Doanh nghiệp 24/01/2014 12:59

Các Bộ đồng ý đề xuất cho phép nhập 30.000 tấn đường thô của Hoàng Anh Gia Lai

FICA - Tuy nhiên, các Bộ cũng lưu ý cần có cơ chế giám sát chặt chẽ để đảm bảo lượng đường nhập khẩu, gia công sau đó bán, trao đổi qua biên giới toàn bộ, không để thẩm lậu vào thị trường nội địa.

  

Bộ Công thương vừa cố công văn số 355/BCT-XNK trình lên Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Phân ban hợp tác Việt Nam – Lào về việc nhập khẩu đường của Công ty Hoàng Anh Gia Lai sản xuất tại Lào.

Theo đó, công văn dẫn quy định tại Thông tư 04/2013/TT-BCT ngày 8/12/2013 quy định về nguyên tắc điều hành hạn ngạch thuế quan nhập khẩu năm 2013 đối với mặt hàng đường, muối, trứng gia cầm thì đối tượng được phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường là các thương nhân trực tiếp sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất và thương nhân sản xuất đường thô để tinh luyện, không phân giao cho các doanh nghiệp kinh doanh thương mại.

Do đó, Công ty TNHH Mía đường Hoàng Anh Attapeu không thuộc đối tượng được phân giao hạn ngạch thuế quan đường.

Cũng theo công văn này, trên cơ sở thống nhất từ đầu năm về điều hành hạn ngạch thuế quan năm 2013 giữa Liên Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính và theo đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội mía đường Việt Nam, ngày 20/9/2013, Bộ Công thương đã phân giao hết lượng hạn ngạch thuế quan đường năm 2013 cho 30 doanh nghiệp sử dụng đường để sản xuất với khối lượng 73.500 tấn.

Tuy nhiên, “để tạo điều kiện cho Công ty TNHH Mía đường Hoàng Anh Attapeu tiêu thụ đường sản xuất tại tỉnh Át-ta-pư, CHDCND Lào nhằm nâng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước, tăng cường mối quan hệ hợp tác hữu nghị Việt –Lào, đồng thời không ảnh hưởng đến nguồn cung đường trong nước, theo Bộ Công thương có thể xem xét đề nghị của CTCP Đường Biên Hòa về việc xin được bán, trao đổi qua cửa khẩu phụ Bản Vược, Bát Xát, Lào Cai, 30.000 tấn đường tinh luyện từ nguồn đường thô nhập khẩu từ Lào của Công ty TNHH Mía đường Hoàng Anh Attapeu theo hình thứ tinh luyên, gia công sau đó xuất khẩu” – Bộ Công thương đề xuất tại Công văn.

Bộ Công thương cũng cho biết, đã nhận được ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao về vấn đề này, riêng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa có ý kiến.

Nhìn chung, các Bộ đều đồng ý hoặc không phản đối việc CTCP Đường Biên Hòa nhập khẩu đường thô từ Lào của Công ty TNHH Mía đường Hoàng Anh Attapeu để chế biến, gia công, xuất khẩu qua cửa khẩu Bản Vược, Bát Xát, Lào Cai.

Tuy nhiên, các Bộ cũng lưu ý cần có cơ chế giám sát chặt chẽ để đảm bảo lượng đường nhập khẩu, gia công sau đó bán, trao đổi qua biên giới toàn bộ, không để thẩm lậu vào thị trường nội địa.

Quản lý thị trường và Hải quan sẽ vào cuộc giám sát

Công văn của Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có lưu ý, vụ sản xuất 2013-2014, dự kiến cả nước sản xuất được 1.600 tấn đường, cùng với lượng đường tốn cuối vụ trước, nguồn cung sẽ vượt so với cầu trên 500.000 tấn. Việc tiêu thụ của các nhà máy đường gặp nhiều khó khăn và giải quyết lượng đường dư thừa chủ yếu bằng con đường xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu vụ.

Mặt khác, Bộ này cũng chỉ ra rằng, việc ngăn chặn đường lậu và quản lý đường tạm nhập tái xuất còn nhiều bất cập, khiến các nhà sản xuất đường trong nước lo ngại.

Còn Bộ Ngoại giao thì đề nghị Bộ Công thương có cơ chế giám sát chặt chẽ để đảm bảo việc giải quyết hạn ngạch nhập khẩu nói trên phù hợp với các cam kết song phương và đa phương của Việt Nam, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh đối với thị trường sản xuất, chế biến đường trong nước.

Sau khi tổng hợp ý kiến các Bộ ngành, đưa ra kiến nghị cho phép CTCP Đường Biên Hòa được nhập khẩu 30.000 tấn đường thô của Hoàng Anh Gia Lai sản xuất tại Lào, Bộ Công thương cũng yêu cầu Đường Biên Hòa phải đảm bảo bán và trao đổi qua biên giới toàn bộ lượng đường này.

Bộ Công thương khẳng định sẽ xây dựng quy chế, quy trình giám sát và phối hợp với Bộ Tài chính, UBND tỉnh Lào Cai để chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường và Hải quan kiểm tra quá trình nhập khẩu, sản xuất, gia công và bán, trao đổi qua biên giới nhằm không để thẩm lậu đường vào thị trường nội địa, ảnh hưởng đến thị trường đường trong nước.

Trước thông tin này, trong phiên giao dịch sáng nay (24/1/2014), cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai và BHS của Đường Biên Hòa đều tăng điểm tích cực. Trong khi tại BHS có xuất hiện dư bán giá trần thì HAG được giới đầu tư mua vào rất mạnh, khối lượng cổ phiếu khớp lệnh lên tới 2,4 triệu cổ phiếu và khối ngoại gom vào 300 nghìn đơn vị.

 Bích Diệp

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *