Tiền và Hàng 30/03/2014 20:47

Bát nháo thị trường rau hữu cơ

Bao nhiêu rau gắn mác hữu cơ trên thị trường Hà Nội hiện nay là rau hữu cơ “xịn”?

Rau gắn mác hữu cơ giá đắt gấp 3 - 6 lần so với rau bán trên thị trường



Khảo sát trên địa bàn Hà Nội, không khó để tìm thấy cửa hàng bán thực phẩm hữu cơ (HC) như Ecofood, Homefood, Goodfood, Tràng An, Bác Tôm…, kèm theo quảng cáo là thực phẩm siêu sạch, vườn nông sạch, thực phẩm thực dưỡng hay thực phẩm tự nhiên, giá bán cao gấp 3-6 lần so với sản phẩm đang bán tại các chợ, siêu thị.

Rủi ro cao

Theo các cửa hàng trên, loại rau HC khác rau thường ở chỗ không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học và quy trình sản xuất được giám sát chặt chẽ. Sau khi thu hoạch không sử dụng chất bảo quản. Đó là lý do rau đắt đỏ.

Tuy nhiên, ông Trần Văn Mây - Chủ nhiệm HTX tiêu thụ chế biến sản phẩm an toàn rau Vân Nội (Đông Anh, Hà Nội) thừa nhận, trên địa bàn Hà Nội chỉ có Sóc Sơn là được cấp quy chuẩn trồng rau HC nhưng rất khiêm tốn, lấy đâu ra mà nhiều rau HC bày bán như tại một số siêu thị, cửa hàng như hiện nay ?

PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ thực phẩm (ĐH Bách Khoa Hà Nội) chia sẻ, ông từng đi thăm một trang trại trồng rau HC ở nước ngoài, họ trồng trong rừng, cách ly với khu dân cư. Hằng ngày, nông dân đi xe vào rừng chăm sóc cây, tối lại trở ra. Định kỳ hàng tháng sẽ có cơ quan chức năng đến kiểm tra chất lượng. Đặc biệt, họ còn mở cửa cho người dân đến xem quy trình an toàn và nếm thử sản phẩm tươi ngay tại ruộng. Đó mới là HC thực sự. Còn tại VN, chưa có một quy chuẩn nào quy định thế nào là rau HC. Các cửa hàng chỉ giới thiệu chung chung quy trình sản xuất hữu cơ, chụp vài bức ảnh minh họa nơi sản xuất, nuôi trồng mà chưa minh chứng giá cả hợp lý hay chưa, trong sản phẩm ấy chất lượng như thế nào, không chứa chất độc hại gì… Vì vậy theo ông Thịnh, trong một thị trường rau HC mà cơ chế quản lý còn bị buông lỏng như hiện nay, thì rủi ro khi mua rau HC đối với người tiêu dùng là rất cao.

Quản lý từ PGS

Câu hỏi đặt ra là làm sao để người trồng tham gia nhiều hơn vào quy trình trồng rau hữu cơ, từ đó giúp người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận với sản phẩm? Theo TS Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện chiến lược Chính sách nông nghiệp nông thôn, chúng ta đang rất cần một hệ thống có thể liên kết được các tác nhân trong sản xuất (PGS) nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, minh bạch thông tin và thiết lập niềm tin với sản phẩm. Từ đó, nhân rộng hơn nữa mô hình trồng rau hữu cơ trên cả nước. Trong hệ thống đó, nông dân, DN, nhà quản lý phải là những người bạn đồng hành thực sự để đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng với mức giá hợp lý. PGS cũng hóa giải được hạn chế của các mô hình GAP (vốn dựa trên nguyên lý của mô hình quản lý siêu thị hiện đại, chủ yếu dành cho thị trường cấp cao nên chi phí lớn, nông hộ quy mô nhỏ khó tiếp cận) bởi tính liên kết trong PGS là hoàn toàn tự nguyện, giảm đáng kể chi phí quản lý, người sản xuất, người tiêu dùng tự tìm đến nhau, tạo dựng niềm tin cho nhau.

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, có những vùng sản xuất rau hữu cơ thực sự mong được cấp chứng nhận PGS nhưng vẫn phải mỏi mắt chờ. Đơn cử như số phận vùng rau tại Xã Hưng Công - huyện Bình Lục - tỉnh Hà Nam là nơi có truyền thống trồng rau an toàn đã được chọn làm cơ sở áp dụng mô hình sản xuất rau hữu cơ, song sau hơn 1 năm triển khai, đến nay sản phẩm nơi đây vẫn chỉ được gọi là rau “thông thường”. Trong khi đó, nhiều DN vì trục lợi nên đã “té nước theo mưa” để có được chứng nhận PGS, đánh lừa người tiêu dùng.

Theo Mai Thanh

Diễn đàn doanh nghiệp

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *