• -
Chứng Khoán 13/09/2014 10:42

EU trừng phạt “cứng rắn chưa từng thấy” với Nga, chứng khoán lại chao đảo

Phố Wall sau khi lập đỉnh cuối tuần trước đã chịu áp lực chốt lời trong tuần này.

EU trừng phạt “cứng rắn chưa từng thấy” với Nga, chứng khoán lại chao đảo

Phố Wall có tuần giảm điểm khá mạnh - Ảnh: Reuters

 

(ĐTCK) Việc EU đưa ra các biện pháp trừng phạt được cho là “cứng rắn chưa từng thấy” với Nga, cùng những mối lo về phong trào đòi ly khai ở châu Âu và lo lắng FED tăng lãi suất khiến chứng khoán toàn cầu giảm điểm trong phiên cuối tuần.
 
Phố Wall sau khi lập đỉnh cuối tuần trước đã chịu áp lực chốt lời trong tuần này. Ngoài áp lực chốt lời, chứng khoán Mỹ cũng chịu tác động từ lo ngại về khả năng FED sẽ tăng lãi suất sớm hơn dự kiến, cũng như tác động của nhóm cổ phiếu năng lượng, có tuần lao dốc cùng với giá dầu.
 

Ngoài ra, việc lo ngại FED thắt chặt chính sách tiền tệ khiến lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng mạnh, làm tăng chi phí đi vay của Mỹ và qua đó ảnh hưởng đến nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

 

Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị gia tăng khi Mỹ, cùng Liên minh châu Âu (EU) gia tăng các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga xung quanh cuộc khủng hoảng Ukraine, bất chấp các bên xung đột ở Ukraine đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn.

 

Việc phương Tây gia tăng lệnh trừng phạt kinh tế với Nga làm gia tăng thêm căng thẳng Đông - Tây. Nga lên tiếng sẽ trả đũa và cho rằng, lệnh trừng phạt này sẽ khiến lệnh ngừng bắn ở Ukraine có thể bị phá vỡ. Chính những lo ngại trên, cùng với việc Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố cuộc chiến chống lại phiến quân nhà nước hồi giáo tự xung (IS) ở Iraq và Syria đã khiến phố Wall có tuần giảm điểm khá mạnh.

 

Kết thúc phiên 12/9, chỉ số Dow Jones giảm 61,49 điểm (-0,36%), xuống 16.987,51 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 11,91 điểm (-0,60%), xuống 1.985,54 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 24,21 điểm (-0,53%), xuống 4.567,60 điểm.

 

Trong tuần, chỉ số Dow Jones giảm 0,87%, chỉ số S&P 500 giảm 1,10% và chỉ số Nasdaq giảm 0,33%.

 

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, chứng khoán Anh mở cửa tăng mạnh trong phiên cuối tuần, tuy nhiên sau đó, nhà đầu tư đã dần bán ra khi không muốn đặt cược cuộc trưng cầu dân ý về việc tách ra khỏi Vương quốc Anh của Scotland vào giữa tuần tới. Trong khi đó, chứng khoán Đức nhanh chóng đảo chiều từ đầu phiên và chìm trong sắc khi chốt phiên khi phương Tây đưa ra biện pháp trừng phạt kinh tế “cứng rắn chưa từng thấy” đối với Nga và Nga lập tức đưa ra lời đe dọa trả đũa.

 

Hiện Đức có 6.200 doanh nghiệp đang đầu tư vào Nga với tổng vốn đầu tư hơn 20 tỷ euro, Đức cũng là quốc gia châu Âu tiêu thụ lượng khí đốt lớn nhất được cung cấp từ Nga với khoảng 36 tỷ euro nhập khẩu khí đốt từ Nga trong năm 2013, bằng 1/3 tổng lượng khí đốt Nga cung cấp cho EU. Vì vậy, một khi Nga đưa ra các biện pháp trả đũa, trong đó không loại trừ khả năng ngưng cấp khí đột cho châu Âu, thì kinh tế Đức sẽ chịu thiệt hại nặng.

 

Ngoài ra, chứng khoán châu Âu cũng thêm mối lo lớn với phong trào ly khai. Tiếp theo Scotland muốn ly khai khỏi Vương quốc Anh, một thông tin rung chuyển khác khoảng gần 2 triệu người dân xứ Catalonia đã xuống đường biểu tình ủng hộ tổ chức trưng cầu dân ý về việc ly khai khỏi Tây Ban Nha.

 

Kết thúc phiên 12/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 7,34 điểm (+0,11%), lên 6.806,96 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 40,15 điểm (-0,41%), xuống 9.651,13 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 3,29 điểm (-0,07%), xuống 4.441,70 điểm. Trong tuần, chỉ số FTSE 100 giảm 0,70%, chỉ số DAX giảm 0,98%, chỉ số CAC 40 giảm 1,00%.

 

Chứng khoán châu Á tiếp tục có sự trái chiều trong phiên cuối tuần. Trong khi chứng khoán Nhật Bản có phiên tăng thứ 5 liên tiếp lên mức cao nhất 8 tháng nhờ được hưởng lợi từ việc đồng yên giảm xuống mức thấp nhất 6 năm so với đồng USD, thì chứng khoán Hồng Kông lại có tuần giảm tồi tệ nhất trong 6 tháng khi giới đầu tư lo ngại về dữ liệu kinh tế Trung Quốc.

 

Kết thúc phiên 12/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 39,09 điểm (+0,25%), lên 15.948,29 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 67,32 điểm (-0,27%), xuống 24.595,32 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc đại lục tăng 20,27 điểm (+0,88%), lên 2.331,95 điểm.

 

Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,78%, chỉ số Hang Seng giảm 2,55%, chỉ số Shanghai Composite tăng 0,24%.

 

Việc giới đầu tư đánh cược vào khả năng FED sẽ tăng lãi suất sớm hơn dự kiến khiến đồng USD có tuần tăng thứ 9 liên tiếp so với đồng euro và đứng ở mức cao nhất 6 năm so với đồng yên. Chính yếu tố này đã khiến vàng giảm trong phiên cuối tuần, bất chấp căng thẳng địa chính trị gia tăng.

 

Cũng do nguyên nhân đồng USD tăng cao, nên vàng có tuần giảm thứ 2 liên tiếp với biên độ giảm mạnh hơn nhiều so với tuần trước. Trong cuộc thăm dò cuối tuần trước, có 9 người dự đoán giá vàng sẽ giảm trong tuần này và 8 người dự báo giá kim loại quý này sẽ tăng, 5 người giữ quan điểm trung lập.

 

Kết thúc phiên 12/9, giá vàng giao ngay giảm 11,9 USD (-0,96%), xuống 1.228,30 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 giảm 7,5 USD (-0,61%), xuống 1.231,5 USD/ounce. Trong tuần, giá vàng giao ngay giảm 3,16%, giá vàng giao tháng 12 giảm 2,82%.

 

Trong cuộc thăm dò tuần này của Kitco, có 24 người  trong số 37 người được khảo sát trả lời về xu hướng của giá vàng tuần tới. Trong đó, chỉ có 5 người lạc quan về xu hướng tăng của giá vàng trong khi có tới 18 người dự đoán giá vàng sẽ giảm và 1 người cho rằng giá kim loại quý sẽ đi ngang. Tham gia cuộc khảo sát thị trường bao gồm các đại lý vàng, ngân hàng đầu tư, nhà đầu tư vàng tương lai và các nhà phân tích kỹ thuật.

 

Tương tự giá vàng, giá dầu cũng nhanh chóng quay đầu giảm giá chỉ sau 1 phiên hồi phục do đồng USD tăng mạnh và cũng chứng kiến tuần giảm thứ 2 liên tiếp.

 

Kết thúc phiên 12/9, giá dầu thô Mỹ giảm 0,56 USD (-0,61%), xuống 92,27 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,97 USD (-1,00%), xuống 97,11 USD/thùng. Trong tuần, giá dầu thô Mỹ giảm 1,09%, giá dầu thô Brent giảm 3,68%.

Theo T.Lê

ĐTCK

Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *