Chứng Khoán 25/11/2013 13:17

Quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam đạt 25 tỷ USD

FICA - Tuy đã có 3 quý liên tiếp giảm tốc độ tăng trưởng, song so với khu vực, Việt Nam vẫn là thị trường trái phiếu "nóng" nhất với mức tăng đạt gần 19%. Trong đó, thị trường trái phiếu chính phủ tăng gần 25% đạt 24 tỷ USD.


Ông Iwan J. Azis, Trưởng Văn phòng Hội nhập Kinh tế Khu vực của ADB.

Tại Báo cáo Theo dõi Trái phiếu Châu Á vừa công bố sáng nay (25/11), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết, tại Việt Nam, thị trường trái phiếu chính phủ trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 đã giảm 8,7% so với quý trước, chủ yếu do sự sụt giảm nhu cầu đối với trái phiếu kho bạc.

Thị trường trái phiếu công ty giảm 54,1% so với cùng kỳ năm trước và giảm 10% so với quý trước do không phát hành trái phiếu công ty trong vòng 3 quý liên tiếp và 1.700 tỷ đồng trái phiếu công ty đáo hạn trong quý III năm nay.

Mặc dù vậy, theo báo cáo, Việt Nam vẫn là thị trường trái phiếu có mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước, đạt 25 tỷ USD. Trong đó thị trường trái phiếu chính phủ tăng 24,8%, đạt 24 tỷ USD, thị trường trái phiếu công ty tính đến quý III vẫn đứng ở mức 700 triệu USD.

Trong khi đó, đến cuối tháng 9, dư nợ trái phiếu định giá bằng đồng baht Thái đứng ở mức 8,9 nghìn tỷ baht, tương đương 285 tỷ USD, tăng 0,2% so với cuối tháng 6 và tăng 8,8% so với cuối tháng 9 năm 2012. Tổng giá trị phát hành giảm xuống mức 63 tỷ USD trong quý 3 so với mức 79 tỷ USD trong quý 2.

Mặc dù có những bất ổn của thị trường, các thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ của các nền kinh tế Đông Á đang phát triển vẫn tăng 2,4% so với quý trước với giá trị dư nợ đạt 7,1 nghìn tỷ USD vào cuối tháng 9. Sự phát triển này bắt nguồn chủ yếu từ tăng trưởng ở thị trường Indonesia với tốc độ 3,9%, Philippines (3,6%) và Trung Quốc (3%). Thị trường trái phiếu của các nền kinh tế Đông Á đang phát triển đã tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước.

Các thị trường trái phiếu chính phủ của khu vực tăng 2,1% so với quý trước, đạt giá trị 4,4 nghìn tỷ USD, cao hơn mức tăng trưởng 1,1% trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6. Thị trường trái phiếu công ty tăng 2,9%, đạt 2,7 nghìn tỷ USD, thấp hơn so với mức tăng trưởng 8% trong 3 tháng trước đó.

Lợi tức từ thị trường đã có phần được cải thiện trong những tháng gần đây. Lợi tức tính từ đầu năm đến ngày 18 /10 theo Chỉ số Liên Châu Á (Pan-Asian Index) đối với các trái phiếu bằng đồng nội tệ vẫn giảm 1,6% tính trên cơ sở tổng lợi tức chưa bảo đảm quy đổi đồng USD nhưng vẫn cải thiện hơn so với tỷ lệ giảm 3,5% tính đến ngày 31 tháng 7.

Nhìn Mỹ và hành động


Báo cáo lần này, ADB thúc giục các quốc gia Đông Á đang phát triển cần tận dụng cơ hội mở ra từ việc trì hoãn bình thường hóa chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ để củng cố các nền kinh tế và các hệ thống tài chính của mình.

Khảo sát tính thanh khoản hàng năm của báo cáo cho thấy những quan ngại đối với việc khi nào Hoa Kỳ sẽ thu hẹp chương trình mua tài sản của mình là một nhân tố chính ảnh hưởng đến tính thanh khoản của thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ.

Những người trả lời khảo sát tiếp tục chỉ ra rằng sự thiếu tính đa dạng của các nhà đầu tư là một nhân tố chính làm giảm tính thanh khoản của thị trường. Mặc dù các cơ quan mua bán trái phiếu của chính phủ vẫn là những động lực chính cho giao dịch của khu vực, báo cáo lưu ý rằng những tổ chức đầu tư như các quỹ lương hưu, công ty bảo hiểm, ngân hàng tư nhân và các công ty quản lý tài sản đang ngày càng trở nên quan trọng. Các nhân tố khác bao gồm sự hạn chế của các cơ chế bảo đảm, cấp vốn giao dịch, quy định quản lý ngoại hối và sự minh bạch, thanh toán và bảo quản, và đãi ngộ thuế.

Theo ông Iwan J. Azis, Trưởng Văn phòng Hội nhập Kinh tế Khu vực của ADB, cơ quan xây dựng báo cáo, “Việc trì hoãn kế hoạch giảm khối lượng mua trái phiếu của Hoa Kỳ giúp khu vực có thêm thời gian để đảm bảo các nền kinh tế và hệ thống tài chính của mình được củng cố đủ vững vàng đối mặt với khả năng biến động của thị trường trong tương lai.”

Báo cáo cũng cảnh báo các nền kinh tế Đông Á đang phát triển vẫn đang đứng trước rủi ro thay đổi động thái của các nhà đầu tư khi Hoa Kỳ chắc chắn sẽ thu hẹp quy mô chương trình mua tài sản của mình và tiến hành giải quyết những câu hỏi chưa được tháo gỡ về trần nợ của chính phủ. Các dòng vốn biến động sẽ khiến các nhà hoạch định chính sách khó khăn hơn trong việc quản lý nền kinh tế khi khả năng thanh khoản khó khăn hơn có thể làm giảm giá tài sản, đăc biệt trong lĩnh vực bất động sản, khiến cho tình hình của các công ty tài chính nắm giữ nhiều tài sản này trở nên khó khăn hơn.

Các nền kinh tế Đông Á mới nổi bao gồm Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Indonesia, Hàn Quốc, Malaysua, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Bích Diệp

Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *