Chứng Khoán 02/11/2013 09:52

SCIC được góp vốn, thành lập công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư

FICA - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ký ban hành nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).

Nghị định 151-2013/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/12/2013. Nghị định gồm 5 chương, 39 điều, đưa ra các quy định cụ thể các hoạt động của SCIC gồm quản lý và đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước, quy định về tài chính và nguyên tắc quản lý với hoạt động của Tổng công ty.

Theo nghị định, SCIC là doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, được Nhà nước đầu tư vốn điều lệ và giao quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố chuyển giao.

Hội đồng thành viên của Tổng công ty có 7 người. Thủ tướng phê duyệt Chủ tịch Hội đồng thành viên và Tổng giám đốc của SCIC.

Theo thông tin từ website chính thức của SCIC, Hội đồng thành viên của Tổng công ty hiện gồm 6 người do Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu là Chủ tịch Hội đồng thành viên.

Các thành viên còn lại là ông Lại Văn Đạo, nguyên thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Hữu Hào, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh, ông Hoàng Nguyên Học và ông Nguyễn Quốc Huy.

Ban Giám đốc của SCIC gồm ông Đạo - Tổng giám đốc và các Phó Tổng giám đốc là ông Học, ông Huy, ông Lê Song Lai và bà Nhữ Thị Hồng Liên.


Về quyền và trách nhiệm của SCIC, nghị định vẫn giữ nguyên một số quy định giống với 2 quyết định điều chỉnh hoạt động được ban hành trước đó là 151/2005-QĐ-TTg và 152/2005/QĐ-TTg. Theo đó, SCIC có trách nhiệm quản lý, sử dụng có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư và vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp được giao quản lý.

SCIC được lựa chọn và quyết định lĩnh vực, hình thức đầu tư và kinh doanh vốn theo nguyên tắc thị trường, đảm bảo hiệu quả, khả năng sinh lời và phù hợp với quy định pháp luật. Tổng công ty cũng được góp vốn, tài sản với nhà các đầu tư trong nước và nước ngoài để liên doanh, liên kết.

Điểm mới trong nghị định lần này là SCIC được thành lập, tham gia góp vốn thành lập công ty con, công ty liên kết bao gồm cả các công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư. So với dự thảo được Bộ Tài chính lấy ý kiến trước đó, nghị định thu hẹp hơn khi không đề cập tới việc thành lập, góp vốn công ty chứng khoán và các định chế tài chính khác.

Nghị định cũng quy định rõ về xác định giá trị phần vốn nhận bàn giao. Theo đó, đối với doanh nghiệp niêm yết và có giao dịch để tham chiếu, giá trị phần vốn Nhà nước bàn giao tính theo giá bình quân trong thời gian tối đa 3 tháng liền trước ngày bàn giao. Với các doanh nghiệp còn lại, xác định theo giá trị vốn chủ sở hữu phản ánh trên báo cáo tài chính lập tại thời điểm gần nhất trước thời điểm bàn giao.

SCIC được quyền tự quyết bán vốn Nhà nước tại doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối hoặc đối với các doanh nghiệp thuộc danh mục Nhà nước giữ cổ phần chi phối nhưng sau khi bán vẫn đảm bảo tỷ lệ cổ phần trên 50% vốn. Đối với trường hợp còn lại là sau khi bán tỷ lệ sở hữu dưới 50%, SCIC báo cáo Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Về nguyên tắc đầu tư, Tổng công ty không được đầu tư quá 30% tổng mức đầu tư theo kế hoạch hàng năm vào 1 lĩnh vực.

Nghị định cũng quy định rõ vốn chủ sở hữu của SCIC gồm những nguồn nào nhưng không đưa ra con số cụ thể. Trước đó, trong dự thảo được Bộ Tài chính lấy ý kiến, vốn điều lệ của SCIC dự kiến là 40.000 tỷ đồng. Hiện SCIC có vốn điều lệ 15.000 tỷ đồng.

SCIC là đơn vị đang quản lý hàng chục nghìn tỷ đồng vốn đầu tư Nhà nước tại hàng loạt các doanh nghiệp, trong đó đáng chú ý là Vinamilk, FPT Telecom, Dược Hậu Giang, Vinaconex....

Lam Thanh

Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *