Doanh nghiệp 28/06/2021 17:01

Bất ngờ về “sức khỏe” của đơn vị vận tải biển lâu đời nhất Việt Nam

Ngày 28/6, tại TP Hải Phòng diễn ra Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 của Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam (VOSCO) - doanh nghiệp vận tải biển lâu đời nhất Việt Nam, 5 thành viên HĐQT đã được thay thế.

Đại hội cổ đông của VOSCO đánh dấu những bước chuyển, những thay đổi mạnh mẽ trong kế hoạch kinh doanh giai đoạn 2021-2025. Trong 10 năm qua, ngành vận tải biển Việt Nam và thế giới đã phải đối mặt với một chu kỳ suy thoái ngành sâu và dài nhất trong lịch sử.

Chỉ số tàu hàng khô khu vực Bantic (BDI) là chỉ số thể hiện mức giá cước thuê tàu đã tụt xuống mức thấp nhất lịch sử (290 điểm). Các công ty vận tải biển trong đó có VOSCO đã phải vật lộn để tồn tại và duy trì hoạt động của đội tàu, chờ đợi cơ hội phục hồi của thị trường vận tải biển.

Từ cuối năm 2020 tới đầu năm nay, dù vẫn chịu tác động rất lớn của đại dịch Covid 19 nhưng thị trường vận tải biển đã có dấu hiệu phục hồi (chỉ số BDI đã đạt cột mốc trên 3.000 điểm) và được dự báo sẽ tiếp tục xu hướng tăng trưởng này đến hết năm 2021 và năm 2022.

Hoạt động vận tải biển của VOSCO có những tín hiệu tích cực 

Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2020 và kế hoạch kinh doanh năm 2021 của VOSCO cho thấy, sản lượng vận tải năm 2020 đạt 6,67 triệu tấn (124,3% kế hoạch), doanh thu đạt 1.362 tỷ đồng (106,24 % kế hoạch), lợi nhuận (lỗ) 187 tỷ đồng.

Năm 2021, VOSCO đặt ra mục tiêu, sản lượng vận tải đạt 5 triệu tấn, doanh thu đạt 1.227 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 30 tỷ đồng. Đây là mục tiêu có phần khiêm tốn và thận trọng trong bối cảnh thị trường vận tải biển có nhiều diễn biến tích cực, đồng thời VOSCO và Tổng Công ty Hàng khải Việt Nam (VIMC) đã có nhiều biện pháp và chiến lược phát triển đối với doanh nghiệp.

VIMC đã có chiến lược thanh lý các tàu biển có tuổi tàu cao, khó đáp ứng các điều kiện về môi trường và đầu tư bổ sung các tàu thế hệ mới, tiết kiệm nhiên liệu, đáp ứng điều kiện để hoạt động tại tất cả các vùng biển toàn cầu.

Cụ thể, trong giai đoạn đến 2025, VOSCO sẽ bán thanh lý 3 tàu và đầu tư 4 tàu (cỡ Supramax với tổng trọng tải khoảng 200.000 tấn) thế hệ ecoship với tổng trọng tải 186.000 tấn, để tận dụng thế mạnh của công ty và cơ hội rất tốt của thị trường trong thời gian tới.

Để đảm bảo nguồn lực cho hoạt động đầu tư và nâng cao năng lực tài chính, VOSCO triển khai các biện pháp mạnh mẽ tái cơ cấu tài chính với các ngân hàng và các tổ chức tín dụng với mục tiêu xử lý nợ dứt điểm với VDB và các ngân hàng thương mại. Năm 2020, VOSCO đã tái cơ cấu nợ với Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam với doanh thu tài chính ghi nhận tăng thêm 679 tỷ đồng.

Theo chiến lược phát triển của VIMC giai đoạn 2021-2025, VOSCO vẫn là doanh nghiệp hàng đầu trong các doanh nghiệp vận tải biển cùng hệ thống các doanh nghiệp cảng biển, dịch vụ hàng hải tạo nên chuỗi dịch vụ logistics trọn gó. Với phương án cổ phần hóa đã được Chính phủ phê duyệt, VIMC sẽ thoái vốn tại VOSCO và chỉ nắm giữ 49% vốn điều lệ (hiện đang giữ 51% vốn điều lệ).

VIMC sẽ tiếp tục chỉ đạo VOSCO triển khai việc tái cơ cấu tài chính thông qua việc mua bán nợ giữa Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) và các tổ chức tài chính với mục tiêu tái cơ cấu xong các khoản nợ trong năm 2021.

Tại Đại hội, các cổ đông cũng đã tiến hành bầu bổ sung, thay thế 5 thành viên HĐQT; sửa đổi, bổ sung Điều lệ doanh nghiệp theo các quy định tại Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14, sửa đổi quy chế quản trị nội bộ và các quy chế có liên quan.

Châu Như Quỳnh

  

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *