Doanh nghiệp 23/06/2021 14:33

Câu lạc bộ vốn hóa 2.000 tỷ USD có thêm Microsoft

Microsoft Corp. vừa ghi tên mình vào lịch sử với tư cách là công ty niêm yết thứ hai của Mỹ đạt vốn hóa thị trường 2.000 tỷ USD.

Đó là nhờ giới đầu tư đặt cược hãng sẽ tiếp tục thống trị mảng điện toán đám mây và mảng phầm mềm dành cho doanh nghiệp sẽ tăng trưởng mạnh hơn hậu Covid-19.

Câu lạc bộ vốn hóa 2.000 tỷ USD có thêm Microsoft - 1

Microsoft gia nhập câu lạc bộ 2.000 tỷ USD cùng với Apple (Ảnh: Bloomberg).

Giá cổ phiếu Microsoft tăng 1,2% trong phiên giao dịch 22/6 tại New York, đủ lớn để đưa "đứa con" của tỷ phú Bill Gates gia nhập câu lạc bộ của những công ty có vốn hóa đạt 2.000 tỷ USD cùng với Apple và Saudi Aramco. Tuy nhiên, chốt phiên, giá cổ phiếu của hãng giảm nhẹ và chốt ở 265,51 USD/cổ phiếu. 

Trước Microsoft, Saudi Aramco cũng từng vượt qua mốc này trong một thời gian ngắn hồi tháng 12/2019. Hiện tại, vốn hóa thị trường của tập đoàn dầu mỏ này đạt khoảng 1.900 tỷ USD.

Giá cổ phiếu của Microsoft tăng 19% kể từ đầu năm 2021 đến nay, tăng mạnh hơn Apple và Amazon. Giới đầu tư đổ tiền mạnh vào cổ phiếu của hãng công nghệ này với kỳ vọng Microsoft sẽ tăng trưởng mạnh về doanh thu và lợi nhuận trong dài hạn, cũng như mở rộng được các mảng như máy học và điện toán đám mây.

Theo Hilary Frisch - chuyên gia phân tích cấp cao tại Clearbridge Investments - Microsoft đã thâm nhập rất nhiều mảng và họ đang làm rất tốt, từ trò chơi điện tử, điện toán đám mây, đến tự động hóa, phân tích số liệu và trí thông minh nhân tạo. "Đây vẫn là một cái tên hấp dẫn trong giới công nghệ và sẽ hưởng lợi ngay cả khi kinh tế thế giới tái mở cửa và trào lưu sử dụng điện toán đám mây phát triển mạnh hơn", bà nói.

Sau khi nắm quyền điều hành vào năm 2014, CEO Satya Nadella đã định hình lại Microsoft để trở thành công ty bán phần mềm điện toán đám mây lớn nhất thế giới, xét về cả hạ tầng và bộ ứng dụng đám mây Office. Microsoft cũng là một trong những công ty công nghệ lớn nhất nước Mỹ cho đến nay tránh được sự giám sát của các cơ quan quản lý chống độc quyền, giúp họ tự do hơn trong việc mua lại và mở rộng sản phẩm.

Để có được thành quả này, ông Nadella đã định hướng Microsoft để hưởng lợi từ những xu hướng kinh doanh mới nổi trong thời kỳ đại dịch Covid-19 bùng phát. Lệnh phong tỏa và xu hướng làm việc tại nhà là động lực lớn giúp phần mềm họp trực tuyến cũng như dịch vụ điện toán đám mây của Microsoft được ưa chuộng hơn. Lượng người đăng ký trò chơi Xbox của hãng cũng tăng vọt khi người dân ở nhà nhiều hơn. Khi nhân viên bắt đầu quay trở lại văn phòng làm việc, Microsoft lại bắt đầu phát triển những ý tưởng mới.

Ông Logan Purk - chuyên gia phân tích tại Edward Jones - cho rằng Microsoft có đủ mọi thuận lợi: hoạt động trong lĩnh vực mà giới đầu tư ưa thích, tăng trưởng mạnh và bền vững và có vị thế tốt để tận dụng các xu hướng dài hạn trong công nghệ.

Theo số liệu Bloomberg thu thập được, hơn 90% giới phân tích khuyến nghị mua cổ phiếu của Microsoft và không có ai khuyến nghị bán với cổ phiếu này. Giá mục tiêu trung bình với cổ phiếu của hãng là tăng khoảng 11% so với hiện tại.

Microsoft phải mất 33 năm để Microsoft từ IPO đạt đến được mốc vốn hóa 1.000 tỷ USD vào năm 2019 và chỉ mất thêm khoảng 2 năm để có thêm 1.000 tỷ USD tiếp theo.

Apple cũng làm nên lịch sử của Phố Wall khi đạt mốc vốn hóa 2.000 tỷ USD vào năm ngoái. Hai cái tên này bị theo đuổi sát sao bởi Amazon với vốn hóa thị trường hiện gần 1.800 tỷ USD và Alphabet với khoảng 1.600 tỷ USD.

Kim Dung
Theo Bloomberg

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *