Chứng Khoán 29/11/2021 12:48

Khi chứng khoán Việt cao nhất mọi thời đại: Có nên thoát hàng?

Hiện tại, giá của rất nhiều cổ phiếu đang ở mức cao nhất trong lịch sử, có thể đây là thời điểm để bán cổ phiếu và nắm giữ tiền mặt?

Mọi nhà đầu tư được chứng kiến đà tăng giá có thể gọi là "điên cuồng" của thị trường chứng khoán kể từ đại dịch Covid -19. Hiện tại, giá của rất nhiều cổ phiếu đang ở mức cao nhất trong lịch sử và có thể đây là thời điểm để bán cổ phiếu và nắm giữ tiền mặt?

Nếu đó là những gì bạn đang nghĩ thì bạn cần đọc thêm về đầu tư dài hạn - một trong những bài học cực kỳ giá trị.

Mức giá quá nhanh của các mặt hàng thường làm mọi người lo lắng, đặc biệt là đối với giá cổ phiếu. Mọi người thường băn khoăn rằng việc xuống tiền mua cổ phiếu tại mức giá hiện tại có phải là một quyết định sai lầm? Với giá của cổ phiếu thị trường Mỹ đã tăng khoảng 100% từ đáy vào tháng 3/2020 khi việc bán tháo xảy ra do dịch Covid-19, rất nhiều nhà đầu tư lỗi lạc đã cảnh báo rằng thị trường chứng khoán toàn cầu tăng trưởng quá nóng trong thời gian vừa qua và bong bóng có thể đã xuất hiện.

Trong vài tháng gần đây, rất nhiều cổ phiếu đã liên tục lập đỉnh, rồi phá đỉnh để lập đỉnh mới cao hơn. Rất nhiều nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ và cả nhà đầu tư chuyên nghiệp lớn đều băn khoăn về cùng một điều, rằng có nên bán toàn bộ hoặc phần lớn cổ phần trước khi "bong bóng" vỡ tung?

Ở Việt Nam, chỉ số VN-Index đang ở mức cao nhất trong lịch sử kể từ khi thị trường chứng khoán Việt Nam đi vào hoạt động. VN-Index đã vượt mức 1.500 điểm vào ngày 25/11, tăng 125% so với đáy vào tháng 2/2020. Rất nhiều cổ phiếu đã liên tiếp lập đỉnh với mức tăng 100-300% so với thời điểm cuối năm 2020, chẳng hạn MVN, HSG, VPB...

Khi chứng khoán Việt cao nhất mọi thời đại: Có nên thoát hàng? - 1

Đối với các cổ phiếu đầu cơ, câu chuyện lại hoàn toàn khác. VMD của Công ty cổ phần Y Dược phẩm Vimedimex đã tăng một mạch từ mức 25.000 đồng/cổ phiếu lên 82.000 đồng/cổ phiếu chỉ trong tháng 8, sau thông tin ký hợp đồng với đối tác nước ngoài nhập khẩu vaccine Covid-19. Rất nhiều nhà đầu tư cá nhân chứng kiến tài khoản của mình bay hơi phân nửa khi mức giá giảm về 40.000 đồng/cổ phiếu vào tháng 9.

Điều tương tự xảy ra đối với SJF nhưng ở cấp độ cao hơn rất nhiều. SJF tăng từ mức 4.000 đồng/cổ phiếu vào tháng 9 lên mức 22.500 đồng/cổ phiếu vào ngày 25/11, tương ứng mức tăng 562% trong vòng 2 tháng theo tin đồn rằng tập đoàn Hòa Phát sẽ thâu tóm BWG Mai Châu (SJF sở hữu 96,54% vốn). Nhưng khi Hòa Phát đã phủ nhận tin đồn và theo sau đó là không ít nhà đầu tư mất tiền. Đây là biểu hiện cực kỳ rõ của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian vừa qua - đầu tư theo tin đồn.

Có nên thoát hàng?

Và câu trả lời là: Không ai có thể dự đoán được tương lai, bao gồm cả những chuyên gia phân tích, các công ty chứng khoán, các nhà kinh tế và các nhà quản lý danh mục đầu tư.

Cụ thể hơn, các cổ phiếu có thị giá cao không hoàn toàn là những cổ phiếu "nóng" hay đang được định giá đắt. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì nhà đầu tư cần cân nhắc đến giá trị nội tại của doanh nghiệp. Bài học này không áp dụng đối với các cổ phiếu đầu cơ.

Khi chứng khoán Việt cao nhất mọi thời đại: Có nên thoát hàng? - 2

Làm thế nào để xác định một cổ phiếu bị định giá quá cao?

Phải xác định được giá trị của cổ phiếu.

Giá trị khác với thị giá. Hãy tưởng tượng: 20.000 đồng/cổ phiếu là mức giá đắt cho cổ phiếu của một công ty mà hoạt động kinh doanh không tạo ra dòng tiền tốt hoặc đang trong tình trạng hoạt động yếu kém. Ngược lại 20.000 đồng/cổ phiếu lại rất rẻ cho những công ty có triển vọng tốt.

Thị giá của 2 cổ phiếu là như nhau nhưng giá trị của chúng lại hoàn toàn khác nhau. Khi xác định một cổ phiếu có bị định giá quá cao, nhà đầu tư cần xác định giá trị nội tại trước. Hãy thử so sánh giá của HDB và MSB tại ngày 26/11: 31.350 đồng/cổ phiếu và 27.750 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên không thể kết luận được là HDB đắt hơn MSB.

Thị giá là mức giá của ngày giao dịch gần nhất và ai cũng có thể xác định được bằng cách tra cứu giá đóng cửa. Tuy nhiên, giá trị của cổ phiếu rất khó xác định một cách chính xác.

Một trong những cách dễ nhất để xác định giá trị của một cổ phiếu là so sánh chỉ số P/E (thị giá/thu nhập sau thuế của một cổ phiếu). Khi chỉ số P/E càng cao đồng nghĩa với việc cổ phiếu được định giá cao - một trong những yếu tố đơn giản và nhanh nhất để ra quyết định đầu tư. P/E của HDB là 11,17 và của MSB là 8,65.

Việc kết luận cổ phiếu HDB đắt hơn MSB chỉ là tương đối vì thị trường kỳ vọng HDB có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận tốt hơn, tỷ suất sinh lời/vốn chủ sở hữu tốt hơn. Quả thực, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu năm 2020 của HDBank (ROE) và MSB lần lượt là 18,5% và 11,9%.

Nếu chỉ số P/E hiện tại mở mức cao, có nên bán cổ phiếu?

Không hẳn. Chỉ số P/E dựa trên số liệu lịch sử. Cụ thể hơn là tỷ lệ của giá cổ phiếu chia cho lợi nhuận trong năm gần nhất chứ không phải lợi nhuận mà công ty sẽ tạo ra trong tương lai.

Những công ty công nghệ hàng đầu thế giới như Apple và Google đã báo cáo lợi nhuận hàng quý vượt đỉnh lịch sử. Rất nhiều nhà đầu tư đánh cược hàng tỷ, thậm chí hàng trăm tỷ USD vào các cổ phiếu này với niềm tin rằng thu nhập của các công ty này sẽ tăng cao hơn nữa trong thời gian tới sau khi ảnh hưởng của covid-19 chững lại, lãi suất thấp kỷ lục và các yếu tố khác liên quan. Nhiều chuyên gia tài chính dự đoán rằng, lợi nhuận mà các công ty công nghệ tạo ra có thể tăng 20% vào cuối năm 2021.

Cho dù cổ phiếu đang được định giá cao nhưng việc đầu tư vào các công ty có tình hình tài chính lành mạnh, triển vọng tăng trưởng tốt là một quyết định sáng suốt. Nguyên nhân sâu xa là lợi nhuận thời gian vừa qua của các công ty này tăng nhanh, dự đoán là có thể còn tăng nhanh hơn trong thời gian tới. Nhiều cổ phiếu được cho là đắt hôm nay có thể sẽ là món hời nếu nhìn lại sau vài tháng nữa.

Chắc chắn rằng thị trường đang xuất hiện bong bóng, tôi có nên chờ đợi để ra quyết định đầu tư?

Tất nhiên là không. Nếu đa dạng hóa danh mục đầu tư bằng việc cân bằng giữa thời gian đầu tư kỳ vọng và mức độ chấp nhận rủi ro, tốt nhất là không nên làm gì cả: không mua và không bán. Hãy quan sát.

Ngay cả những nhà đầu tư tài giỏi nhất trong việc lựa chọn cổ phiếu thì họ vẫn có sai lầm. Cố gắng xác định đáy và đỉnh của thị trường hay từng cổ phiếu là việc không thể.

Dựa trên số liệu nghiên cứu trong vòng gần 20 năm vừa qua thì 85% các quỹ đầu tư tương hỗ lớn nhất thế giới tạo ra lợi nhuận thấp hơn mức tăng của chỉ số S&P 500. Ví dụ, nếu bạn bán cổ phiếu Apple ở mức giá đỉnh 81,24 USD (sau chia tách) vào ngày 14/02/2020, bạn đã đánh mất cơ hội kiếm thêm 104% tính đến ngày 25/11/2021 vì cổ phiếu đã tăng lên đỉnh cao hơn rất nhiều ở mức 165,7 USD (sau chia tách).

Bất kỳ ai, cho dù tài giỏi nhất cho rằng mình có thể dự đoán được đỉnh và đáy của thị trường, đều là nói dối và ảo tưởng. Lựa chọn cổ phiếu tốt và đầu tư dài hạn là lời khuyên cơ bản và tốt nhất cho mọi nhà đầu tư, bao gồm cả nhà đầu tư chuyên nghiệp lớn tới nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ.

Nắm giữ cổ phiếu tốt trong điều kiện thị trường biến động, không nên mua hay bán là lời khuyên giá trị, đặc biệt cho những người không có nhiều kiến thức về tài chính. Việc định giá cổ phiếu đòi hỏi phải có kiến thức sâu về tài chính. Thực tế là ngay cả những người rất am hiểu, uyên bác về tài chính cũng không thể định giá chính xác giá trị cổ phiếu.

*Bài viết thể hiện góc nhìn của tác giả, một nhà phân tích tài chính tại Toronto, Canada.

Mai Tùng (từ Canada)

Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *