Doanh nghiệp 01/05/2015 15:12

Chưa hài lòng, lọc dầu Dung Quất tiếp tục xin giảm thuế

BSR tiếp tục kiến nghị Bộ Tài chính giảm thuế nhập khẩu đối với mặt hàng dầu diesel và xăng Jet A1 để “vừa đảm bảo nguồn thu ngân sách, vừa

Chưa hài lòng với điều chỉnh thuế nhập khẩu xăng dầu trước đó từ Bộ Tài chính, Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị vận hành Lọc dầu Dung quất - lại vừa tiếp tục có công văn gửi Bộ Tài chính kiến nghị giảm thêm thuế suất nhập khẩu đối với một số mặt hàng. 
 

Theo đó, BSR tiếp tục kiến nghị Bộ Tài chính giảm thuế nhập khẩu đối với mặt hàng đang chiếm trên 50% tổng cơ cấu sản phẩm của nhà máy là dầu diesel và xăng Jet A1 phục vụ cho các hãng hàng không trong nước từ 20% xuống dưới 10% để “vừa đảm bảo nguồn thu ngân sách, vừa đảm bảo cho tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”.

BSR cho rằng, hiện mức thuế suất nhập khẩu của 2 sản phẩm trên đều đang cao hơn so với các sản phẩm nhập từ ASEAN (hiện đang ở mức 15%), trong đó mức chênh lệch với dầu diesel là 10 USD/thùng và xăng Jet A1 là 3,5 USD/thùng. Với mức thuế hiện tại, theo BSR, các mặt hàng trên sẽ gặp khó trong khâu tiêu thụ và ảnh hưởng tới việc vận hành của nhà máy, nguồn thu ngân sách từ lĩnh vực xăng dầu.

Trước đó, Công ty Bình Sơn cũng đã có văn bản gửi Bộ Tài chính kiến nghị điều chỉnh giảm thuế suất nhập khẩu một số mặt hàng để tránh nguy cơ nhà máy lọc dầu Dung Quất phải “đóng cửa” do không bán được hàng cho các đối tác với giá cao hơn giá nhập khẩu từ các nước ASEAN. Phía Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng cho hay, việc phải bù lỗ cho BSR trong bối cảnh giá dầu thấp hơn so với trước đây cũng là áp lực tài chính lớn cho Tập đoàn này.

Tiếp đó, ngày 13/4, Bộ Tài chính đã có thông tư giảm thuế nhập khẩu xăng dầu. Theo đó, thuế suất nhập khẩu xăng, dầu hoả giảm từ 35% xuống 20%; dầu diesel từ 30% xuống 20%, dầu mazut giảm từ 35% xuống còn 25% và nhiên liệu bay từ 25% xuống 10%. 

Trả lời câu hỏi tại sao Bộ Tài chính chỉ giảm mạnh thuế suất nhập khẩu xăng xuống 20%, còn thuế suất với mặt hàng dầu vẫn giữ nguyên chưa giảm xuống mức 5% theo như lộ trình đã cam kết, lãnh đạo Bộ Tài chính cho hay, việc điều chỉnh thuế như hiện tại đã giúp giảm mức chênh lệch giữa thuế suất nhập khẩu ưu đãi (MFN) và thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo cam kết Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA). 

"Kiến nghị của Công ty Bình Sơn về cơ bản đã được giải quyết, Bộ Tài chính cũng đã tính các phương án tác động tới nhà sản xuất trong nước và rủi ro cho nền kinh tế. Những điều chỉnh vừa qua cũng giúp giải quyết cơ bản những lo ngại của nhà máy lọc dầu trong nước trước sức ép thực hiện cam kết cắt giảm thuế quan trong ASEAN, kích thích tiêu thụ xăng dầu nội địa”, vị này cho biết.

Theo lộ trình, kể từ ngày 1/1/2015, mức thuế cụ thể với xăng dầu nhập khẩu từ các nước thành viên ASEAN gồm khí hóa lỏng LPG và sản phẩm hóa dầu có mức thấp hơn so với các mức thuế suất trong biểu thuế ưu đãi hiện hành đang áp dụng cho xăng dầu, LPG và các sản phẩm hóa dầu nhập khẩu.

Cụ thể, theo Thông tư số 165 của Bộ Tài chính, sản phẩm xăng dầu (mã HS 2710) có thuế nhập khẩu 20% trong giai đoạn 2015-2018. Đối với nhiên liệu diesel cho ô tô (mã HS 27101971 và 27101972) có thuế nhập khẩu 5% cho năm 2015 và sau đó giảm về 0% từ năm 2016 đến 2018. Dầu nhiên liệu (mã HS 27101979) có thuế suất 0% từ năm 2015 đến 2018.

Trong khi đó, tính tới thời điểm hiện tại, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi áp dụng đối với BSR với nhiên liệu xăng 20%, Jet A1 (10%), dầu diesel (20%)… Nếu chỉ đối chiếu với mức thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu nhập từ các nước ASEAN, sản phẩm của BSR được cho là sẽ khó cạnh tranh so với nhiên liệu nhập khẩu.

 Phương Dung

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *