Chứng Khoán 11/01/2015 16:41

Việt Nam thuộc Top 40 TTCK có tốc độ tăng điểm cao nhất thế giới năm 2014

FICA - Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2014 chịu nhiều thăng trầm do căng thẳng leo thang khi Trung Quốc đưa dàn khoan trái phép vào thềm lục địa Việt Nam và giá dầu thế giới giảm mạnh.

Theo tổng hợp số liệu của Ngân hàng Nhà nước, trong năm 2014, các thị trường chứng khoán trên thế giới ghi nhận kết quả phát triển không đồng đều, do tăng trưởng kinh tế tại hầu hết các nền kinh tế chủ chốt (trừ kinh tế Mỹ) đều tăng thấp, đẩy giá dầu giảm sâu kèm theo đó là nguy cơ giảm phát tại một số nền kinh tế. Chỉ số MSCI toàn cầu chỉ tăng 5,5% so năm trước, thấp hơn mức tăng 20% của năm 2013.

Tuy nhiên, kinh tế Mỹ phục hồi mạnh đã đẩy lùi những vấn đề quốc tế và hỗ trợ thị trường chứng khoán lên đỉnh cao mới trong năm 2014.

Mặc dù giảm nhẹ trước thềm năm mới 2015, nhưng chỉ số Standard & Poor’s 500 vẫn đóng cửa phiên cuối năm với mức tăng 11,39% so với năm 2013 lên 2.058,9 điểm. Đây là 3 năm liên tiếp chỉ số chứng khoán này tăng trên 10% và đạt mức cao nhất trong 14 năm qua.

Những sàn giao dịch chứng khoán khác trên Phố Wall cũng ghi nhận mức tăng khá cao. Trong đó, chỉ số công nghiệp Dow Jones đóng cửa với mức tăng 7,52% lên 17.823,07 điểm, ghi nhận mức tăng liên tiếp trong 6 năm qua; chỉ số Nasdaq composite tăng 13,4 điểm lên 4.736,05 điểm.

Trái với thị trường chứng khoán Phố Wall, thị trường chứng khoán châu Âu nhìn chung đều tăng thấp, thậm chí giảm điểm, trong đó thị trường chứng khoán Nga suy giảm mạnh nhất, chỉ số Micex Moscow chứng kiến mức giảm 7,1% so với năm 2013 xuống 1.396,61 điểm vào cuối phiên giao dịch ngày 30/12/2014. Lợi suất cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Nga giảm tới 42,3% (tính theo USD), một kết quả thê thảm nhất trên thị trường chứng khoán toàn cầu. Sau CHLB Nga, một số thị trường chứng khoán khác tại châu Âu cũng góp mặt vào nhóm 10 thị trường chứng khoán có tổng lợi nhuận trên trái phiếu thấp nhất. Bao gồm, Bồ Đào Nha (-37,2%), Austria (-29%), Hungary (-26,9%)…

Trong khi tình hình châu Âu tương đối ảm đạm, một số nền kinh tế cũng hưởng lợi nhờ bất ổn chính trị tại Ukraina và Trung Đông. Trong số này có Trung Quốc, mặc dù GDP tại quốc gia này có xu hướng tăng chậm lại, đây là yếu tố hỗ trợ chứng khoán với chỉ số chứng khoán Thượng Hải composite tăng gần 53%, mức tăng cao nhất trong 5 năm qua và cũng là mức tăng cao nhất trên thị trường chứng khoán toàn cầu.

Thị trường chứng khoán Ấn Độ cũng tăng trên 31% và nằm trong top 10 thị trường chứng khoán có mức lợi nhuận trên cổ phiếu cao nhất trong năm 2014 (22,6%), trong đó thắng lợi của đảng cầm quyền Bharatiya Janata và ông Narendra Modi trong cuộc bầu cử tháng 5/2014 là động lực cơ bản.

Các nước Đông Nam Á cũng ghi nhận mức tăng điểm ấn tượng trên thị trường chứng khoán. Trong đó, chỉ số Jakarta composite của Indonesia tăng 22,3%, tuy thấp hơn mức tăng 22,76% trên thị trường chứng khoán Philippines nhưng tổng lợi nhuận cổ phiếu đạt 26,6% (chỉ thấp hơn tỉ lệ 31,1% của Ai cập trong top 10 của năm 2014). Lợi nhuận trên cổ phiếu của Philippines đạt 26,4%, của Thái Lan đạt 16,8%.

Tại Việt Nam, thị trường chứng khoán năm 2014 chịu nhiều thăng trầm do căng thẳng leo thang khi Trung Quốc đưa dàn khoan trái phép vào thềm lục địa Việt Nam và giá dầu thế giới giảm mạnh.

Trong phiên giao dịch sáng 08/5/2014, chỉ số Vn-index có lúc mất tới 34 điểm, chỉ số Hnx-Index giảm trên 5,9 điểm (6,6%). Trước đó, Vn-index đã phục hồi từ 504 điểm lên ngưỡng 600 vào đầu tháng 4/2014. Từ giữa tháng 7/2014, chỉ số Vn-index phục hồi dần và đạt 644 điểm vào ngày 03/9/2014. Từ cuối tháng 11/2014, giá dầu lao dốc lại gây tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán Việt Nam, các chỉ số Vn-index và Hnx-index đều lao dốc khá mạnh. Từ giữa tháng 12/2014, tâm lý của các nhà đầu tư phục hồi dần sau hàng loạt biện pháp trấn an thị trường, nhất là các quyết định giảm giá xăng dầu, thị trường đã lấy lại động lượng trong những phiên giao dịch cuối năm.

Kết thúc năm 2014, chỉ số Vn-index đóng cửa ở mức 545,63 điểm, tăng 8,1% so với năm 2013; chỉ số Hnx-index đóng cửa ở mức 82,98 điểm, tăng 22,3% so với năm 2013. So với các thị trường chứng khoán trên thế giới, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn thuộc vào top 40 thị trường chứng khoán có tốc độ tăng điểm cao nhất.

Bước sang năm 2015, các nhà đầu tư và chuyên gia kinh tế hy vọng, thị trường chứng khoán toàn cầu tiếp tục xu hướng phát triển như năm 2014, khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ vẫn tiếp tục duy trì lãi suất cơ bản ở mức thấp, Chính phủ Nhật Bản tiếp tục thực hiện chính sách Abenomic để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và chấm dứt thời kỳ giảm phát kéo dài, kinh tế CHLB Nga có khả năng phục hội trở lại do các bên liên quan sẽ có biện pháp giảm nhẹ căng thẳng hiện hành.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán toàn cầu khó tránh khỏi những thăng trầm, chủ yếu do căng thẳng địa chính trị chưa đến hồi kết và giá dầu thế giới tiếp tục xu hướng giảm, khu vực đồng tiền chung châu Âu tiếp tục gặp khó khăn trong việc đối phó với lạm phát quá thấp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Mai Chi

Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *