Doanh nghiệp 28/01/2015 14:58

“Bóc dỡ” chi tiết những vi phạm tại Tập đoàn EVN

Với những khuyết điểm, vi phạm “rõ như ban ngày” mà Thanh tra Chính phủ kết luận tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã cho thấy rõ những lỗ hổng lớn về công tác quản lý, điều hành tại Tập đoàn này.

 


Hàng loạt khuyết điểm, vi phạm của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) như cho vay vốn lòng vòng, đầu tư ngoài ngành sai quy định, trả lương lãnh đạo quá “khủng”… dần “lộ sáng”

Căn cứ điều 39 Luật thanh tra số 56/2010/QH12 ngày 15/11/2010 quy định công khai về kết luận Thanh tra; Trên cơ sở kết luận thanh tra số 2181//KL-TTCP ngày 02/10/2013 của Thanh tra Chính phủ và văn bản số 442/TB-VPCP ngày 09/12/2013 của văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp về xử lý sau thanh tra tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng Thanh tra Chính phủ kết luận như sau:

Tập đoàn Điện lực Việt Nam là một tập đoàn kinh tế lớn do Nhà nước làm chủ sở hữu, ngoài chức năng kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải đảm bảo nhu cầu về điện năng cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ góp phần phát triển tăng trưởng GDP, phục vụ đời sống sinh hoạt của trên 80 triệu người và đến thời điểm hiện nay 100% số huyện, 98,1% số xã, 96,8% số hộ dân nông thôn (kể cả vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người) có điện để thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội của Đảng và Chính phủ. Từ năm 2006 đến nay, mặc dù chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, giá vật tư, giá nhiên liệu tăng cao, nguồn vốn hạn hẹp và việc giải phóng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng EVN đã tích cực triển khai các dự án đầu tư với tổng giá trị đầu tư lớn; hoàn thành nhà máy thủy điện Yaly, Sông Hinh, Hàm Thuận – Đa Mi, Quảng Trị, Tuyên Quang, A Vương,Sơn La và nhà máy nhiệt điện Phả Lại 2, Phú Mỹ…hoàn thành đưa vào sử dụng nhiều công trình lưới điện 110 KV- 500 KV với tổng chiều dài trên 9.000km và tổng dung lượng lắp đặt máy biến áp là 30.000 MVA.

Bên cạnh các kết quả đã đạt được, thanh tra đã phát hiện một số khuyết điểm, vi phạm như sau:

Vi phạm tràn lan

Công ty mẹ EVN đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp với số tiền 121.790.229.190.506 đồng trong khi vốn điều lệ của công ty mẹ EVN chỉ có 76.742.000.000.000 đồng, vượt vốn điều lệ số tiền 45.048.229.190.506 đồng là chưa thực hiện đúng Thông tư số 117/2010/TT-BTC ngày 24/5/2010 và Quyết định số 1876/QĐ-BTC ngày 05/8/2010 của Bộ Tài chính; đầu tư vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán số tiền 1.997.356.371.000 đồng vượt tỉ lệ quy định tại Quyết định số 854/QĐ-TTg ngày 10/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 117/2010/TT-BTC ngày 05/8/2010 của Bộ Tài chính; việc đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp chưa mang lại hiệu quả kinh tế.

Năm 2011, hệ số giữa nợ phải trả và vốn điều lệ của công ty mẹ EVN là 2,741 lần, hệ số giữa nợ phải trả và vốn chủ sở hữu của công ty mẹ EVN là 3,246 lần, công ty mẹ EVN chưa cân đối được các nguồn vốn để trả nợ các khoản nợ quá hạn thanh toán, các chỉ số trên tương đối cao cũng gây khó khăn cho công ty mẹ EVN trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay trong những năm tiếp theo.

Tại thời điểm thanh tra, công ty mẹ EVN và các nhà máy thủy điện hạch toán phụ thuộc EVN chưa nộp về quỹ bảo vệ và phát triển rừng Trung ương và địa phương tiền phí dịch vụ môi trường rừng số tiền 533.183.784.440 đồng theo quy định tại Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1221/VPCP-KTN ngày 01/03/2012 và số 4894//VPCP-KTN ngày 20/7/2011 của Văn phòng Chính phủ. Tuy nhiên, đến thời điểm kết luận thanh tra, EVN đã nộp về quỹ bảo vệ và Phát triển rừng Trung ương số tiền trên.

Công ty mẹ EVN xây dựng các chỉ tiêu để xác định giá bán nội bộ cho EVN SPC thiếu một khoản doanh thu và chi phí có liên quan trực tiếp đến hoạt động phân phối điện; chưa hướng dẫn việc xác định giá thành cho hoạt động treo cáp thông tin để thống nhất việc quản lý giữa các Tổng công ty Điện lực; EVN cấp cho EVN NPC số tiền 3.157.000.000 đồng từ nguồn vốn khấu hao cơ bản để xây dựng trường Dân tộc nội trú cho huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu là không đúng với mục đích sử dụng nguồn vốn khấu hao cơ bản.

Chuyển nguồn vốn không đúng tại 11 dự án

Công ty mẹ EVN hướng dẫn hạch toán chuyển nguồn vốn không đúng tại 11 dự án đã hoàn thành và đang hoạt động, làm tăng cho chi phí sản xuất điện trong năm 2011 tại 11 dự án, số tiền 223.909.749.578 đồng.

Công ty mẹ EVN chưa xây dựng được quy định về việc trả lương, phụ cấp, tiền thưởng và chế độ khác cho người đại diện theo quy định tại điều 47, Nghị định số 199//2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 và điều 46, Nghị định số 09/2009/NĐ-CP ngày 05/02/2009 của Chính phủ; phê duyệt định biên lao động chưa chính xác, còn có sự chênh lệch lớn giữa lao động kế hoạch và lao động thực tế sử dụng nhưng chậm sửa đổi là chưa đúng với quy định tại Mục 1, phần IV, Thông tư số 06/2005/TT-BLĐTBXH ngày 05/01/2005 của Bộ Lao động thương binh và xã hội; phê duyệt kế hoạch tiền lương vào cuối năm thực hiện là chưa đúng với quy định tại Nghị định số 206, 207/NĐ-CP ngày 14/12//2004, Nghị định số 141/2007/NĐ-CP ngày 05/9/2007 của Chính phủ; phân chia lương giữa các khâu (phát điện, truyền tải và khối phân phối) còn có sự chênh lệch lớn tạo ra sự không công bằng giữa các khâu trong kinh doanh điện.

Mua xe ô tô vượt mức quy định

Công ty mẹ EVN mua 02 ô tô Toyota LandCruise vượt mức quy định tại Thông tư số 06//2011/TT-BTC của Bộ Tài chính, số tiền 3.014.120.000 đồng.

Từ năm 2005 đến tháng 7/2012, EVN triển khai 20/42 dự án chậm tiến độ dẫn đến việc thiếu hụt sản lượng điện và tăng chi phí đầu tư cho dự án.

Công ty mẹ EVN và Viettel chưa xử lý khoản công nợ liên quan đến việc bàn giao tài sản viễn thông gồm: 1.592.830.802.136 đồng là khoản tiền Viettel nhận nợ, thanh toán cho các đối tác của EVN Telecom, 5 Tổng công ty Điện lực; 5.568.803.143.146 đồng là khoản tiền phải thanh toán cho các ngân hàng, tổ chức tín dụng của EVN Telecom, 5 tổng công ty Điện lực và NPT; 2.703.787.273.654 đồng là số tiền phải trả cho EVN.

Công ty mẹ EVN chưa hướng dẫn EVN NPT và các tổng công ty Điện lực thanh toán dứt điểm việc bàn giao tài sản lưới điện 110 KV với số tiền là 1.091.000.000.000; chưa hướng dẫn EVN NPC thanh toán dứt điểm tổng số tiền 829.764.547.590 đồng với EVN Hà Nội và công ty TNHH MTV Hải Phòng việc bàn giao tài sản thuộc dự án ADB (tổng công ty Điện lực Hà Nội số tiền 534.284.463.774 đồng. Công ty TNHH MTV Hải Phòng số tiền 295.480.083.816 đồng).

Nhà máy thủy điện Sơn La, nhà máy thủy điện Đồng Nai 3, nhà máy thủy điện Ankhe Knack xác định thời điểm trích khấu hao tài sản chưa đúng quy định tại điều 2, Thông tư số 203/2009/TT-BTC ngày 20/10/2009 của Bộ Tài chính; trích khấu hao của các công trình đường giao thông nhà máy thủy điện Đồng Nai 3, nhà máy thủy điện Ankhe Knack không đúng với thời gian đăng kí với cơ quan thuế theo quy định tại khoản 4, điều 13, thông tư số 203/2009/TT-BTC ngày 20/10/2009 của Bộ Tài chính.

Theo Bảo Tường

Báo Xây dựng

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *