Chứng Khoán 18/05/2015 09:36

HSC: Dự thảo sửa đổi Nghị định 58 đã được trình lên Văn phòng Chính phủ

FICA - Nội dung vẫn gồm 2 điểm chính: nâng room cho lĩnh vực chứng khoán (chỉ áp dụng cho đối tác chiến lược) và đề xuất nới và quản lý room đối với các ngành thuộc diện hạn chế và không thuộc diện hạn chế.

Tại báo cáo phân tích mới phát hành, CTCP Chứng khoán TPHCM (HSC) đã cập nhật về những diễn biến mới nhất liên quan đến Nghị định 58 được kỳ vọng sẽ nới room cho nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) đối với nhiều cổ phiếu hiện đã hết dư địa (room).

Theo đó, HSC cho biết, sau khi có một số cuộc gặp với một số cơ quan hữu quan, HSC được biết dự thảo Nghị định 58 đã được trình lên Văn phòng chính phủ được vài tuần với nội dung vẫn gồm 2 điểm chính (1) nâng room cho lĩnh vực chứng khoán (chỉ áp dụng cho đối tác chiến lược) và (2) đề xuất nới và quản lý room đối với các ngành thuộc diện hạn chế và không thuộc diện hạn chế.

Cả hai nội dung trên là những nội dung quan trọng của nghị định. Và nội dung thứ 2 đã gặp phải không ít khó khăn trong hơn một năm qua. Và nếu bỏ đi nội dung thứ 2 thì Nghị định 58 có lẽ sẽ chỉ còn là nghị định áp dụng cho lĩnh vực chứng khoán. Và trong trường hợp này ban hành một nghị định là không cần thiết vì Bộ Tài chính được phép ban hành Quyết định để quản lý hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán mà không cần phải trình cấp cáo hơn xem xét phê duyệt. Tuy nhiên HSC cho rằng Nghị định 58 có phạm vi rộng hơn thế.

Theo HSC, nội dung của dự thảo mới nhất có lẽ sát với nội dung của dự thảo đã được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi vài tháng trước; trước khi gửi Bộ Tư pháp để lý ý kiến. Trên thực tế không thể biết chắc nội dung hiện nay có thay đổi gì so với dự thảo đã được đưa ra lấy ý kiến trước đây hay không; nhưng có vẻ là không.

Tuy nhiên việc thiếu văn bản hỗ trợ về các lĩnh vực thuộc diện hạn chế và không thuộc diện hạn chế vẫn là rào cản chính – đây vẫn là vấn đề chính. Có vẻ trước Nghị định 58, cần có một nghị định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) quy định về các lĩnh vực thuộc diện hạn chế và không thuộc diện hạn chế. Và Bộ KHĐT đã và đang xây dựng một nghị định như vậy nhằm quy định toàn diện về các lĩnh vực thuộc diện hạn chế và không thuộc diện hạn chế; sẽ là Phụ lục của Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư mới nhằm quy định về toàn bộ các hoạt động đầu tư của NĐTNN.

Quy định về các lĩnh vực thuộc diện hạn chế và không thuộc diện hạn chế sẽ là nội dung chủ chốt trong nghị định của Bộ KHĐT hướng dẫn thực hiện luật đầu tư mới. Hiện Luật đầu tư mới (có hiệu lực từ 1/7) đã quy định về các lĩnh vực không thuộc diện hạn chế trong Phục lục 4. Tuy nhiên như thường thấy trong các luật, quy định này còn chung chung; chẳng hạn quy định không nêu rõ giới hạn tỷ lệ sở hữu cho mỗi lĩnh vực.

Do vậy, theo HSC, vẫn cần có nghị định đi kèm để quy định chi tiết về vấn đề này. Và theo đó Văn phòng chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ KHĐT và các bộ ngành hữu quan khác xây dựng danh sách các lĩnh vực và tỷ lệ sở hữu phù hợp của NĐTNN cho mỗi lĩnh vực.

Đến giữa tháng 6, Bộ KHĐT có lẽ sẽ xây dựng xong danh sách này. Về vấn đề này, Bộ KHĐT đã gửi công văn đến UBCKNN và nhiều bộ ngành khác (mỗi bộ ngành chủ quản một số lĩnh vực cụ thể) để yêu cầu xác định những lĩnh vực thuộc diện hạn chế theo quy định của luật quốc gia của Việt Nam và/hoặc các nghĩa vụ theo hiệp ước quốc tế.

Tuy nhiên, nhiều bộ ngành đã gặp phải khó khăn khi xây dựng danh sách những ngành thuộc diện hạn chế như:

- Thiếu thông tin chi tiết trong những văn bản pháp quy hiện hành – Một số luật và quy định của quốc tế có quy định về giới hạn sở hữu của NĐTNN ở một số lĩnh vực nhưng không đưa ra con số cụ thể.

- Một số ngành không có quy định cụ thể về giới hạn sở hữu của NĐTNN – Chẳng hạn như ngành sản xuất và hàng tiêu dùng. Điều này cho thấy NĐTNN có thể được phép sở hữu 100% vốn của các công ty trong những ngành này. Tuy nhiên các bộ ngành liên quan muốn áp dụng giới hạn sở hữu của NĐTNN cho những ngành này vì có tỷ trọng lớn trong nền kinh tế.

- Phát sinh vấn đề về phân loại ngành đối với các doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực – Khi xin giấy phép kinh doanh, nhiều công ty thường liệt kê nhiều lĩnh vực tham gia. Điều này làm phát sinh vấn đề về phân loại ngành. Và theo đó nhiều doanh nghiệp có thể cùng lúc được liệt vào cả lĩnh vực thuộc diện hạn chế và không thuộc diện hạn chế. Và đây là một vấn đề nan giải.

Theo nhận định của HSC, rõ ràng là Bộ KHĐT và UBCKNN muốn hoàn thiện danh sách các lĩnh vực thuộc diện hạn chế và không thuộc diện hạn chế càng sớm càng tốt. Và trên thực tế các nghĩa vụ theo hiệp ước quốc tế cũng đòi hỏi phải xây dựng danh sách này. Do vậy vấn đề vượt quá phạm vi nới room cho các doanh nghiệp niêm yết. Và cần phải có những quy định rõ ràng nếu Việt Nam muốn tiếp tục thu hút vốn đầu tư trực tiếp.

Theo HSC, do những thách thức trong việc xây dựng danh sách các lĩnh vực thuộc diện hạn chế và không thuộc diện hạn chế, nên có lẽ sẽ cần có thêm thời gian. Trong trường hợp một số ngành, có thể sẽ cần phải điều chỉnh một số luật, theo đó bổ sung các nội dung liên quan đến room dành cho NĐTNN trong các ngành này. Đặc biệt là với những ngành chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế.

Với những lĩnh vực luật của Việt Nam hay nghĩa vụ theo hiệp ước quốc tế chưa quy định cụ thể giới hạn tỷ lệ sở hữu của NĐTNN, thì các bộ ngành hữu quan có lẽ sẽ phải ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể. Và tất cả những điều này cần có thời gian.

Hiện HSC nghi ngờ về khả năng thông qua Nghị định 58 trước khi tất cả các công việc chuẩn bị trên đây hoàn tất. Và dựa trên tất cả những gì mà HSC được biết thì khả năng này là không có. Và mọi việc sẽ phải được thực hiện theo một thứ tự nhất định; và trong thứ tự này Nghị định 58 là mắt xích cuối cùng. Và do đó, để Nghị định 58 được thông qua trong năm nay thì còn rất nhiều việc cần phải làm.

Mai Chi

Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *