Chứng Khoán 09/04/2021 09:09

Người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam 15 năm trước nay ra sao?

FPT từng là cổ phiếu mang lại giàu có cho rất nhiều người thời điểm sơ khai của chứng khoán Việt, đưa ông Trương Gia Bình trở thành người giàu nhất. 15 năm sau, mã này một lần nữa gây "sốt".

Tiếp tục là một phiên giao dịch đầy khó khăn của thị trường khi đối mặt với không chỉ áp lực chốt lời mà còn với tình trạng đơ nghẽn, quá tải xảy ra quá sớm trên sàn HSX.

Từ cuối phiên sáng qua, nhà đầu tư đã chịu "bó tay", ngồi làm khán giả khi không thể nào đặt lệnh thành công cho các quyết định mua/bán cổ phiếu.

Người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam 15 năm trước nay ra sao? - 1

Sàn HSX quá tải hệ thống từ sớm khiến nhà đầu tư làm khán giá bất đắc dĩ từ cuối phiên sáng (ảnh chụp màn hình).

Trong khi đó, tổng giá trị giao dịch toàn phiên của HSX ở phiên 8/4 mới chỉ dừng ở con số 14.522,9 tỷ đồng, khối lượng giao dịch đạt 664,5 triệu cổ phiếu. Con số này thấp hơn đáng kể so với những phiên trước (thông thường, HSX phải tới mốc thanh khoản 15.000 tỷ đồng mới nghẽn). Tình trạng này đẩy VN-Index bị thiệt hại 7,49 điểm tương ứng 0,6% còn 1.234,89 điểm.

Ở phiên buổi chiều, dòng tiền loay hoay không thể tiếp cận cổ phiếu sàn HSX nên nhà đầu tư chuyển sang giao dịch trên HNX và UPCoM. Giá trị giao dịch ở HNX đạt 2.915,12 tỷ đồng với 178,29 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng; con số này trên UPCoM là 1.213,55 tỷ đồng với khối lượng giao dịch 89,55 triệu cổ phiếu.

Sự thông suốt của hệ thống cũng đã hỗ trợ đáng kể cho chỉ số. Cả HNX-Index và UPCoM-Index đều lấy lại được trạng thái tăng giá cuối phiên, lần lượt tăng 0,91 điểm tương ứng 0,31% lên 293,75 điểm và tăng 0,51 điểm tương ứng 0,62% lên 83,07 điểm.

Cổ phiếu FPT hôm qua chịu rung lắc, có lúc lên cao nhất là 80.600 đồng và thấp nhất về mức 79.500 đồng, tuy nhiên đóng cửa lại ở mức tham chiếu 79.600 đồng/cổ phiếu. FPT là một trong những cổ phiếu tăng trưởng đáng chú ý nhất thời gian qua.

Mặc dù giảm nhẹ 0,13% trong 1 tuần giao dịch gần đây do bị chốt lời, nhưng tính từ đầu năm 2021, FPT đã tăng hơn 37% (tương ứng tăng 21.500 đồng/cổ phiếu). Mức đỉnh cao của mã này là 81.000 đồng tại thời điểm đóng cửa ngày 16/3.

Hiện này, tài sản của ông Trương Gia Bình thông qua sở hữu gần 55,5 triệu cổ phiếu FPT (tương ứng 7,07%) là 4.414,2 tỷ đồng. Thời điểm hiện tại, Chủ tịch FPT chỉ xếp thứ 24 trong danh sách người giàu trên thị trường chứng khoán Việt Nam nhưng thời kỳ 2006-2007, khi chứng khoán cũng trải qua cơn "sốt" lịch sử, thì ông Trương Gia Bình từng là người giàu nhất trên sàn. Nhờ cổ phiếu FPT mà Việt Nam xuất hiện nhiều người giàu nhờ chứng khoán ở thời điểm đó.

Mức giá đóng cửa của phiên chào sàn cổ phiếu FPT năm 2006 là 400.000 đồng/cổ phiếu và đến cuối năm 2017, giá cổ phiếu FPT tăng lên tới mức đỉnh 665.000 đồng. Mức giá điều chỉnh của FPT sau các lần tăng vốn của thời điểm đỉnh cao hiện ở mức 37.500 đồng.

Người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam 15 năm trước nay ra sao? - 2

Giá cổ phiếu FPT trong khoảng thời gian 10 năm trở lại đây vẫn trong xu hướng tăng giá (giá đã điều chỉnh).

Tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên của FPT vừa diễn ra hôm qua, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch FPT cho biết, tập đoàn đang nỗ lực hỗ trợ và tuyên bố "chỉ 3 tháng sẽ giải quyết được vấn đề người khác làm mấy năm không xong".

"Lão tướng" Bùi Quang Ngọc - Phó Chủ tịch FPT cũng thông tin, FPT đã có kinh nghiệm triển khai tương đối nhiều các phần mềm lõi (core) cho ngành chứng khoán Việt Nam như hệ thống quản lý cho trung tâm lưu ký chứng khoán, quản lý trái phiếu doanh nghiệp và hệ thống quản lý giao dịch phái sinh.

"Dựa vào việc đã từng có kinh nghiệm triển khai các ứng dụng lõi này, FPT tin tưởng có đủ hiểu biết hệ thống chứng khoán tại Việt Nam, đồng thời, có đội ngũ năng lực để giải quyết được vấn đề nghẽn lệnh sàn HSX" - ông Ngọc nói về cơ sở của sự tự tin ở FPT khi "thông đường" cho HSX.

Ông Ngọc cũng chia sẻ với cổ đông FPT rằng, việc triển khai giải quyết nghẽn lệnh không gặp phải khó khăn về vấn đề ngân sách từ phía Nhà nước mà khó khăn lớn nhất là khi thay đổi hệ thống thông tin sẽ kéo theo sự thay đổi của quy trình, công nghệ, con người. Tuy nhiên, do thường xuyên đối mặt với những khó khăn này khi cung cấp, triển khai dịch vụ đến các đối tác "nên với kinh nghiệm của chúng tôi thì sẽ vượt qua được" - ông Ngọc nhận định.

Về bức tranh chung của thị trường chứng khoán phiên 8/4, độ rộng thị trường vẫn có phần nghiêng nhẹ về phía các mã tăng giá. Có 473 mã tăng, 63 mã tăng trần so với 451 mã giảm, 16 mã giảm sàn.

Trong phiên này, phần lớn cổ phiếu trong rổ VN30 đều giảm giá, chỉ số này cũng đánh mất 5,96 điểm tương ứng 0,47%. Một số mã bị điều chỉnh như VCB, MBB cùng giảm 1,9%; VIC giảm 1,8%; BVH giảm 1,6%; BID giảm 1,6%... Những mã tăng giá là KDH, HDB, NVL, VPB, TPB, PLX.

Mai Chi

Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *