Doanh nghiệp 11/11/2020 10:23

Chính sách thuế GTGT mới cho phân bón: Lợi ích không dành cho tất cả

Bộ Tài chính gần đây đã trình Chính phủ bản dự thảo luật sửa đổi Luật thuế 71, trong đó phân bón được thay đổi từ không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) sang chịu thuế GTGT 5%.

Dự kiến bản dự thảo sẽ được thảo luận và thông qua trong kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 14 đang diễn ra. Nếu được thông qua, chính sách mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.

Tại báo cáo phân tích vừa mới phát hành, các chuyên gia của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) kỳ vọng rằng, chính sách mới sẽ tạo ra một bước ngoặt lịch sử trong tiến trình phát triển của ngành phân bón, tăng cường sức cạnh tranh của các doanh nghiệp nội địa với phân bón nhập khẩu, từ đó tạo nên sự phát triển bền vững cho ngành.

Tuy nhiên, không phải tất cả các doanh nghiệp đều có thể hưởng lợi. Việc tận dụng chính sách mới phụ thuộc vào  sản phẩm và loại hình kinh doanh.

“Tự lấy đá ghè chân mình” với quy định cũ

Trước năm 2015, Luật thuế GTGT số 13/2008 quy định phân bón chịu thuế 5%. Vì muốn hỗ trợ nông dân và giảm giá bán phân bón, Chính phủ đã điều chỉnh phân bón thành mặt hàng không chịu thuế GTGT, áp dụng cho cả phân bón sản xuất trong nước và phân bón nhập khẩu.

Hệ quả là các công ty sản xuất phân bón không được khấu trừ và hoàn thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ đầu vào dùng cho sản xuất phân bón mà buộc phải đưa toàn bộ các chi phí này vào chi phí sản xuất, đẩy giá bán phân thành phẩm.

Nhiều nông dân đã phải chuyển qua dùng phân bón nhập khẩu giá thấp hơn nhằm giảm gánh nặng chi phí. Điều này vô hình trung làm giảm tính cạnh tranh của phân bón nội địa.

Theo chuyên gia VDSC, với chính sách thuế mới sắp được thông qua, giá bán phân bón nhập khẩu sẽ kém hấp dẫn hơn trước đây do phải gánh thêm thuế GTGT. Trong khi đó, doanh nghiệp sản xuất phân bón được phép khấu trừ toàn bộ thuế GTGT đầu vào của máy móc, nguyên, nhiên vật liệu, dịch vụ đầu vào dùng trong sản xuất phân bón. Giá vốn giảm sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giảm giá bán, tăng sức cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.

Không phải tất cả các doanh nghiệp đều hưởng lợi từ chính sách mới

Trên quy mô toàn ngành, phân bón nội địa sẽ gia tăng sức cạnh tranh với phân bón nhập khẩu. Tuy nhiên, tác động lên từng doanh nghiệp là không giống nhau do sự khác biệt về sản phẩm và loại hình kinh doanh.

Cụ thể, theo nhận định của VDSC thì các doanh nghiệp sản xuất phân ure (DPM, DCM, DHB và Đạm Ninh Bình) sẽ hưởng lợi nhiều nhất do đầu vào của các doanh nghiệp này là khí tự nhiên hoặc than đá chịu thuế 10%.

Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất phân lân đơn/DAP (VAF, NFC và DDV) là nhóm hưởng lợi thứ hai do đầu vào của các doanh nghiệp này chủ yếu sử dụng quặng apatit chịu thuế 5%, bên cạnh than đá chịu thuế 10%.

Các doanh nghiệp sản xuất phân NPK từ phân đơn (BFC và SFG) và các doanh nghiệp thương mại không hưởng lợi do đầu vào là phân thành phẩm không chịu thuế VAT tương tự như đầu ra. Khi chính sách mới có hiệu lực, thuế áp lên cả đầu vào và đầu ra cũng như nhau ở mức 5%.

LAS là một ngoại lệ với khả năng tự sản xuất phân lân làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất NPK. Chúng tôi cho rằng LAS sẽ hưởng lợi từ quy định mới tương tự nhóm doanh nghiệp phân lân.

Dựa trên dữ liệu về doanh thu nội địa và chi phí sản xuất năm 2019, trong cả hai kịch bản, nhóm phân tích nhận xét, DPM, DCM, DHB và VAF là các doanh nghiệp hưởng lợi rõ ràng nhất. VAF mặc dù là doanh nghiệp sản xuất phân lân nhưng có than chiếm gần 60% chi phí nguyên vật liệu (NFC: 35%) nên có mức thuế đầu vào trung bình 8% (NFC: 5%).  Các doanh nghiệp này có thể lựa chọn giữa nhiều chính sách giá bán mà không lo ngại lợi nhuận bị tác động mạnh.

Ngược lại, NFC, LAS lại cho thấy thiệt hại theo kịch bản thứ nhất, hàm ý rằng các công ty này có ít dư địa lợi nhuận để có thể cạnh tranh về giá bán với phân bón nhập khẩu và phân bón sản xuất trong nước của nhóm các doanh nghiệp lớn nêu trên.

Mai Chi

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *