Doanh nghiệp 06/03/2020 16:44

“Các ngành khác thay đổi giá liên tục, sao ngành điện lại không?”

Chuyên gia cho rằng nên nghiên cứu lại, theo đó điều chỉnh 6 tháng/lần đối với giá điện. “Giá các ngành khác thay đổi liên tục, vì sao ngành điện thì không?”, chuyên gia đặt vấn đề.

“Các ngành khác thay đổi giá liên tục, sao ngành điện lại không?” - 1

Các chuyên gia tham dự tọa đàm “Xây dựng biểu giá bán lẻ điện: Phù hợp với lộ trình phát triển thị trường điện Việt Nam” chiều 6/3.

Tại cuộc tọa đàm “Xây dựng biểu giá bán lẻ điện: Phù hợp với lộ trình phát triển thị trường điện Việt Nam” diễn ra chiều nay (6/3), các chuyên gia bàn luận về việc có nên điều chỉnh giá điện thường xuyên hơn so với cách điều hành hiện nay.

Nhiều ý kiến cho rằng nên điều chỉnh giá điện theo mùa hoặc 2-4 lần/năm, có thể lên hoặc giảm tuỳ vào chi phí đầu vào.

Điều chỉnh như vậy giá sẽ lên, giảm từ từ, chứ không gây sốc cho người tiêu dùng vì bị “nén” quá lâu như vừa qua.

Góp ý về vấn đề này, GS.VS.TSKH Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho rằng cách điều chỉnh giá điện hiện nay gây khó cho ngành điện.

“Chúng ta xây dựng kinh tế thị trường. Bản chất đầu vào đầu ra phải tương ứng. Khi đầu vào thay đổi thì đầu ra thay đổi theo”, ông Long nói. Theo ông Long, hiện nay 2-3 năm giá điện mới thay đổi một lần là “kìm” lại một cách không tự nhiên.

Trong khi đó, theo ông Long, giá năng lượng biến động rất nhiều. Khi điều chỉnh dễ bị “nhảy” sốc. Nếu đầu ra trì trệ, chậm chạp so với đầu vào thì mất “tính linh hoạt”.

Theo đó, vị chuyên gia này cho rằng nên nghiên cứu lại, theo đó điều chỉnh 6 tháng/lần. “Giá các ngành khác thay đổi liên tục, vì sao ngành điện thì không?”, chuyên gia đặt vấn đề.

TS. Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá lại có quan điểm khác về việc điều chỉnh giá điện thường xuyên hơn.

Ông Thoả cho biết, nếu xét theo nguyên tắc về giá, khi đầu vào biến động thì đầu ra cần điều chỉnh kịp thời. Tuy nhiên, điện là đầu vào cả nền kinh tế, nếu cứ biến động liên tục thì doanh nghiệp không chủ động được, dễ dẫn đến rủi ro.

“Lúc đầu chúng ta định điều chỉnh 3 tháng/1 lần, kêu dày quá nên điều lại 2 lần/năm. Nhưng chúng ta đặt ổn định vĩ mô lên hàng đầu thì mục tiêu điều chỉnh 2 lần/năm thì e rằng khó. Sẽ dễ bị sốc nếu điều chỉnh liên tục”, ông Thoả nói.

Ông Thoả cũng cho biết, người ta vẫn nói điện là độc quyền, nhưng thực tế chúng ta đang xây dựng thị trường điện cạnh tranh. “Nhưng dù vậy vẫn phải có lộ trình, tiến tới người mua điện được chọn người bán điện, được thoả thuận về giá”, ông Thoả nói thêm.

Ông Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam nói thêm, việc dự đoán nhu cầu dùng điện để đáp ứng nhu cầu đó là một khó khăn lớn. Do vậy, việc điều hành cần hết sức linh hoạt, chủ động.

Bên cạnh đó, theo ông Long, giá điện còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có vấn đề tỷ giá hối đoái chẳng hạn. Con số EVN rất lớn, mỗi lần tỷ giá hối đoái thay đổi thì nợ EVN thay đổi theo, đó là điều hết sức chú ý.

Nguyễn Mạnh

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *