Doanh nghiệp 09/02/2014 18:48

Cha đẻ Flappy Bird gỡ trò chơi gây sốt: Quyết định dũng cảm

2 giờ sáng nay, giờ Việt Nam, có một quyết định mà chỉ vài tiếng sau gây chấn động trên báo chí trong và ngoài nước cũng như trên các mạng xã hội: Nguyễn Hà Đông, người tạo ra trò chơi Flappy Bird làm điên đảo toàn cầu, quyết định gỡ chú chim nhỏ 22 giờ sau đó.

Báo Tây báo ta lao vào đăng tải sự kiện này, có báo nói rằng chàng trai 29 tuổi lo ngại khả năng xảy ra kiện tụng "đạo game" hay xâm phạm bản quyền, sợ bị phát giác có dùng thủ thuật để kích lượng tải. 
 
Những tờ báo nổi tiếng như USA Today, Forbes, Huffington Post, CNET News, Independent, Guardian hay các trang công nghệ nổi tiếng như TechCrunch đều đưa thông tin về tuyên bố của Nguyễn Hà Đông. Có báo đặt vấn đề phải chăng Đông không chịu nổi sức ép của việc nổi tiếng quá nhanh.
 
Không ít người dùng trên mạng xã hội cũng chế giễu việc một quan chức nào đó của Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan thuế "phải bắt tay ngay vào rà soát để đảm bảo không thất thu thuế cũng như sự công bằng với những người đang nộp thuế khác." Tóm lại, nhiều người quy vào một chữ "sợ."
 
Trở lại cơn chấn động đầu tiên vào ngày 3 Tết, tức là cách đây đúng 1 tuần, khi ngành IT của Việt Nam chưa có một sản phẩm nào được nhắc đến nhiều như thế, đã có bao kỳ vọng đầu năm mới vào một lĩnh vực trò chơi điện tử cho điện thoại di động.
 
Trả lời phỏng vấn của Vietnam+, nhiều chuyên gia IT đều cho rằng việc thành công về lượt tải hay mức doanh thu của Flappy Bird là niềm tự hào của ngành ứng dụng Việt Nam. Họ nói đây cũng sẽ là liều thuốc kích thích để các doanh nghiệp nội dung Việt Nam đầu tư hơn nữa trong việc phát triển các ứng dụng, chinh phục người dùng thế giới.
 
Tôi thích cách so sánh sự nổi tiếng của Flappy Bird với sự kiện giành giải Fields của Giáo sư Ngô Bảo Châu của Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc công ty ePi Technologies, nói trên ICTNews. Một tờ báo khác chất vấn rằng chuyện so sánh một công trình kết tinh trí tuệ đỉnh cao của con người với một “tiểu phẩm” công nghệ gây ngạc nhiên hứng thú cho người chơi game là khoảng cách một trời một vực. Song thực tế, theo tôi, sự cao siêu của GS Ngô Bảo Châu thì không mấy người học theo được, còn chú chim đập cánh sẽ là niềm hứng khởi cho một thế hệ các lập trình viên game trẻ. 
 
Tiếc thay, nhiều tờ báo và trang điện tử coi Nguyễn Hà Đông như một miếng mồi ngon. Nhiều tờ báo nước ngoài phân tích có chừng mực nhưng không ít bài viết khá hằn học, moi móc. Nhiều báo trong nước thì vội vàng đăng tải lại ý kiến của cây viết nọ, nhà bình luận kia tận nơi xa xôi về khả năng bị kiện hàng tỷ USD hay hoài nghi "đạo game" nào đó. 
 
Và khi thông tin về khoản doanh thu quảng cáo 50.000 USD/ngày từ Flappy Bird lộ ra thì niềm tự hào về một sản phẩm của Việt Nam khuynh đảo thế giới dường như đã bị chuyển hóa thành sự ghen tị, đố kỵ. Nguyễn Hà Đông thậm chí còn trở thành đối tượng bị săn đuổi của một số tờ báo: họ túc trực quanh nhà, tra vấn phụ huynh, hỏi hàng xóm xem có biết bên cạnh nhà có người kiếm nhiều tiền như thế (nói một cách hơi quá thì chẳng khác nào chỉ đường cho trộm đến nhà). 

Những dòng thông báo của Nguyễn Hà Đông trên Twitter

Đương nhiên, những ai hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo đều có thể tìm hiểu mọi quy định xem tới mức nào sẽ bị gọi là xâm phạm bản quyền. Bản thân Nguyễn Hà Đông khẳng định rằng việc gỡ bỏ trò chơi không liên quan gì đến các vấn đề pháp lý. Bản thân Nintendo cho đến giờ chưa hề có phát biểu nào.

Trong một nền công nghệ sáng tạo, việc sao chép - nói cách khác là trộm cắp ý tưởng - và việc lấy cảm hứng và học hỏi theo một ý tưởng hay một sản phẩm nào đó là một khoảng cách mong manh. Và nếu chưa hiểu rõ, chưa nắm được đầy đủ thông tin thì đừng vội chụp mũ.

"Nếu Mr. Honda không 'xẻ thịt' cái xe máy Babetta mua ở Tiệp và cho vào vali mang về Nhật nghiên cứu, làm sao nước Nhật biết làm xe máy? Nếu Samsung không 'xẻ thịt' các sản phẩm của Apple, làm sao họ biết làm Galaxy? Nếu Trung Quốc không ăn cắp công nghệ, làm sao có nền công nghiệp Trung Quốc bây giờ đưa được người lên mặt trăng và làm ra được vô vàn sản phẩm công nghiệp khác?," Tiến sĩ Lương Hoài Nam viết như vậy trên trang Facebook của ông. "Mình thấy nhiều người quá vô duyên và thiếu tính xây dựng trong chuyện này. Có hay không có vi phạm bản quyền là việc của những người đòi bản quyền và toà án, không phải việc của dân ta, những người đồng hương của bạn Đông."
 
Điều đáng buồn là tại sao các cơ quan chức năng và trang trang tin ở Việt Nam không thể bình tĩnh đánh giá sản phẩm này, con người này. Thực sự, khi đọc thông tin về doanh thu quảng cáo của Flappy Bird trên một trang công nghệ nước ngoài, sau đó được nhân bản trên báo Việt Nam, tôi nghĩ là Nguyễn Hà Đông còn trẻ nên không biết né tránh truyền thông và hành xử chưa thận trọng. Nhưng khi biết tác giả của trò chơi đứng ở vị trí số 1 (chưa kể 2 trò chơi khác cũng trong Top 10) quyết định gỡ bỏ nó, tôi lại nghĩ Đông thực sự là người chín chắn. Và một người như thế không thể không hiểu rõ vấn đề bản quyền.
 
“Tôi có thể gọi Flappy Bird là một thành công của bản thân. Nhưng nó cũng phá hủy cuộc sống giản đơn của tôi. Vậy nên giờ tôi ghét nó.” Nguyễn Hà Đông đã viết như vậy trên Twitter từ mấy ngày trước.
 
Nhưng không ai có thể tưởng tượng chàng trai lại ghét tới mức quyết định gỡ bỏ trò chơi. Người ta chỉ nghĩ là Hà Đông đang sợ.
 

Tôi thì không nghĩ vậy. Tôi nghĩ Nguyễn Hà Đông có thái độ "không cần gì nữa." Thêm người download trò chơi cũng không cần, nổi tiếng nữa cũng không cần, tiền bạc cũng không cần. Một người trẻ đang ở đỉnh cao mà dám có một quyết định như vậy thì thật là đáng nể phục. Câu chuyện này có thể sẽ một ngày được viết thành kịch bản phim.

Một số người hoài nghi rằng chàng trai trẻ đang "làm trò PR." Nhiều người khác khuyên nhủ cậu không nên manh động. Có người nói Nguyễn Hà Đông đã quyết định đúng.
 
Tôi cho rằng cha đẻ của Flappy Bird đã quyết định quá đúng. Bởi vì chú chim nhỏ này sẽ còn đập cánh và sẽ còn bay cao hơn nữa trên bầu trời./.

Theo Bảo Quyền

Vietnamplus

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *