Chứng Khoán 18/01/2020 19:00

"Không nên quá lo ngại về những diễn biến của xung đột Mỹ-Iran"

Đây là khuyến nghị được chuyên gia chứng khoán từ VNDirect đưa ra trong một báo cáo phân tích gần đây.

Ảnh minh hoạ

Trong vòng 2 tuần trở lại đây, những diễn biến tại Trung Đông có ảnh hưởng đáng kể đến thị trường tài chính. Tuy nhiên, thị trường tài chính toàn cầu đã thở phào sau bài phát biểu có phần ôn hòa của Tổng thống Trump vào ngày 8/1/2020.

Ngòi nổ chiến tranh đã tạm thời được tháo bỏ khi Tổng thống Trump lựa chọn giải pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran thay vì một động thái quân sự nhằm đáp trả việc Iran tấn công một số căn cứ có lính Mỹ đồn trú tại Iraq vào rạng sáng ngày 8/1. Các thị trường tài chính toàn cầu ngay lập tức phản ứng tích cực sau động thái trên, chỉ số Nasdaq thậm chí còn chạm đỉnh lịch sử (9.129 điểm).

Nhìn lại các đợt xung đột quân sự, địa chính trị tại Trung Đông trong quá khứ, VNDirect cho rằng, dường như diễn biến của các loại tài sản trái ngược so với những gì đa số chúng ta suy nghĩ. Thị trường chứng khoán (đại diện là chỉ số S&P 500) thường lấy lại trạng thái cân bằng rất nhanh (trong một vài tuần lễ), gột bỏ những lo ngại của chiến tranh và vận động theo động lực của riêng nó.

Theo đó, chỉ số S&P 500 ghi nhận mức tăng trưởng dương trong 4/5 lần các đợt xung đột xảy ra trong các khung thời gian sau 3 tháng, sau 6 tháng và sau 1 năm. Đây cũng là kênh đầu tư ghi nhận mức tăng trưởng tốt nhất (trong 3 loại tài sản kể trên).

Trong khi đó, mối lo ngại về giá dầu tăng mạnh dường như là một con ngáo ộp không có thực. Trong các đợt xung đột trước, giá dầu biến động trái với suy nghĩ của đại đa số mọi người và có biến động giảm nhiều hơn là tăng. Lần ghi nhận giá dầu tăng mạnh trong ngắn hạn là giai đoạn Iraq xâm lược Kuwait đã cách đây đã xấp xỉ 30 năm.

Trong bối cảnh hiện tại, khi Mỹ không còn phụ thuộc vào nguồn cung dầu mỏ tại Trung Đông (nhờ dầu đá phiến, Mỹ đã trở thành nước có sản lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới), thì việc giá dầu tăng mạnh trong ngắn hạn chủ yếu đến từ tâm lý của nhà đầu tư hơn là cung cầu thực tế trên thị trường.

Vàng, tài sản được coi là hầm trú ẩn rủi ro, có diễn biến tương đối tốt (đặc biệt trong những đợt xung đột gần đây). Tuy nhiên, nhìn về tổng thêể, diễn biến của giá vàng vẫn không vượt qua được diễn biến của S&P 500.

Theo VNDirect, mặc dù các số liệu trên cũng đã tương đối cũ (từ 2003 trở về trước) và S&P 500 không đại diện được cho VN-INDEX (do thực tế VN-INDEX mới ra đời từ 2000 và trong những năm đầu có diễn biến mờ nhạt). Tuy nhiên, việc lấy chỉ số S&P 500 (chỉ số chứng khoán phản ánh nền kinh tế đầu tàu của thế giới) cũng có ý nghĩa tham khảo nhất định.

Mai Chi

Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *