Chứng Khoán 07/11/2018 14:50

Lập Quỹ bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán, phòng trường hợp doanh nghiệp phá sản?

Đóng góp ý kiến về đề xuất này, Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam (VASB) cho rằng, cần nghiên cứu kỹ quy định vì hiện đã có quy định về Quỹ hỗ trợ thanh toán và Quỹ bù trừ với mục tiêu đảm bảo khả năng thanh toán.

(Ảnh minh hoạ).

(Ảnh minh hoạ).

Phát biểu tại hội thảo Đóng góp ý kiến dự thảo Luật chứng khoán (sửa đổi) diễn ra sáng nay (7/11), Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho biết, Luật chứng khoán được ban hành năm 2006 và sửa đổi năm 2011 đã góp phần đưa thị trường chứng khoán VIệt Nam ngày càng phát triển, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn của nền kinh tế.

Theo Thứ trưởng, đến năm 2018, số lượng công ty niêm yết tăng hơn 7 lần so với năm 2016, có hơn 1.537 công ty niêm yết và đăng ký giao dịch, vốn hoá thị trường đạt hơn 3,8 triệu tỷ đồng, tương đương 77% GDP, so với mức 22% GDP của năm 2016.

Tuy nhiên với quá trình phát triển của nền kinh tế và hoạt động thị trường chứng khoán đã phát sinh nhiều bất cập trong Luật chứng khoán và nhu cầu cần thiết phải sửa đổi để phù hợp với tình hình mới, tạo ra khuôn khổ pháp lý và động lực cho thị trường chứngk hoán phát triển bền vững và an toàn. Theo đó, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ và Quốc hội, đưa việc sửa đổi Luật Chứng khoán trình Quốc hội lấy ý kiến vào kỳ họp đầu tiên và xem xét thông qua vào kỳ họp thứ 2 năm 2019.

Tại Dự thảo luật lần này, Bộ Tài chính đề xuất lập Quỹ bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán. Quỹ này được hình thành từ sự đóng góp của các công ty chứng khoán là thành viên của Sở giao dịch chứng khoán để hoàn trả một phần cho nhà đầu tư trong trường hợp công ty chứng khoán mất khả năng hoàn trả tài sản của nhà đầu tư đã nhận quản lý hoặc phá sản.

Quỹ bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán do Sở giao dịch chứng khoán quản lý và phải được tách bạch với tài sản của Sở giao dịch chứng khoán. Hình thức đóng góp, mức đóng góp, phương thức hoàn trả, phương thức quản lý quỹ bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Tuy nhiên, đóng góp ý kiến về đề xuất này, Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam (VASB) cho rằng, cần nghiên cứu kỹ quy định vì hiện đã có quy định về Quỹ hỗ trợ thanh toán và Quỹ bù trừ với mục tiêu đảm bảo khả năng thanh toán.

Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng cho rằng, việc xác định doanh nghiệp “mất khả năng hoàn trả” chưa được quy định đầy đủ và chi tiết. Trường hợp này có thể so sánh như trường hợp phá sản doanh nghiệp được quy định trong Luật phá sản với dấu hiệu xác định doanh nghiệp phá sản là “mất khả năng thanh toán”.

"Đây là dấu hiệu khó xác định một cách chính xác và việc khó xác định đã dẫn đến một thực tế là nhiều doanh nghiệp đã âm cả vốn chủ sở hữu, âm vào vốn vay vẫn chưa thể phá sản hoặc vẫn cố tình tiếp tục hoạt động gây nhiều hệ lụy cho xã hội", VASB nhận định.

Mặt khác, theo VASB, việc sử dụng tài sản của khách hàng là chiếm dụng tài sản trái phép và cần được xử lý theo đúng bản chất của nó, cá nhân nào, tổ chức nào sử dụng trái phép sẽ phải hoàn trả chứ không nên dùng quỹ chung của các thành viên để thực hiện nghĩa vụ của một cá thể có hành vi trái pháp luật.

"Tài sản nhà đầu tư chứng khoán gồm tiền và chứng khoán, tiền được quản lý tách bạch tại Ngân hàng, chứng khoán được quản lý độc lập bởi Trung tâm lưu ký. Vì vậy, trong trường hợp nhất thiết phải có quỹ này thì cần xem xét vai trò đóng góp của các chủ thể có ảnh hưởng là ngân hàng và Trung tâm lưu ký", VASB kiến nghị.

Đồng quan điểm, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương cũng cho rằng, cần cân nhắc xây dựng cơ chế theo hướng có nhiều lựa chọn cho các Công ty chứng khoán, Công ty quản lý quỹ thực hiện nhằm bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư như: thực hiện trích lập Quỹ dự phòng bảo vệ nhà đầu tư hoặc Quỹ dự phòng rủi ro nghiệp vụ hoặc mua bảo hiểm nghề nghiệp… thay cho việc định hướng duy nhất bằng việc đóng góp quỹ bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán cho Sở giao dịch.

Ngoài ra, Dự thảo lần này cũng siết quy định về chào bán chứng khoán ra công chúng. Theo đó, đối với các đơn vị phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng, dự thảo luật yêu cầu mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ 30 tỷ đồng trở lên (cao hơn mức 10 tỷ đồng theo luật chứng khoán 2006 sửa đổi 2010) tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán.

Dự thảo luật cũng bổ sung quy định về tính đại chúng, tỷ lệ tối thiểu 20% vốn điều lệ được bán cho ít nhất 100 nhà đầu tư. Đồng thời dự thảo luật nâng yêu cầu về thời gian hoạt động có lãi của doanh nghiệp trước thời điểm chào bán cổ phiếu từ 1 năm lên 2 năm; bổ sung nội dung yêu cầu cam kết nắm giữ 2 năm đối với cổ đông lớn.

Phương Dung

Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *