Chuyển động doanh nghiệp 01/02/2018 08:00

“Mạnh tay” cho quảng cáo, doanh thu của Habeco vẫn “đi thụt lùi”

Lợi nhuận quý IV/2017 của Habeco tăng gấp 4,5 so với cùng kỳ nhưng đây là kết quả nhờ “lợi nhuận khác”, trong khi doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh của hãng bia này lại giảm 30% dù Habeco đã tăng chi gấp rưỡi cho quảng cáo lên 232 tỷ đồng.

Tổng công ty cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Hà Nội (Habeco) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV và cả năm 2017.

Theo đó, trong quý IV/2017, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh của Habeco giảm khá mạnh, chỉ bằng 70% cùng kỳ, đạt 2.597 tỷ đồng, lợi nhuận thuần cũng chỉ đạt 150,3 tỷ đồng, giảm hơn 28%.

Tuy vậy, với 12,7 tỷ đồng lợi nhuận khác (cùng kỳ hạng mục này ghi nhận lỗ 173,1 tỷ đồng) nên lợi nhuận trước thuế trong quý IV của Habeco năm vừa rồi đạt gần 163 tỷ đồng, gấp 4,5 lần quý IV/2016. Do đó, hãng bia này ghi nhận đạt 123,4 lãi ròng so với kết quả lỗ ròng 15,8 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2016.

Luỹ kế cả năm 2017, Habeco báo lãi trước thuế 972,6 tỷ đồng, bằng 95% thực hiện năm 2016 (trong đó, lợi nhuận khác đóng góp 43,1 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế đạt 754,1 tỷ đồng, giảm nhẹ so với 2016.

Habeco có khoản tiền gửi khủng hơn 1.600 tỷ đồng ở ngân hàng.
Habeco có khoản tiền gửi "khủng" hơn 1.600 tỷ đồng ở ngân hàng.

Theo thuyết minh báo cáo tài chính, trong quý IV/2017, khoản thu nhập thừ thanh lý tài sản mang về cho Habeco 4,4 tỷ đồng, cả năm khoản này đạt 12,2 tỷ đồng (tăng gấp 3 lần cùng kỳ). Thu thừ thu hồi vỏ chai, keg đạt 37,3 tỷ đồng trong cả năm, tăng 6,7 lần so với năm 2016.

Ngoài ra, các dữ liệu cũng cho thấy, trong quý IV, Habeco đã mạnh tay chi 232 tỷ đồng cho công tác quảng cáo, khuyến mại, hỗ trợ, tăng 43,5% so với cùng kỳ 2016. Cả năm, khoản này “ngốn” của Habeco 559,2 tỷ đồng.

Tại ngày 31/12/2017, Habeco có khoản tiền gửi ngân hàng 1.646,9 tỷ đồng, tăng hơn 260 tỷ đồng so với đầu năm. Con số này chiếm 1/3 tài sản ngắn hạn của Habeco. Nhờ đó, trong năm, Habeco thu về được 125 tỷ đồng lãi tiền gửi.

Mặc dù từ cuối năm 2016, Bộ Công Thương đã lên kế hoạch thoái vốn khỏi Habeco ngay trong năm đó theo chủ trương của Chính phủ: “Nhà nước không bán bia, bán sữa” tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, công tác này vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn.

Theo đó, Bộ Công Thương vẫn đang là cổ đông lớn nhất tại Habeco với giá trị khoản vốn góp đạt 1.895,9 tỷ đồng tương ứng chiếm 81,79% vốn điều lệ. Cổ đông Carlsberg Breweries A/S sở hữu 17,34% tương ứng 402 tỷ đồng và vốn góp của Công ty TNHH Thương mại Carlsberg Việt Nam là 3,8 tỷ đồng (0,16%). Carlsberg sẽ được quyền ưu tiên mua trước khi Habeco bán tiếp cổ phần.

Theo thông tin được ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cung cấp cho báo chí mới đây, việc đàm phán chào bán cổ phần Nhà nước tại Habeco với đối tác Carlsberg vẫn đang diễn ra và có kết quả đến nay cơ bản tốt. Phương thức chào bán cần trình Chính Phủ, những vướng mắc đang được tháo gỡ từng phần và cố gắng hoàn tất thoái vốn trong quý I/2018.

Bích Diệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *