Chứng Khoán 14/01/2016 13:00

Thủ tướng “lệnh” Vinalines rút toàn bộ vốn khỏi 9 doanh nghiệp

Theo yêu cầu của Thủ tướng, Vinalines phải thoái toàn bộ vốn tại 9 doanh nghiệp là các công ty cổ phần cảng: Khuyến Lương, Đà Nẵng, Vinalines - Đình Vũ, Cam Ranh, Năm Căn, Nghệ Tĩnh, Cần Thơ và Công ty TNHH Vận tải công nghệ cao, Công ty cổ phần Đầu tư Cảng Cái Lân.

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về phương án điều chỉnh tỷ lệ cổ phần của Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) nắm giữ tại các cảng biển sau cổ phần hóa.

Việc giảm tỷ lệ sở hữu tại các cảng biển quan trọng trước mắt sẽ tạo nguồn tài chính hỗ trợ Vinalines thực hiện cơ cấu nợ, thu hút nhà đầu tư.
Việc giảm tỷ lệ sở hữu tại các cảng biển quan trọng trước mắt sẽ tạo nguồn tài chính hỗ trợ Vinalines thực hiện cơ cấu nợ, thu hút nhà đầu tư.

Theo đó, Thủ tướng đã yêu cầu Vinalines phải thoái toàn bộ vốn tại 9 doanh nghiệp là các công ty cổ phần cảng: Khuyến Lương, Đà Nẵng, Vinalines - Đình Vũ, Cam Ranh, Năm Căn, Nghệ Tĩnh, Cần Thơ và Công ty TNHH Vận tải công nghệ cao, Công ty cổ phần Đầu tư Cảng Cái Lân.

Tuy nhiên, tại Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng và Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn thì các doanh nghiệp thuộc Công ty mẹ - Tổng công ty Vinalines vẫn được nắm giữ đến 20% vốn điều lệ.

Trường hợp các cảng này thực hiện chuyển đổi công năng, Thủ tướng yêu cầu thực hiện theo đúng quy định pháp luật về đất đai và các quy định khác có liên quan và tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất lấy vốn tái cơ cấu Vinalines và nộp ngân sách để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội.

Phương án thoái vốn tại các doanh nghiệp nêu trên được yêu cầu phải dành cho những nhà đầu tư phù hợp, theo đúng quy định hiện hành, bảo đảm các doanh nghiệp hoạt động ổn định, phát triển, góp phần vào thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giữ vững ổn định quốc phòng, an ninh.

Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Quốc phòng, Công an và các cơ quan có liên quan kịp thời xử lý những vướng mắc trong quá trình thực hiện. Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Đồng thời, Thủ tướng cũng giao hạn trong quý I/2016, Vinalines phải trình ra được phương án sắp xếp phù hợp đối với Công ty TNHH Cảng quốc tế Cái Mép, Công ty Liên doanh dịch vụ container quốc tế Cảng Sài Gòn - SSA và Công ty TNHH Cảng quốc tế SP - PSA.

Trước đó, trong một báo cáo được Kiểm toán Nhà nước công bố về tình hình tài chính, kinh doanh của Vinalines năm 2014, cơ quan này đánh giá, việc giảm tỷ lệ sở hữu tại các cảng biển quan trọng trước mắt sẽ tạo nguồn tài chính hỗ trợ Vinalines thực hiện cơ cấu nợ, thu hút nhà đầu tư, tuy nhiên, mặt trái là nguồn thu từ thoái vốn không đủ giải quyết triệt để số nợ phải trả.

Cụ thể, dự kiến nguồn thu từ hoạt động trên là 4.128 tỷ đồng trong khi dư nợ tới 31/3/2015 của Vinalines là 8.739 tỷ đồng.

Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, phần lớn các doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển đang hết sức khó khăn, thua lỗ kéo dài, đã và đang có nguy cơ mất vốn, phải giải thể, phá sản nếu không có chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, các tổ chức tín dụng và sự nỗ lực của bản thân Tổng công ty.

Bích Diệp

Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *