẩm…) tăng 30% từ 340-679 cửa hàng; siêu thị điện máy tăng 11% với 3.141 cửa hàng… Dẫn đầu về quy mô cửa hàng mỗi lĩnh vực phải kể đến những cái tên quen thuộc như: Vincom, Miniso, Phamacity, Thế giới di động, Điện máy xanh, Việt Tiến, Blue Exchange, Biti’s, Highland, The Coffee House… Trong đó, có sự tăng trưởng mạnh mẽ của các thương hiệu: Thế giới di động, Điện máy xanh, Bách hóa xanh… khi các doanh nghiệp này đồng loạt mở rộng quy mô, số lượng cửa hàng cho các thương hiệu con. Trong khoảng 1 năm, Thế giới di động đã tăng từ 1.817 cửa hàng lên 1.929 cửa hàng, Điện máy xanh từ 798 cửa hàng lên 1.026 cửa hàng, đặc biệt Bách hóa xanh là thương hiệu mở rộng mạnh nhất khi số lượng cửa hàng tăng gấp 2 lần từ 512 cửa hàng lên 1024 cửa hàng.

Những dữ liệu này cho thấy, sự bùng nổ của các cửa hàng tiện lợi trên thị trường bán lẻ là yếu tố tất yếu, và xu hướng này còn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Và tất nhiên, các DN bán lẻ cần phải nắm bắt xu hướng này để tiếp tục giữ vững được thị phần, làm chủ sân nhà bằng chính những lợi thế mà các DN ngoại không thể có (!)

Thế Hưng

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *