Chuyển động doanh nghiệp 22/06/2018 09:34

Cổ phần hoá Vinalines: Hơn 300 người sẽ phải nghỉ việc

Theo phương án cổ phần hoá công ty mẹ Vinalines đã được Thủ tướng phê duyệt, sẽ có 319 lao động của doanh nghiệp này phải nghỉ việc và tổng số lao động giữ lại còn 1.096 người. Sau cổ phần hoá, Nhà nước sẽ giảm tỷ lệ nắm giữ tại “ông lớn” này xuống 65%.

Phương án cổ phần hoá Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) mới đây đã chính thức được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt.

Theo đó, hình thức cổ phần hoá Vinalines là kết hợp vừa bán bớt một phần vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.


Hậu cổ phần hoá, số lượng lao động tại Vinalines vẫn còn trên 1.000 người

Sau cổ phần hoá, vốn điều lệ của Vinalines là hơn 14.046 tỷ đồng. Tổng số cổ phần hơn 1,4 tỷ đơn vị, mệnh giá 10.000 đồng. Trong đó, Nhà nước nắm giữ xấp xỉ 913 triệu cổ phần, chiếm 65% vốn điều lệ; cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp là 2,29 triệu cổ phần, chiếm 0,16% vốn điều lệ.

Ngoài ra, số bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp theo số năm làm việc tại khu vực nhà nước là 1,6 triệu cổ phần, chiếm 0,11% vốn điều lệ; bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp theo số năm cam kết làm việc tiếp cho công ty cổ phần là 694.900 cổ phần, chiếm 0,05% vốn điều lệ; cổ phần bán ưu đãi cho tổ chức công đoàn là 500.000 cổ phần, chiếm 0,04% vốn điều lệ.

Cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược là 207,9 triệu cổ phần, chiếm 14,8% vốn điều lệ và còn lại, số cổ phần bán đấu giá công khai khoảng 20%, với hơn 280,9 triệu cổ phần.

Mức giá khởi điểm chào bán cổ phần lần đầu khi thực hiện cổ phần hóa công ty mẹ Vinalines là 10.000 đồng/cổ phần. Việc bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) sẽ được thực hiện theo phương thức bán đấu giá tại Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hà Nội (HNX).

Với sự kiện cổ phần hoá, khoảng 319 lao động của Vinalines sẽ phải nghỉ việc, tổng số lao động giữ lại còn 1.096 người.

Theo báo cáo tài chính năm 2017 của Vinalines, lợi nhuận sau thuế của tổng công ty này đạt 748 tỷ đồng tăng gần gấp đôi so với năm trước dù doanh thu chỉ đạt 13.560 tỷ đồng, giảm 7,2% so với năm 2016.

Sau hơn 6 năm tái cơ cấu, Vinalines vẫn  gánh hơn 11.219 tỷ đồng nợ gốc, trong đó 4.374 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và 6.845 tỷ đồng nợ vay trung, dài hạn tại các tổ chức tín dụng. Nợ nhiều dẫn đến áp lực trả lãi lớn. Tính riêng năm 2017, chi phí lãi vay lên đến 807 tỷ đồng tương đương 6% doanh thu.

Bích Diệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *