Chứng Khoán 01/01/2014 15:37

TTCK 2014: Kiên trì tái cấu trúc để hoạt động lành mạnh

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có một năm “vượt bão” khá thành công và là một trong 10 thị trường có tốc độ phục hồi mạnh nhất thế giới.

Tuy nhiên, năm qua cũng là năm đánh dấu các thành viên tham gia trên thị trường đã trải qua một quá trình tái cấu trúc âm thầm song không kém phần khốc liệt.

Trước thềm năm mới 2014, Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Việt Nam (SSC), ông Vũ Bằng về những bài học rút ra từ quá trình tái cấu trúc cũng như triển vọng thị trường trong năm nay và các giải pháp trọng tâm trong điều hành của SSC.

- Thưa ông, cả nước đang trong quá trình cải cách kinh tế và có thể nói thị trường chứng khoán đã đi được một bước cơ bản về công tác tái cấu trúc của mình. Vậy theo ông, đâu là cái khó của thị trường trong năm 2013?

Ông Vũ Bằng:Trong năm 2013, công tác tái cấu trúc thị trường chứng khoán đã được đẩy mạnh đồng bộ, bao gồm việc tái cấu trúc cơ sở hàng hóa trên thị trường, thị trường trái phiếu, cơ sở nhà đầu tư, tổ chức kinh doanh chứng khoán, công ty chứng khoán…

Quá trình thực hiện cũng gặp rất nhiều khó khăn và trở ngại. Vướng nhất là việc tái cấu trúc tài khoản khách hàng tại các công ty chứng khoán có quy mô lớn, bởi nó ảnh hưởng quyền lợi số lượng lớn các nhà đầu tư.

Đối với các công ty chứng khoán quy mô vừa, hoạt động xử lý công nợ giữa nhà đầu tư và công ty cũng là một áp lực. Do những tồn đọng nợ từ hoạt động đòn bảy trước đó chưa được xử lý, nên việc rút giấy phép các công ty này sẽ ảnh hưởng ngay tới thị trường.

Thêm vào đó, tình trạng của các công ty chứng khoán dính vào các khoản phải thu, phải trả với ngân hàng và các tổ chức kinh tế, phát sinh trong thời kỳ thị trường sôi động. Các công ty chứng khoán huy động vốn dễ dàng với lãi suất cao sau đó đi đầu tư dàn trải, vướng vào bất động sản cũng rất lớn. Các tranh chấp diễn ra khá nhiều và thậm chí đã phải giải quyết hình sự. Tuy nhiên, các công ty chứng khoán này không dễ dàng xóa bỏ ngay được...

Không chỉ có vậy, bản thân các công ty chứng khoán làm ăn thua lỗ, nội bộ cũng xảy ra những tranh chấp (giữa các nhà đầu tư trong nước với nhau, giữa các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài), giải quyết không khéo là lại gây ra kiện tụng ồn ào.

Các công ty chứng khoán nhỏ thì thực sự là khó khăn, có công ty không có cả tiền thanh toán bù trừ thì xử phạt tài chính đối với họ là rất khó.

- Để kiên trì thực hiện quá trình tái cấu trúc thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã thực hiện những giải pháp gì thưa ông? Liệu chúng ta có chấp nhận những mất mát, đau thương?


Ông Vũ Bằng: Thị trường chứng khoán trải qua giai đoạn hết sức khó khăn (2011 -2012). Do đó để thực hiện được công việc tái cấu trúc, Ủy ban đã phải kiên trì áp dụng nguyên tắc thị trường với việc thực thi pháp luật khách quan. Kết quả, các đối tượng phải tham gia tái cơ cấu đã chấp nhận thực tế và sự phản ứng đối với nhà quản lý là không lớn.

Xét rộng ra, tất cả các cuộc tái cấu trúc đều khó khăn, đều có sự mất mát. Song, khó đến mấy nếu tuân quy tắc thị trường và đảm bảo tính luật pháp thì vẫn xử lý được. Đã đến lúc, các các tổ chức kinh doanh yếu kém phải chấp nhận, trả giá cho những sai lầm của mình thay về cầu cứu chính sách, cầu cứu xã hội.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã kiên quyết xử lý các thành viên yếu kém. Hiện, SSC đã rút nghiệp vụ môi giới chứng khoán của 6 công ty chứng khoán, giải thể đối 3 công ty, chấm dứt hoạt động lưu ký 2... đồng thời giải thể 1 công ty và tạm ngừng hoạt động 2 công ty quản lý quỹ.

Trong năm 2013, lần đầu tiên thị trường chứng kiến làn sóng hủy niêm yết với số lượng lên tới 37 mã chứng khoán, do không bảo đảm điều kiện niêm yết, vi phạm chế độ công bố thông tin, thực hiện tái cấu trúc công ty... Rõ ràng, các doanh nghiệp đang thích ứng dần với tính chất đào thải của thị trường.

- Trong bối cảnh đó, theo ông đâu là những điểm sáng mà công tác tái cấu trúc thị trường đã làm được trong năm qua?

Ông Vũ Bằng: Cơ sở hàng hóa trên thị trường đã được nâng cao theo Nghị định 58. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã ban hành các văn bản pháp lý để nâng cao tính công khai, minh bạch của thị trường, tăng cường quản trị công ty và từng bước tiếp cận các chuẩn mực quốc tế.

Căn cứ Đề án Tái cấu trúc thị trường chứng khoán đã được phê duyệt và dựa trên cơ sở báo cáo tỷ lệ vốn khả dụng của các công ty chứng khoán, SSC đã phân loại các công ty chứng khoán và đưa ra các phương án xử lý phù hợp đối với từng nhóm công ty.

Hiện 70/105 công ty chứng khoán đã đi vào hoạt động ổn định, 41 công ty quản lý quỹ đang hoạt động thông suốt.

Trên cơ sở tái cấu trúc cơ sở nhà đầu tư, Ủy ban cũng đã ban hành khung pháp lý cho việc ra đời các loại hình quỹ mới như quỹ mở, quỹ đầu tư bất động sản, quỹ chứng chỉ quỹ đầu tư (ETF), công ty đầu tư chứng khoán…

Đối với cơ quan quản lý, Ủy ban triển khai xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008.

Theo đó, Ban chỉ đạo ISO đã lập danh mục các quy trình cần thiết và hoạch định các công việc cần triển khai nhằm tác động đến nhận thức của toàn thể cán bộ, công chức; từng bước làm thay đổi thói quen làm việc cũ đồng thời tiếp cận được với phương pháp quản lý tiên tiến, khoa học nhằm giải quyết công việc kịp thời, chính xác, hiệu quả.

-Trên cơ sợ nhận diện những việc còn tồn tại, xin ông cho biết trọng tâm điều hành thị trường chứng khoán năm 2014?

Ông Vũ Bằng:Trong năm 2014, Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước vẫn tập trung vào ba mục tiêu cơ bản. Tiếp tục lành mạnh hóa thị trường chứng khoán tạo ra sự phát triển ổn định và bền vững của thị trường. Thúc đẩy công tác tái cấu trúc thị trường chứng khoán mà năm 2013 đã triển khai tương đối quyết liệt. 

Bên cạnh đó, Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tiếp tục thúc đẩy quá trình tiếp cận thị trường quốc tế và đưa ra những chương trình dài hạn để cải thiện hoạt động của thị trường trong thời gian tiếp theo.

- Nhiều chuyên gia kinh tế đã nhận định, năm 2014 sẽ có những tín hiệu lạc quan nhưng được nhìn nhận vẫn là năm khó khăn. Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước có những kiến nghị gì để hỗ trợ thị trường?

Ông Vũ Bằng:Năm 2014 sẽ có nhiều thuận lợi hơn vì những giải pháp và chương trình của Chính phủ triển khai trong năm 2012 và 2013 đã bắt đầu phát huy tác dụng và những giải pháp này đang đi đúng hướng. Trên cơ sở những giải pháp kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước có thuận lợi hơn thì thị trường chứng khoán sẽ có những bước tăng trưởng hơn so với năm 2013 và mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng tín hiệu sẽ tốt hơn năm 2013.

Trong năm 2014, Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước sẽ vẫn xác định tập trung vào các giải pháp ngắn hạn và dài hạn đã để ra từ đầu năm 2013, đặc biệt là tập trung tái cấu trúc thị trường chứng khoán đã được triển khai rất tích cực trong năm 2013. Đẩy mạnh tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán thực hiện một bước trong việc tái cấu trúc thị trường chứng khoán. Những đề án về thị trường chứng khoán phái sinh, đề án hợp nhất hai sở sẽ được Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước trình ban hành và khuôn khổ pháp lý sẽ được ra đời tạo điều kiện cho những năm sau có thể triển khai tốt. 

Bên cạnh đó, Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước sẽ đẩy mạnh cải thiện sức cầu thị trường trên cơ sở sửa quyết định 55 về đầu tư nước ngoài nhằm thu hút được nhiều thêm nguồn vốn đầu tư gián tiếp góp phần thúc đẩy thị trường phát triển. Mặt khác nữa cũng được xem là công tác trọng tâm của UBCK trong năm 2014 là việc cải thiện hơn nữa hoạt động của các quỹ đầu tư. Trong đó, phối hợp với UBCK của các nước Châu Âu, Bắc Mỹ để xây dựng một chương trình xác định Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam là một tổ chức điều hành thị trường chứng khoán từ đó tạo điều kiện cho các dòng vốn quỹ đầu tư vào Việt Nam tốt hơn.

Ngoài ra, Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tăng cường công tác thanh tra giám sát, xử lý vi phạm cũng như cải thiện một bước căn bản hệ thống công nghệ đối với thị trường không những là đối với các sở giao dịch, trung tâm lưu ký mà còn với cả Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước. Triển khai các sản phẩm mới trên sở giao dịch và tái cấu trúc một bước thị trường trái phiếu.

- Ông đánh giá thế nào về vai trò của báo chí đối với thị trường chứng khoán trong thời gian qua?

Ông Vũ Bằng: Đối với thị trường chứng khoán từ ngày đầu tiên đến nay, Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng thông tin báo chí đóng vai trò hết sức quan trọng. Bản thân đội ngũ phóng viên cũng đã nhận thức được điều này vì đây là thị trường của thông tin. Vì vậy các thông tin được đưa ra là hết sức quan trọng. 

Trong những năm vừa qua, công tác phối hợp báo chí với Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước được nhìn nhận là tốt. Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước đánh giá cao công tác thông tin của các cơ quan báo chí truyền thông và nhìn nhận rằng nghiệp vụ, năng lực và sự hiểu biết về thị trường chứng khoán của các nhà báo hiện nay ngày càng được nâng cao rõ rệt. 

Quan điểm của báo chí trong giai đoạn vừa qua cũng đã góp phần cho sự phát triển chung của thị trường chứng khoán. Thực tế, trong những giai đoạn khó khăn của thị trường, nếu không có được sự nhìn nhận khách quan của báo chí thì sẽ nảy sinh những góc nhìn tối hơn về thị trường. Bên cạnh đó, những tác phẩm báo chí có tính động viên nhà đầu tư, khích lệ thị trường cũng giúp cho các bộ, ngành, hiểu hơn về những khó khăn của thị trường từ đó có sự quan tâm hơn và giúp đỡ cho thị trường. 

Trong thời gian tới Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước mong có sự phối hợp tốt hơn nữa giữa báo chí với Ủy Ban. Đơn cử một vấn đề là thực tế hiện nay trên thị trường thì việc tranh chấp là rất nhiều. Không chỉ trong lĩnh vực chứng khoán mà ngay cả ở lĩnh vực ngân hàng và khu vực doanh nghiệp. Khi kinh tế khó khăn, nợ đọng nhiều dẫn đến các vụ việc tranh chấp ngày càng nhiều hơn. Chúng tôi mong báo chí trong thời gian tới khi tiếp cận những vấn đề này cần có được góc nhìn và tiếng nói từ nhiều chiều để có thể có được tiếng nói khách quan nhất từ cả phía cơ quan quản lý và cả từ phía thị trường để làm sao để thông tin thực sự chính xác và minh bạch giúp thị trường phát triển lành mạnh và ổn định hơn trong thời gian tới.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Hạnh Minh

TTXVN

Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *