Chứng Khoán 08/03/2015 12:31

Giọt nước mắt hạnh phúc của Chủ tịch HNX

Tháng 11 năm 2003, tôi được Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) điều động làm Giám đốc Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.

Mặc dù có thời gian khá dài làm thư ký giúp việc cho ông Lê Văn Châu, người thầy và là vị Chủ tịch đầu tiên của UBCK, sau đó là thời gian làm việc tại Văn phòng Ủy ban giúp tôi tích lũy kiến thức và kinh nghiệm trong tổ chức và điều hành thị trường, tôi và các đồng nghiệp vẫn không khỏi lo lắng trước một núi công việc và những khó khăn vô hình.

Khi đó, ngay trong các đồng chí lãnh đạo cấp cao cũng còn nhiều ý kiến băn khoăn về vai trò và hiệu quả của TTCK ở Việt Nam. 

Khó khăn ban đầu

Khi đó, TTCK mới có khoảng 20 DN niêm yết và chưa có DN nào phát hành tăng vốn. Thêm nữa, mô hình hoạt động cho Trung tâm GDCK Hà Nội còn chưa ngã ngũ, thậm chí khi đó còn nhiều ý kiến cho rằng, đã có Trung tâm GDCK TP. HCM, nên việc ra đời Trung tâm GDCK Hà Nội là không cần thiết.

Cũng chính thời điểm đó, tập thể Lãnh đạo UBCK vẫn quyết tâm mở Trung tâm GDCK Hà Nội với một hướng đi riêng, hướng theo mô hình thị trường phi tập trung dành cho các doanh nghiệp chưa niêm yết, nhằm thử nghiệm một cơ chế mới để phát triển TTCK Việt Nam.

Hai câu hỏi cứ lơ lửng trong đầu chúng tôi khi đó là lấy đâu ra hàng để mở cửa thị trường và làm sao để có được một hệ thống công nghệ tin học phù hợp, đáp ứng mô hình ban đầu cũng như mô hình phát triển trong tương lai của HNX.

Trong tòa nhà số 2 Phan Chu Trinh lúc bấy giờ, chúng tôi đã có những trải nghiệm không thể nào quên, không chỉ với quá trình lựa chọn giải pháp, xây dựng hệ thống, xây dựng công nghệ giao dịch và tạo hàng hóa cho thị trường, mà còn chứng kiến những đường hướng, tư tưởng lớn của các cấp lãnh đạo có tính quyết định đến sự ra đời và phát triển sau này của HNX.

Hệ thống công nghệ là xương sống trong hoạt động của bất kỳ TTCK nào, nhưng việc có được nó và vận hành được nó không bao giờ là vấn đề đơn giản, nhất là khi cả hai vấn đề cốt lõi là mô hình hoạt động và kinh phí đều chưa được xác định rõ ràng.

Năm 2003, UBCK sau khi cân nhắc đã quyết định để HNX đấu thầu, tìm kiếm một đơn vị trong nước thực hiện xây dựng và triển khai hệ thống tin học. Đây là vấn đề quá mới và quá khó, bắt buộc cán bộ của HNX phải tự nghiên cứu các bài toán liên quan và phối hợp cùng nhà thầu thực hiện, đặc biệt trong bối cảnh kinh phí hạn hẹp, cơ sở vật chất thiếu thốn. 

Bắt tay với FPT

Lãnh đạo HNX sau khi họp bàn đã đi đến thống nhất xin xây dựng hệ thống phần mềm theo hướng: áp dụng song song cả phương thức giao dịch thỏa thuận lẫn phương thức khớp lệnh liên tục trong toàn bộ phiên giao dịch.

Lúc đó, chúng tôi gọi phương thức giao dịch mới này là giao dịch báo giá cho gần gũi và dễ hiểu, các lệnh giao dịch khi đã nhập vào hệ thống sẽ được khớp lệnh ngay nếu có các lệnh đối ứng trên hệ thống thỏa mãn về mức giá giao dịch. Đây là một thay đổi khá táo bạo, vì thay đổi tư duy tổ chức thị trường tiệm cận hơn với thông lệ quốc tế sẽ làm cho công việc thiết kế, xây dựng hệ thống khó khăn, mất nhiều thời gian và công sức hơn.

Đơn vị xây dựng phần mềm được lựa chọn là FPT. Họ có phần ngỡ ngàng khi HNX đề nghị thay đổi bài toán của hệ thống giao dịch, bởi bài toán khớp lệnh liên tục khó hơn nhiều, trong khi họ chưa nghiên cứu thấu đáo, hơn nữa chúng tôi lại yêu cầu không được tăng kinh phí. Sau mấy ngày thảo luận căng thẳng, anh Dương Dũng Triều, Giám đốc Trung tâm Giải pháp phần mềm (FIS) - FPT nói một câu ngắn gọn: “Nhất trí, FPT chấp nhận cùng Hà Nội chiến đấu vì màu cờ sắc áo”.

Chúng tôi thống nhất chia nhóm phát triển phần mềm thành 4 tổ phụ trách các mảng công việc liên quan, bao gồm: giao dịch, giám sát giao dịch, thông tin thị trường và lưu ký, thanh toán bù trừ. Mỗi tổ gồm một số cán bộ nghiệp vụ của HNX để ra đầu đề bài toán và một cán bộ tin học để làm “trung gian hòa giải” với các kỹ sư của FPT. Chúng tôi cũng đề nghị FPT phân chia các đội kỹ sư chuyên trách tương ứng và cho toàn bộ đội phát triển phần mềm đến làm việc tại HNX để tiện cho việc phối hợp. Sau đó, công việc và con người quyện vào nhau, anh em chuyên môn biết thêm về tin học, các kỹ sư tin học biết rõ về chuyên môn, tất cả đều hướng tới một mục tiêu chung.

Mùa hè năm 2004 là quãng thời gian không thể nào quên đối với chúng tôi, anh em làm việc không kể ngày đêm dưới cái nóng hầm hập. Cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ hình ảnh những kĩ sư mồ hôi nhễ nhại, những cặp mắt đỏ hoe và giọng nói khản đặc của anh em làm tin học sau những đêm miệt mài làm việc. Sau khoảng gần một năm liên tục như thế, hệ thống đã hoàn thành.

Song song với việc xây dựng hệ thống giao dịch là công tác tạo hàng. Chúng tôi tổ chức các đoàn công tác, làm việc với từng địa phương, từng tập đoàn kinh tế, tiếp cận với các doanh nghiệp để vận động, thuyết phục tham gia thị trường. Công tác này cũng vất vả không kém. 

Những giọt nước mắt hạnh phúc

Ngày 8/3/2005, Lễ khai trương HNX được tổ chức trọng thể. Hoạt động đầu tiên trong ngày khai trương là tổ chức đấu giá bán cổ phần của Nhà máy Thiết bị bưu điện. Đây là lần đầu tiên một DNNN thực hiện việc bán cổ phần lần đầu ra bên ngoài thông qua HNX.

Từ đó trở đi, hình ảnh về các cuộc đấu giá lớn được tổ chức đồng thời tại cả hai Trung tâm GDCK và được truyền hình trực tiếp bắt đầu quen thuộc với nhà đầu tư trong cả nước. HNX một mặt duy trì các hoạt động đấu giá, mặt khác tiếp tục chuẩn bị cho ngày ra đời của thị trường truyền thống.

Ngày 14/7/2005 được chọn để HNX mở sàn thứ cấp với 6 doanh nghiệp được đăng ký giao dịch. Với quan điểm thận trọng, lãnh đạo UBCK cho phép HNX mở cửa thị trường một tuần ba phiên và chỉ áp dụng hệ thống giao dịch thỏa thuận. Sự đón nhận của công chúng đầu tư khá dè dặt, nhưng hoạt động giao dịch diễn ra suôn sẻ, do đó lãnh đạo UBCK cho phép HNX đưa hệ thống khớp lệnh liên tục vào hoạt động.

Sáng 2/11/2005, cả HNX gần như nín thở. Đây là ngày đầu tiên hệ thống phần mềm giao dịch chứng khoán của HNX chạy đầy đủ cả hệ thống giao dịch thỏa thuận và hệ thống giao dịch khớp lệnh liên tục. Nếu hệ thống chạy bình thường, HNX sẽ tồn tại, nếu không, công lao nhọc nhằn của cả tập thể bị đổ xuống sông, xuống biển. Sáng hôm ấy, tất cả anh em liên quan đều tập trung ở phòng máy chủ, sàn giao dịch thứ cấp hoặc chờ đợi ở sàn đấu giá bên ngoài. Từng thao tác được thực hiện cực kỳ cẩn thận…

Giờ G đã tới, tôi nhắm mắt lại, nghe ngóng và không thấy âm thanh gì lạ, tôi cảm nhận được thế là hệ thống đã chạy suôn sẻ. Có ai đó vỗ nhẹ lên vai tôi, rồi từng cái bắt tay ấm áp. Không có tiếng vỗ tay chúc mừng, vì anh chị em vẫn chăm chú theo dõi từng biến động trên các màn hình.

Khi phiên giao dịch khép lại mà không một sai sót, niềm vui như vỡ òa. Tôi chợt nhận ra nhiều cặp mắt đỏ hoe, không phải do làm việc thâu đêm, mà vì không kìm được những giọt nước mắt sung sướng. Ở góc khuất giữa phòng máy chủ và sàn giao dịch thứ cấp, một vài cán bộ, nhân viên nữ vội quay mặt vào tường, bờ vai rung rung. Cả lãnh đạo HNX cũng có nhiều người đã khóc. Khóc vì quá sung sướng, quá hạnh phúc khi bao mồ hôi nước mắt, bao công sức nhọc nhằn của cả một đội ngũ gần hai năm trời đã có kết quả: hệ thống giao dịch chứng khoán đầu tiên ở Việt Nam do họ dày công xây dựng đã được hiện thực hóa. 

Niềm tin vững chắc

Cái ngày ấy cách đây đã 10 năm. 10 năm qua, HNX chứng kiến biết bao thay đổi. Từ cơ sở cũ kĩ ban đầu, nay đã trở thành một Sở GDCK với ba thị trường hoạt động hiệu quả, trong đó thị trường niêm yết với gần 370 doanh nghiệp, một thị trường dành cho công ty đại chúng chưa niêm yết với trên 170 doanh nghiệp đăng ký giao dịch và một thị trường trái phiếu chính phủ với quy mô niêm yết tương đương 17,55% GDP năm 2014.

Hệ thống giao dịch cổ phiếu đã nhiều lần được nâng cấp để đáp ứng sự tăng trưởng mạnh về hệ thống thành viên và quy mô giao dịch, bên cạnh hai hệ thống giao dịch cho thị trường UPCoM và thị trường trái phiếu chính phủ mới. Điều quan trọng hơn cả, cả hai Sở GDCK (HNX và HOSE) đã phát triển, TTCK Việt Nam phát huy được hiệu quả, thực sự trở thành kênh huy động vốn của doanh nghiệp, Chính phủ và là kênh đầu tư được đông đảo công chúng quan tâm.

Chúng tôi không còn phải mở những chiến dịch “tạo hàng” nữa, mà đã được trở về với công việc truyền thống của một Sở GDCK và tiếp tục hoạch định những sản phẩm mới, đề án mới cho tương lai.

Những cán bộ trẻ của HNX thời đó nay đã trở thành những cán bộ già dặn, bản lĩnh trong công việc. Tất cả chúng tôi đều coi quãng đường gian khó chuẩn bị ra đời HNX là những trải nghiệm khó quên, là điểm tựa để vượt qua những khó khăn gặp phải trong quá trình phát triển sau này.

10 năm qua là 10 năm xây nền vững chắc cho ngôi nhà HNX. Đây cũng là cơ sở để tin tưởng những năm tiếp theo sẽ có những bước phát triển mới bền vững và đầy thú vị của TTCK Việt Nam.

Ông Lê Văn Châu, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam,nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Ngoài trụ sở, HNX lúc đầu còn khó khăn cả về mặt tổ chức và hàng hóa. Tuy nhiên, do ra đời sau HOSE nên rút được kinh nghiệm, lúc đầu cũng có thị trường cổ phiếu niêm yết rồi mới mở rộng dần sang UPCoM, trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp…

Những năm qua, HNX đã có đóng góp lớn, giúp doanh nghiệp, đặc biệt là Chính phủ huy động vốn với khối lượng rất lớn. Bên cạnh đó, Sở luôn nỗ lực phát triển các sản phẩm mới nhằm thu hút NĐT trong và ngoài nước tham gia thị trường.

Với đà phát triển và kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định, thị trường tài chính đa dạng, tôi tin thị trường vốn sẽ ngày càng hoàn thiện và phát triển.

Tôi tin tưởng, với sự lãnh đạo của Bộ Tài chính, trực tiếp là UBCK và đội ngũ lãnh đạo chủ chốt hiện nay, mọi người đồng lòng, sáng tạo trong hoạt động kinh doanh, HNX sẽ tiếp tục đóng góp hiệu quả hơn cho DN, cho các NĐT, cho đất nước.

 
Trần Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc HNX
Theo ĐTCK
Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *