Doanh nghiệp 01/03/2021 08:25

Ác mộng vì dịch: Doanh nghiệp rầu ruột, cả "núi" nông sản chưa biết đổ đâu

Một trong những đối tượng chịu tác động không nhỏ tại đợt dịch này là nông dân, doanh nghiệp nông sản… Những khó khăn, hệ lụy do dịch Covid-19 có thể khiến họ rơi vào cảnh lao đao, nợ nần.

Ác mộng vì dịch: Doanh nghiệp rầu ruột, cả núi nông sản chưa biết đổ đâu - 1

Một trong những đối tượng chịu tác động không nhỏ tại đợt dịch này là nông dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông sản… 

Doanh nghiệp khổ sở vì hệ lụy từ dịch

Đợt dịch Covid-19 mới bùng phát này cùng với những diễn biến vô cùng phức tạp khiến nhiều chuyên gia lo ngại mục tiêu tăng trưởng sẽ bị "đe dọa". Những hệ lụy đại dịch mang lại sẽ là rất lớn đối với nhiều người lao động, hộ kinh doanh, doanh nghiệp.

Một trong những đối tượng chịu tác động không nhỏ tại đợt dịch này là nông dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông sản… Sự tích lũy của họ không quá lớn, những khó khăn, hệ lụy do dịch Covid-19 có thể khiến cho rơi vào cảnh nợ nần.

Khi nói về khó khăn của người dân tâm dịch Hải Dương, ông Phạm Thanh Hải - Giám đốc Sở Công Thương Hải Dương cho biết: Có những nơi bà con mong bán được đồng nào thu được đồng đấy là may lắm rồi. Nhiều người không chỉ rơi vào cảnh "mất trắng" mà còn gánh thêm nợ nần vì đi vay, đi mượn để làm chứ tích lũy không có nhiều.

Chia sẻ với Dân trí, ông Tăng Xuân Trường, Giám đốc Công ty CP Nông sản Hưng Việt - một trong những doanh nghiệp có lượng hàng vô cùng lớn ùn ứ thời gian qua - cho biết, tính từ ngày 24/2 (thời điểm Hải Phòng cho phép các phương tiện vận tải hàng hóa từ Hải Dương đã được lưu thông trên quốc lộ 5) đến ngày 28/2, tổng số công ty này đã xuất khẩu được 20 container.

Tuy nhiên theo ông Trường, con số xuất khẩu đi này không "thấm" vào đâu bởi vẫn còn mấy trăm tấn nông sản "đắp đông" trong kho lạnh. Ông Trường "đau đầu", than vãn không biết tính sao với số hàng này.

Tại Nông sản Hưng Việt vừa qua, có tổng cộng trên 1.000 tấn nông sản, chủ yếu là cà rốt, bắp cải... chờ xuất khẩu qua các cảng ở Hải Phòng. "Bạn hàng không đồng ý chờ lâu vì hàng nông sản cần tươi mới, trong khi lịch tàu đặt sẵn rồi phải bỏ. Bây giờ còn một đống trong kho, bán thì không bán được, đổ đi thì chưa biết đổ đi đâu", ông Trường chia sẻ.

Trong khi đó theo ông Trường, vận chuyển vào trong TP.HCM thì chi phí vô cùng cao, khoảng 35 triệu đồng/xe. Trong khi giá bán thì vô cùng rẻ, 1 kg súp lơ bán được 5 nghìn đồng, trừ đi chi phí vận chuyển thì thu về được 2 nghìn đồng/kg.

Ác mộng vì dịch: Doanh nghiệp rầu ruột, cả núi nông sản chưa biết đổ đâu - 2

Hàng nông sản bảo quản trong kho lạnh ùn ứ, chất đống vì không tiêu thụ được.

"Lỗ quá là lỗ, không biết bao nhiêu tỷ đồng, nhưng mà chúng tôi vẫn phải xoay sở đủ cách, tiêu thụ trong nội địa giờ là vô cùng khó vì ngay đồ tươi còn rẻ, huống chi đồ đã bảo quản đông lạnh. Giờ chỉ mong thu được đồng nào thì thu, giải tỏa kho còn chứa hàng mới. Kho lạnh bảo quản, tháng cũng vài trăm triệu tiền điện. Công nhân quản lý thì đa số ở xa, nghỉ Tết xong không đến làm được. Đúng là khó chồng khó", vị giám đốc doanh nghiệp bùi ngùi chia sẻ.

Cầu sẽ là bài toán lớn trong năm 2021

Khó khăn như trường hợp của doanh nghiệp nông sản nói trên không phải hiếm trong đợt dịch mới bùng phát này. Ở nhiều ngành nghề kinh doanh khác, nhiều chủ hộ kinh doanh, doanh nghiệp cũng phải "oằn mình" vì dịch.

Nói với Dân trí, chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Vietnam cho biết, với những diễn biến gần đây của dịch bệnh, có thể thấy mục tiêu tăng trưởng 6,5% của Việt Nam năm nay không phải là dễ dàng.

Đặc biệt, sự bùng phát dịch bệnh lần này rơi vào đúng thời điểm Tết Nguyên đán, thời điểm mà thông thường sức mua của thị trường trong nước tăng vọt. Sau Tết Nguyên đán, sự bùng phát dịch bệnh tiếp tục ảnh hưởng rất lớn tới nhu cầu của thị trường trong nước, về hàng hóa tiêu dùng, dịch vụ, giao thông vận tải, du lịch…

Theo ông Bình, một trong những thách thức lớn năm 2021 chúng ta cần lưu ý, đó là vấn đề sức mua. Mặc dù năm ngoái là một năm đầy khó khăn, nhưng nhu cầu nội địa vẫn được duy trì. Một chỉ dấu quan trọng là theo Tổng Cục thống kê, doanh thu bán lẻ hàng hóa cả nước năm 2020 ước đạt 3.996.900 tỷ đồng (tương đương 172,8 tỷ USD), tăng 6,8% so với năm 2019.

Quy mô thị trường tăng thêm 11 tỷ USD. Những chỉ dấu của những tháng đầu năm 2021 cho thấy nhu cầu nội địa có thể không còn duy trì được mức sôi động như những tháng cuối năm 2020.

"Duy trì được thu nhập khả dụng, sức mua của người tiêu dùng trong nước và qua đó duy trì được cầu nội địa sẽ là một thách thức chúng ta cần vượt qua trong năm 2021", ông Bình nhấn mạnh.

Ác mộng vì dịch: Doanh nghiệp rầu ruột, cả núi nông sản chưa biết đổ đâu - 3

Khó khăn trong khâu lưu thông khiến nông sản siêu rẻ, bắp cải thông thường được xuất khẩu với giá hơn 20 nghìn đồng/kg thì nay quay trở về tiêu thụ nội địa với giá vài trăm đồng...

TS.Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng cho biết, các dự báo tăng trưởng trước đây đều giả định rằng Covid-19 sẽ được kiểm soát vào khoảng giữa năm 2021 trên thế giới và ở Việt Nam cơ bản không có làn sóng Covid-19 mới.

Tuy nhiên, những giả định này cho đến nay có thể không phù hợp do Covid-19 vẫn đang tiếp tục hoành hành ở nhiều khu vực trên thế giới và Việt Nam cũng đang phải đối đầu với làn sóng mới này.

Khi chúng ta phải áp dụng các biện pháp phong tỏa sẽ ảnh hưởng mạnh đến khu vực sản xuất và đầu tư. Thêm vào đó, mức tiêu dùng sẽ không tăng được nhiều do thu nhập giảm từ các quý trước. Hai là có thể hành vi tiêu dùng cũng sẽ thay đổi theo hướng giảm tiêu dùng, tăng tiết kiệm để đề phòng rủi ro. Nếu Covid-19 tiếp tục kéo dài, hành vi này sẽ rõ ràng hơn.

Như vậy có thể thấy, với những diễn biến mới dịch Covid-19, 2021 sẽ là một năm tiếp tục khó khăn, nhiều thách thức với nền kinh tế. Nền kinh tế sẽ phải đương đầu với sức mua giảm, đồng thời các giải pháp cân bằng việc kiểm soát dịch và bài toán kinh tế được đặt ra rất cao.

Ác mộng vì dịch: Doanh nghiệp rầu ruột, cả núi nông sản chưa biết đổ đâu - 4

Nông sản ùn ứ và bài toán đầu ra vô cùng lớn.

Từ câu chuyện khó khăn của Hải Dương vừa qua, nhiều chuyên gia đã lên tiếng cho biết, việc kiểm soát dịch bệnh là điều kiện tiên quyết để có tăng trưởng, song nếu không tính toán kỹ lưỡng, các giải pháp chống dịch có thể ảnh hưởng nặng tới sản xuất kinh doanh, đặc biệt là việc "ngăn sông cấm chợ"...

Nguyễn Mạnh

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *