Doanh nghiệp 25/06/2014 19:12

Bản chất phạm tội của hệ thống Muaban24 bị tòa "bóc mẽ"

FICA - MB24 bán các gian hàng, bán theo hình thức đa cấp. Tự đặt ra số tiền, điều này là sai trái.

Chiều ngày 25/6, Tại toà án nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục được diễn ra phiên xét xử vụ án lừa đảo của hệ thống Muaban24 (MB24).

Phía Đại diện viện kiểm sát đã lần lượt đưa ra các câu hỏi cho các bị cáo Ngô Văn Huy, Nguyễn Mạnh Hà và Lê Văn Cường. Khi được hỏi về vai trò, nhiệm vụ của mình, bị cáo Nguyễn Mạnh Hà cho biết mình chỉ đảm nhận công việc dựng và thiết kế kỹ thuật. Về việc Cường và Huy nhận bao nhiêu tiền, Hà không biết chính xác nhưng cũng cho biết các thành viên đều nhận được tiền như nhau.

Việc “bơm” tiền ảo vào hệ thống Hà làm theo chỉ đạo của Nguyễn Tuấn Minh – Tổng giám đốc của MB24 (đang bỏ trốn). Những lúc không có mặt, Minh chỉ đạo Hà từ xa qua hệ thống internet. Về phần mình, bị cáo Lê Văn Cường cho biết, đảm nhận mảng truyền thông, liên kết với các doanh nghiệ để liên hệ hàng hoá đưa lên hệ thống. Cường cho biết được nhận khoảng 3 tỉ đồng do Nguyễn Tuấn Minh đưa tiền mặt.

HĐXX đã phân tích rõ cho 3 bị cáo về hành vi phạm tội
HĐXX đã phân tích rõ cho 3 bị cáo về hành vi phạm tội
 

Khi được đại diện viện kiểm sát hỏi, bị Cáo Ngô Văn Huy cho hay rằng, mình không phụ trách các nhân viên truyền thông của MB24, phần đào tạo là do Trần Quý Hồng phụ trách. Hồng làm việc với Huy và Minh. Nhiệm vụ của Hồng là huấn luyện kỹ năng giao tiếp nhưng nội dung dự án của muaban24 là do Minh lập ra.

Đại diện viện kiểm sát khẳng định việc thu được nhiều tiền là nhờ các gian hàng ảo. Sau khi thu số tiền 5,2 triệu sẽ được gian hàng ảo chứ không được tặng miễn phí. Website không được phép giao dịch điện tử nhưng vẫn nêu trong dự án khiến nhiều người hiểu lầm.

Sau khi nghe câu trả lời quanh co chối tội của các bị cáo, HĐXX chỉ rõ, việc tự tăng điểm ồ ạt, có thể tạo ra hàng triệu, hàng tỉ điểm trong hệ thống MB24 khiến nhiều người lao vào mua điểm gây thiệt hại lớn. Một số người còn rủ rê họ hàng, anh em vào mua các gian hàng gây hại cho xã hội.

Số điểm này không được bảo đảm bằng tiền mà chỉ là giá trị ảo. Đây chính là mấu chốt của vụ án. Các bị cáo tự cho mình “quyền” in ra tiền không dựa trên sức lao động. Đây là hành vi trái phép, là “gốc rễ” phạm tội của vụ án.

HĐXX cũng phân tích cho bị cáo Cường về hành vi phạm tội rằng, dịch vụ của MB24 không được phép thu tiền, HĐXX lấy ví dụ như hệ thống của Gmail, Facebook đưa ra cộng đồng được đón nhận và sử dụng rộng rãi nhưng không thu tiền. Còn MB24 bán các gian hàng, bán theo hình thức đa cấp. Tự đặt ra số tiền, điều này là sai trái.

Nếu đưa các gian hàng lên miễn phí cho mọi người là một điều tốt nhưng các bị cáo lợi dụng điều này để thu tiền, chiếm đoạt tài sản. Mặc dù không chiếm đoạt số tiền 5,2 triệu nhưng chiếm đoạt tiền bằng cách phân phát lợi nhuận số tiền 5,2 triệu để lôi kéo người khác. Vậy nên mới có số tiền 3 tỉ để các thành viên “đầu não” trong MB24 đút túi.
 
Năm 2012, sau hàng loạt bài điều tra của Dân trí, cơ quan chức năng đã thành lập chuyên án, triệt phá đường dây Muaban24, bắt hàng loạt lãnh đạo "đầu não" và đầu mối các tỉnh, thành của Muaban24. Chuyên án đã đánh dấu sự sụp đổ của một mô hình bịp bợm tinh vi sử dụng công nghệ cao, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng của hàng chục nghìn người chỉ trong một thời gian ngắn.
 
Lê Tú
Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *