Chứng Khoán 22/04/2015 07:16

Hãy cứ nới room, nhưng đó không phải là tất cả

Trong khi nhiều chủ thể trên TTCK khẳng định, giải pháp duy nhất để hút vốn ngoại là nới room đến 100% với những DN không thuộc ngành nghề bị hạn chế đầu tư thì ông Lê Hải Trà, ủy viên HĐQT, Phó tổng giám đốc thường trực Sở GDCK TP. HCM cho rằng, có nhiều giải pháp khác có thể làm sớm trong khi chờ nới room để hấp dẫn dòng vốn ngoại.

Một trong những vấn đề nóng đang được nhiều bộ, ngành xem xét và nhiều NĐT chờ đợi là kỳ vọng Chính phủ sẽ nới rộng không gian đầu tư (room) đến 100% cho NĐT ngoại. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Thị trường đang kỳ vọng việc Chính phủ sẽ thông qua dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 58/2012/NĐ-CP, trong đó điểm mới nổi bật là quy định tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài tại DN đại chúng (trừ một số ngành nghề đặc biệt) sẽ do Điều lệ công ty quy định. Điểm mới này vẫn đang ở dạng dự thảo và rất cần cho TTCK, nhưng nếu nhìn việc Chính phủ phải nhất thiết nới room đến 100% mới có thể thu hút được vốn ngoại vào DN, vào TTCK Việt Nam là không chuẩn xác.

Ông Lê Hải Trà
 

Thực tế, nhiều NĐT tài chính nước ngoài, đặc biệt là các quỹ ETF ngoại không cần quyền mua để sở hữu cổ phiếu tại DN đến 100% vốn, hay quyền biểu quyết tại DN, họ chỉ cần được giao dịch cổ phiếu không hạn chế và hưởng các lợi ích tài chính từ việc đầu tư này. Những NĐT này không cần quyền biểu quyết tại DN, vì thế, tại nhiều TTCK lớn họ đã phát triển những sản phẩm mới, công cụ đầu tư mới phù hợp với khẩu vị của khối ngoại như sản phẩm NVDR (điển hình là Thái Lan) hay cổ phiếu hạn chế quyền biểu quyết (điển hình là Malaysia).

Tại các TTCK này, thanh khoản trên TTCK lớn gấp hàng chục lần TTCK Việt Nam, các DN niêm yết, kể cả những DN chịu giới hạn về room và NĐT ngoại có đủ công cụ để đáp ứng nhu cầu của nhau qua thị trường.

Việt Nam có nên mở ra một cơ chế mới đáp ứng nhu cầu của NĐT ngoại tại chính những DN hết room và HOSE đã làm gì để thúc đẩy việc này?

Thực tế, ngay tại những nước có nền kinh tế phát triển như Nhật Bản, vẫn có những DN thuộc ngành nghề đặc thù (hàng không, truyền thông…), khối ngoại chỉ được sở hữu theo một tỷ lệ nhất định. Ở Việt Nam, ngoài những DN kỳ vọng Chính phủ sẽ nới room đến 100%, sẽ còn nhiều DN khác chịu khống chế tỷ lệ sở hữu khối ngoại trên thị trường. Cách ứng xử của Việt Nam, theo tôi, là ngoài việc nới room, rất cần tạo nên một cơ chế mới để đáp ứng nhu cầu của NĐT tại chính những DN bị hạn chế về room.

Tại HOSE, từ năm 2014, HOSE đã xây dựng đề án phát triển sản phẩm mới, trong đó có NVDR tại Việt Nam, trình lên UBCK và Bộ Tài chính. Hiện chúng tôi đang nỗ lực làm việc với các luật sư để xem xét chặt chẽ vấn đề pháp lý, nhưng tôi cho rằng, không chỉ là NVDR, chúng ta cần học hỏi cách làm của Nhật Bản, Malaysia hay các TTCK tiên tiến khác để chọn ra một cách làm khả thi và hiệu quả cho Việt Nam.

Vậy theo ông, đâu là điểm vướng mắc nhất về pháp lý để triển khai giải pháp trên?

Điểm khúc mắc nhất chính là tư duy đã là cổ phiếu phổ thông thì người sở hữu phải có quyền biểu quyết. Pháp luật Việt Nam cần thừa nhận một thực tế là nhiều NĐT nước ngoài muốn nắm giữ cổ phiếu chỉ để hưởng các lợi ích tài chính (cổ tức, giá tăng, quyền mua cổ phiếu mới), mà không quan tâm đến quyền biểu quyết tại DN. Đó là nhu cầu thực và ngày càng thực hơn, nhất là với các quỹ ETF ngoại và vấn đề của Việt Nam là làm sao để chúng ta thu hút được dòng tiền từ các NĐT này.

Tôi cho rằng, khung khổ pháp luật Việt Nam nên cho phép những NĐT ngoại không quan tâm đến quyền biểu quyết, được tự nguyện từ bỏ quyền biểu quyết để từ đây, cho phép họ được mua để nắm giữ không hạn chế cổ phiếu tại DN trên sàn.

Một vấn đề khác là xây dựng nguyên tắc xác định quyền biểu quyết của NĐT nước ngoài khi đối tượng này mua vượt quá tỷ lệ được phép. Theo cách làm của Malaysia, tại ngày chốt quyền họp ĐHCĐ, Sở GDCK sẽ giúp các DN xác định thời gian thực mua cổ phiếu của khối ngoại trên hệ thống của Sở để xác định đối tượng có quyền biểu quyết và không có quyền biểu quyết. Tôi cho rằng, vấn đề kỹ thuật này hoàn toàn có thể xử lý được tại HOSE.

Cải tiến để tăng cạnh tranh và hội nhập là việc các Sở GDCK trên thế giới phải làm và Việt Nam cũng không thể “riêng một góc trời” được. Trong nỗ lực này, Việt Nam nên làm gì để không tụt hậu, thưa ông?

Có rất nhiều việc chúng ta phải làm để nâng cấp TTCK Việt Nam, như cải tiến về công nghệ, sản phẩm, pháp lý… Cùng với đó, điều quan trọng nhất, theo tôi, chính là phải đổi mới tư duy trong việc thu hút các dòng vốn lớn vào thị trường. Như tôi vừa nói, Việt Nam cần tạo nên một cơ chế mới, đáp ứng tốt hơn nhu cầu nắm giữ cổ phiếu của khối ngoại. Cách làm của nhiều TTCK như Malaysia, Thái Lan hay Nhật Bản là rất đáng tham khảo cho Việt Nam.

Theo Tường Vi thực hiện
ĐTCK
Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *