Chứng Khoán 14/03/2021 08:31

Kiến nghị "trảm tướng" sàn HSX vì nghẽn lệnh, gây thiệt hại quá lâu

Đây là ý kiến gây chú ý của VAFI trong tuần qua. Trong khi đó, giới chuyên gia cũng đánh giá, lãnh đạo sàn giao dịch TP.HCM (HSX) trách nhiệm chưa cao, năng lực xử lý còn chưa tốt, hành xử cảm tính.

Trong công văn kiến nghị của Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) lên Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng và lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước giải quyết các vấn đề của thị trường chứng khoán.

VAFI cho rằng, việc hệ thống giao dịch của sàn HSX - "trái tim" của thị trường chứng khoán Việt Nam - bị thương tổn suốt 3 tháng qua đã ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của nhà đầu tư và uy tín của thị trường chứng khoán Việt Nam với giới đầu tư quốc tế.

"Điều đó thể hiện năng lực quản trị điều hành HSX rất yếu kém. Đã 20 năm vận hành hệ thống giao dịch hiện hành mà không làm chủ được công nghệ vận hành" - đại diện VAFI nêu quan điểm.

Phía VAFI cho rằng, sự yếu kém năng lực quản trị HSX còn thể hiện khi dự án làm hệ thống giao dịch mới triển khai từ năm 2012 nhưng đến nay vẫn chưa xong và không biết chắc chắn bao giờ mới hoàn thành. "Gần 10 năm trời mà không hoàn thành một dự án phần mềm không có gì là phức tạp lắm trong khi thông thường chỉ mất vài năm?" - tổ chức này đặt câu hỏi.

Tình trạng yếu kém như phân tích trên, theo VAFI, là do công tác bổ nhiệm nhân sự một số chức danh chủ chốt trong Ban Điều hành và Hội đồng quản trị của HSX không đạt yêu cầu.

"Thị trường chứng khoán Việt Nam không thể phụ thuộc vào năng lực yếu kém của vài người và đến khi bị sự cố như hiện nay thì không thể nhanh chóng khắc phục được" - đại diện VAFI nhấn mạnh, đồng thời đề xuất thuê nhân sự giỏi nước ngoài, những người đã có nhiều kinh nghiệm và thành tích trong quản lý vận hành các Sở giao dịch nổi tiếng trên thế giới làm Tổng Giám đốc, Phó Tổng giám đốc phụ trách IT, giám sát thị trường tại Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam. Những người này cũng phải có khả năng kiêm nhiệm các chức danh quản lý chủ chốt tại HSX.

Sự cố trên HSX "đến tai" Thủ tướng: Tư nhân vào cuộc khắc phục

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, đề xuất cho phép tư nhân xử lý vướng mắc hiện tại trên HSX (ảnh: VGP)

Ngày 6/3, tại sự kiện "Đối thoại 2045" giữa Thủ tướng và lãnh đạo các doanh nghiệp tư nhân lớn, nhiều kiến nghị của doanh nghiệp đã được Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo xử lý.

Đáng chú ý, ông Trương Gia Bình - Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng - đã đề xuất Chính phủ, Thủ tướng đồng ý cho phép các doanh nghiệp tư nhân xử lý vấn đề vướng mắc hiện tại của sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam.

Theo ông Trương Gia Bình, hơn lúc nào hết trên đất nước Việt Nam, từng người dân cần chung khát vọng lớn đưa đất nước trở nên hùng cường. Khát vọng không phải trên giấy mà phải chuyển sang từng doanh nghiệp, người dân cùng mơ ước có những phát minh sáng chế cả thế giới cần và sử dụng...

"Để có khát vọng đó, chúng ta cần một niềm tin lớn của người dân vào Chính phủ, niềm tin của Chính phủ với người dân. Chính phủ tin tưởng vào cộng đồng doanh nghiệp, là "bà đỡ", tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Đó là niềm tin Việt Nam trở thành quốc gia tận dụng tốt cơ hội, hòa nhập vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0" - ông Bình bày tỏ.

Trước đề nghị nói trên, Thủ tướng nhắc lại câu chuyện khi ông sang Nhật Bản thì thấy có 2.000 người Nhật và người Việt làm việc cho FPT về phần mềm. Thủ tướng cho biết, khi sàn HSX trục trặc, ông đã yêu cầu các cơ quan xử lý ngay kiến nghị của FPT, xử lý ngay các trục trặc của sàn giao dịch chứng khoán mà không cần sử dụng ngân sách .

Sàn HSX phải sánh ngang với sàn Hồng Kông, London, New York

Cũng tại sự kiện này, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch Tập đoàn Sovico, Tổng Giám đốc Vietjet Air, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT HDBank - đã có những phát biểu đáng chú ý nhằm góp phần tháo gỡ tình trạng ách tắc trên sàn HSX. Phát biểu của bà Thảo thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của đông đảo nhà đầu tư trên cả nước.

Theo bà, với tham vọng trở thành quốc gia hùng cường, thu nhập cao, sàn HSX phải sánh ngang với sàn Hồng Kông, London hay New York. Theo bà, với thực trạng như hiện nay, phương án giảm số lượng giao dịch do hệ thống không đáp ứng nổi hay chuyển các cổ phiếu sang niêm yết trên HNX đều không ổn.

Nữ tỷ phú cho biết đã liên lạc với lãnh đạo các tập đoàn công nghệ lớn như FPT, One Mount Group, Viettel để cùng bàn bạc giải pháp khắc phục việc sàn chứng khoán quá tải và nhận được câu trả lời: Chỉ cần 2 tháng và chi phí khoảng 60 tỷ đồng là có thể giải quyết vấn đề này.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đích thân chỉ đạo sửa lỗi sàn HSX

Chỉ ít ngày sau sự kiện "Đối thoại 2045", chiều ngày 9/3, Bộ Tài chính đã có buổi làm việc với Tập đoàn FPT để bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong giao dịch chứng khoán.

Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, tình trạng tắc nghẽn giao dịch trên sàn HSX trong thời gian qua phải sớm được xử lý dứt điểm. Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính cũng đã xây dựng đồng thời nhiều giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống.

Một trong ba giải pháp do Bộ Tài chính xây dựng được cho là khá phù hợp với quan điểm của FPT đã được các bên liên quan phân tích đánh giá và bàn giải pháp thực hiện tại buổi làm việc.

Bộ Tài chính và FPT cùng chung nhận định giải pháp áp dụng hệ thống phần mềm đang được vận hành tại HNX cho hệ thống giao dịch tại HSX là hoàn toàn khả thi. Theo đó chỉ mất từ 3 - 4 tháng để triển khai và hoàn thiện, có thể xử lý dứt điểm tình trạng nghẽn lệnh khi giao dịch chứng khoán.

Mất 3 tháng để "sửa lỗi" sàn HSX: Câu hỏi về năng lực và trách nhiệm

Sự cố nghẽn lệnh trên sàn HSX xảy ra hơn 3 tháng qua gây thiệt hại cho nhà đầu tư (ảnh: Báo Nhân Dân)

Việc FPT tham gia khắc phục sự cố nghẽn lệnh trên sàn HSX nhận được sự quan tâm lớn của giới đầu tư. Trước câu hỏi đặt ra về năng lực thực hiện và trách nhiệm trong trường hợp doanh nghiệp không xử lý được, một số nhà đầu tư đã bày tỏ ý kiến.

Anh Nam Trần - một nhà đầu tư - nêu: trong trường hợp HSX ký hợp đồng và có cam kết của FPT thì FPT chỉ phải chịu trách nhiệm với HSX vì đây là thỏa thuận song phương. Tuy nhiên, theo góc nhìn của anh, nếu không xử lý được thì trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý và bản thân cơ quan này cũng phải chịu trách nhiệm với Bộ Tài chính và các doanh nghiệp đang niêm yết cổ phiếu trên sàn này.

"Chúng tôi không cần biết "ông" FPT hay "ông" KRX nào hết. Chúng tôi chỉ biết là HSX nhận tiền phí của chúng tôi và nhận nhiệm vụ/trách nhiệm với Nhà nước đảm bảo một hệ thống giao dịch chứng khoán vận hành tốt và minh bạch. Khi hệ thống bị lỗi liên tục như thế là thể hiện sự yếu kém và thiếu trách nhiệm", nhà đầu tư này bức xúc.

Về phía FPT, ông Dương Dũng Triều - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Hệ thống thông tin FPT cho biết, tập đoàn này đã có kinh nghiệm về phát triển, triển khai ứng dụng ngành chứng khoán Việt Nam như hệ thống giao dịch chứng khoán tại HNX, UPCoM, hệ thống trái phiếu Chính phủ, các ứng dụng cho ngành chứng khoán... Từ những năm 2000, doanh nghiệp đã phát triển hệ thống lưu ký, thanh toán bù trừ kết nối với hệ thống giao dịch do Sở Giao dịch chứng Thái Lan cung cấp để chuẩn bị cho việc đưa HSX hoạt động tháng 7/2000.

Việc xử lý hiện tượng nghẽn lệnh trên HSX hiện nay, theo ông Triều, có thể dùng 2 cách: Một là rà soát phần mềm hiện tại để xử lý kỹ thuật; hai là triển khai hệ thống thay thế tạm thời cho đến khi hệ thống chính thức của KRX vận hành chính thức. Qua nghiên cứu bước đầu và dựa vào kinh nghiệm thực tiễn, cũng như năng lực hiện có, FPT nghiêng về cách thứ hai.

Một lãnh đạo ở FPT cũng thông tin, thực tế sàn HNX đang dùng giải pháp của FPT từ nhiều năm nay và vận hành rất ổn định. "Chúng tôi cam kết triển khai 3 tháng xong" - vị này cho hay.

Biện pháp khẩn sửa lỗi HSX: Chuyên gia đề xuất chuyển sàn toàn bộ VN30

Trong giai đoạn "nước sôi lửa bỏng" để khắc phục tình trạng "nghẽn lệnh" trên HSX, sáng ngày 10/3, chuyên gia chứng khoán Nguyễn Hồng Điệp đã có chia sẻ rất tâm huyết, đưa ra những đề xuất đối với cơ quan có thẩm quyền.

Chuyên gia Nguyễn Hồng Điệp (ảnh: NVCC)

Một là, chuyển toàn bộ các mã thuộc VN30 sang dùng "nhờ" hệ thống HNX. Nhóm 30 công ty này đang chiếm khoảng 40% giá trị và khối lượng giao dịch hàng ngày.

Hai là lập bảng riêng cho VN30 và vẫn định danh là sàn HSX.

Ba là, tính chỉ số VN30, sau đó kết hợp với chỉ số của các mã ở lại sàn HSX, tính ra chỉ số VN-Index. Bản chất sẽ không làm thay đổi bộ chỉ số nào hết. Việc này cần chuyên gia (toán học), tôi cho là sẽ làm được.

Cuối cùng là, các công ty chứng khoán không cần phải tốn chi phí để thay đổi phần mềm, bản chất vẫn định danh là sàn HSX.

Tất cả các bước trên được cho là chỉ mất tối đa 5 ngày để thực hiện. Ông Điệp cũng nhận xét, cách đây 4 tháng, HSX bắt đầu có những dấu hiệu "nghẽn lệnh" đầu tiên. Nếu vào lúc đó, lãnh đạo Sở HSX đánh giá đúng tầm nghiêm trọng của lỗi, báo cáo kịp thời lên Ủy ban chứng khoán Nhà nước, lên Bộ Tài chính, thậm chí lên Thủ tướng Chính phủ, thì biết đâu lỗi bây giờ đã khắc phục xong.

Nhưng do trách nhiệm chưa cao, năng lực xử lý còn chưa tốt, hành xử cảm tính, đã để tình trạng xảy ra quá lâu.

Trong khi đó, lãnh đạo HSX lại đề xuất những giải pháp "rất yếu". Ông Điệp nhận xét, giải pháp nâng lô lên 1.000 cổ phiếu/lệnh hay giải pháp "cấm hủy, sửa lệnh" đều không có tính thị trường, đi ngược với chủ trương phát triển thị trường chứng khoán của Nhà nước.

Mai Chi
Tổng hợp

Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *