Chứng Khoán 19/01/2020 13:59

Yếu tố cốt lõi để chứng khoán Việt Nam được thăng hạng nằm ở đâu?

Thăng hạng thị trường là một trong những yếu tố tích cực đối với thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay thị trường chứng khoán Việt Nam đang vướng phải hạn chế về tiêu chí thanh toán và bù trừ. Cụ thể hơn, Việt Nam đang yêu cầu các nhà đầu tư phải có sẵn tiền hoặc cổ phiếu tại thời điểm đặt lệnh mặc dù chu kỳ thanh toán là T+2 vì quan ngại xảy ra giao dịch thất bại.

Báo cáo của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, trong quá trình đánh giá một số thị trường mới nổi trong khu vực, nhóm phân tích tại đây nhận thấy giao dịch thất bại vẫn xảy ra thường xuyên ở các thị trường mới nổi.

Tuy nhiên, nhìn chung các thị trường này đều xây dựng cơ chế để hạn chế giao dịch thất bại xảy ra, trong khi ở Việt Nam, chúng ta chưa có cơ chế rõ ràng cho vấn đề này.

Cụ thể:

- Thị trường Thái Lan, cơ quan chức năng xây dựng một loạt các biện pháp để kiểm soát rủi ro đối với giao dịch thất bại. Vay và mượn cổ phiếu là một trong những phương pháp phổ biến.

Công ty Thanh toán Thái Lan (Thailand Clearing House Co. Ltd) sẽ thay mặt các thành viên để  vay và mượn cổ phiếu. Trong trường hợp không có cổ phiếu sẵn có để cho vay, công ty này sẽ thực hiện giúp nhà đầu tư mua cổ phiếu từ một nhà đầu tư khác và công ty chứng khoán thành viên để xảy ra việc không có đủ cổ phiếu phải chịu trách nhiệm cho mức giá chênh lệch (quá trình này còn gọi là buy-ins).

Ngoài ra, thành viên muốn mượn cổ phiếu cần có tài sản đảm bảo bằng tiền mặt bằng 130% giá trị mượn. Số tiền này sẽ được hoàn lại khi người mượn cổ phiếu trả lại số cổ phiếu vay mượn. Trong khi đó, yêu cầu đối với người mua là có đủ tiền trước ngày thanh toán một ngày (T+1), theo Clearstream.

- Thị trường Hàn Quốc (thị trường mà Việt Nam đang học hỏi), ngoài các phương pháp tương tự của Thái Lan như vay và mượn cổ phiếu và buy-ins, phương pháp sell-out (trong trường hợp nhà đầu tư không có đủ tiền tại ngày thanh toán, công ty chứng khoán sẽ thực hiện bán cổ phiếu đã mua tại giá thấp nhất và nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm cho phần chênh lệch giữa số tiền thu được và tiền phải trả cho việc mua vào số cổ phiếu đó) cũng được đưa ra.

Ngoài ra, với việc Hàn Quốc chuẩn bị áp dụng hệ thống Thanh toán và bù trừ liên tục (Continous Net Settlement), giao dịch thất bại đối với việc không đủ cổ phiếu tại ngày thanh toán có thể được chuyển tiếp vào ngày tiếp theo.

- Thị trường mới nổi Đài Loan, mặc dù luật pháp không yêu cầu có sẵn tiền khi thực hiện giao dịch, một số CTCK vẫn có yêu cầu này đối với nhà đầu tư do:

1) việc chuyển đổi tiền tệ trên thị trường tiền tệ Đài Loan không quá dễ dàng. Do đó chỉ có các nhà đầu tư với độ tin cậy cao mới không bị yêu cầu có sẵn tiền khi đặt lệnh và

2) Trong trường hợp nhà đầu tư không có tiền để thực hiện tại ngày thanh toán, các CTCK phải thay thê vào vị trí của nhà đầu tư để thực hiện lệnh bằng không sẽ bị phạt. Kết quả là, tiêu chí thanh toán và bù trừ của Đài Loan bị đánh giá hạn chế bởi cả FTSE và MSCI.

- Thị trường Việt Nam, ngoài việc chúng ta chưa có cơ chế để xử lý khi xảy ra giao dịch thất bại, khả năng quản trị rủi ro của các CTCK cũng là điều tối quan trọng khi mà liệu nếu luật cho phép bỏ yêu cầu có sẵn tiền hoặc cổ phiếu mới được giao dịch thì rủi ro có thể sẽ đẩy về cho các CTCK.

Mặc khác, điểm tích cực mà VDSC nhận thấy là cơ chế sửa lỗi sau giao dịch như cho phép vay mượn cổ phiếu từ Trung tâm lưu ký khá giống với cơ chế cho vay và mượn cổ phiếu ở các thị trường mới nổi. Do đó, Luật đã có những yếu tố cơ bản để có thể cải thiện và tiến hành bỏ đi yêu cầu có sẵn tiền hoặc cổ phiếu tại thời diểm đặt lệnh.

Tuy nhiên theo như chia sẽ gần đây của Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tiêu chí này chỉ được xem xét nới lỏng khi thị trường phát triển lên một cấp độ cao hơn, các CTCK có năng lực quan trị rủi ro tốt hơn và ý thức của nhà đầu tư được nâng lên.

Do đó, VDSC cho rằng sớm muộn Việt Nam cũng sẽ nới quy định yêu cầu có sẵn tiền hoặc cổ phiếu khi giao dịch giống như các thị trường mới nổi khác và sẽ giúp cho thị trường Việt Nam được dễ dàng nâng hạng mới nổi hơn. Tuy nhiên, điều này sẽ khó xảy ra trong năm 2020.

Mai Chi

Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *