Chứng Khoán 14/12/2022 10:14

Dự thảo sửa đổi Nghị định 65: 4 điểm mới để "cứu" trái phiếu doanh nghiệp, chuyên gia nói "là tin tốt"

Theo chuyên gia, giải pháp đưa ra sẽ giúp tăng khả năng phát hành thành công trái phiếu, đặc biệt là với các doanh nghiệp bất động sản; đồng thời ảnh hưởng tích cực lên thị trường cổ phiếu.

Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 65 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến. Các chuyên gia nhận định, những giải pháp được Bộ Tài chính đưa ra giúp doanh nghiệp phát hành "dễ thở" hơn để bước qua giai đoạn khó khăn hiện tại và hy vọng dự thảo sớm được thông qua để thị trường trái phiếu phục hồi ngay trong năm 2023 tới.

Các điều kiện khó được lùi thời hạn

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia - cho rằng các điều kiện khó đáp ứng và cần thời gian để thị trường thích nghi, được lùi thời gian áp dụng sang năm 2024, phù hợp với tình hình thị trường trái phiếu hiện tại. 

Ông đưa ra quan điểm, nếu đề xuất hoãn nâng chuẩn nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp 1 năm được thông qua, nhà đầu tư cá nhân sẽ có thêm thời gian chuẩn bị cho tiềm lực tài chính. "Đặc biệt trong bối cảnh thanh khoản khó khăn, việc này rất cấp thiết", ông Nghĩa nói.

Nghị định 65 quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đảm bảo danh mục nắm giữ có giá trị trung bình 2 tỷ đồng tối thiểu trong 180 ngày, không bao gồm tiền đi vay. Nếu không lùi thêm thời gian, theo ông Nghĩa, quy định này có thể làm giảm số lượng nhà đầu tư chuyên nghiệp, vô tình dẫn đến giảm cầu trên thị trường. Trong khi đó, các vụ việc xử lý vi phạm trên thị trường thời gian qua như Tân Hoàng Minh, Tân Hiệp Phát… đã giúp người dân nâng cao ý thức, hạn chế việc mua trái phiếu chỉ vì lãi suất cao mà không quan tâm đến những rủi ro khi sở hữu.

Đề xuất 4 điểm mới để "cứu" trái phiếu doanh nghiệp (Ảnh: Mạnh Quân).

Bên cạnh đó, ông đánh giá việc lùi thời hạn bắt buộc xếp hạng tín nhiệm thêm một năm được Bộ Tài chính đưa ra cũng sẽ giúp giảm điều kiện phát hành cho các doanh nghiệp.

Nghị định 65 yêu cầu từ ngày 1/1/2023, các doanh nghiệp có tổng giá trị trái phiếu huy động trong 12 tháng lớn hơn 500 tỷ đồng và lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu hoặc tổng dư nợ trái phiếu lớn hơn 100% vốn chủ sở hữu phải có kết quả xếp hạng tín nhiệm. Việc lùi quy định này tới đầu năm 2024 như đề xuất trong dự thảo sửa đổi, theo ông Nghĩa, sẽ giúp các doanh nghiệp có thêm thời gian để đáp ứng các tiêu chí về xếp hạng tín nhiệm. "Doanh nghiệp cũng sẽ đỡ mất một khoảng thời gian nhất định và không tăng thêm chi phí", ông nói.

Tăng khả năng thành công việc phát hành trái phiếu trong năm tới

Theo ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần AzFin Việt Nam - tổ chức chuyên về tài chính - cũng nhận định dự thảo trên sát với tình hình thực tế.

Ông Phục đánh giá nếu không lùi thời gian áp dụng các nội dung trên sang năm 2024 mà áp dụng sớm thì phía doanh nghiệp sẽ "không kịp trở tay". "Các nhà đầu tư quốc tế cũng sẽ khó khăn trong việc chuẩn bị để đầu tư vào thị trường Việt Nam", ông nói và cho rằng cả phía doanh nghiệp và nhà đầu tư trái phiếu sẽ khó "nhúc nhích" được trên thị trường nếu không được thông qua các giải pháp trong dự thảo lần này.

Dự thảo của Bộ Tài chính lần này được đánh giá sát với tình hình thực tế (Ảnh: Tiến Tuấn).

Các chuyên gia tài chính cũng chỉ ra nếu dự thảo được thông qua thì sẽ tác động tích cực đến tâm lý nhà đầu tư và chủ doanh nghiệp. "Đặc biệt, đề xuất doanh nghiệp được kéo dài kỳ hạn trái phiếu đã phát hành thêm tối đa 2 năm, cũng góp phần làm phân tán khối lượng trái phiếu đáo hạn đạt đỉnh vào 2 năm tới", ông Phục nói.

Theo đó, đề xuất này tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát hành có thêm thời gian để chuẩn bị nguồn vốn cho các trái phiếu sẽ đáo hạn. "Doanh nghiệp sẽ không phải bán rẻ đi tài sản tốt của họ. Vừa rồi, một số doanh nghiệp bất động sản phải bán đi tài sản với giá trị bằng 30-50% giá trị thật", ông Phục cho hay.

Trong trường hợp dự thảo sớm được thông qua, phía doanh nghiệp và các công ty chứng khoán sẽ tăng khả năng thành công việc phát hành trái phiếu trong năm tới. Theo số liệu của Bộ Tài chính, đến cuối tháng 11, lượng trái phiếu phát hành đã giảm hơn 32% so với cùng kỳ năm 2021, chỉ đạt 331.800 tỷ đồng.

(Biểu đồ: Thảo Thu).

Trưởng phòng phân tích và tư vấn đầu tư tại một công ty chứng khoán nhận định chính việc lùi thời hạn áp dụng quy định về thời gian phân phối trái phiếu về sau năm 2024 sẽ giúp tăng khả năng phát hành. Theo quy định hiện nay, thời gian phân phối trái phiếu là không quá 30 ngày từ lúc công bố thông tin, tổng thời gian chào bán trái phiếu thành nhiều đợt không quá 6 tháng từ ngày phát hành của đợt chào bán đầu tiên.

Ảnh hưởng tích cực đến các kênh đầu tư khác

Ông Lê Xuân Nghĩa cũng nhận định dự thảo được thông qua không chỉ ảnh hưởng tích cực lên thị trường trái phiếu doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng tích cực "lây" sang thị trường cổ phiếu.

Ngoài ra, ông cho rằng đây là "tin tốt" với các doanh nghiệp bất động sản. "Thị trường bất động sản chắc chắn sẽ tốt lên khi doanh nghiệp không phải bán bất động sản giá thấp để thu tiền trả nợ".

Theo ông, những doanh nghiệp này sẽ có thêm thời gian và nhiều lựa chọn hơn để cân đối dòng tiền, đảm bảo khả năng thanh toán cho trái chủ, từ đó có thể hạn chế khả năng vỡ nợ.

"Nếu Dự thảo được thông qua, chỉ trong vòng 1-2 quý tới, thanh khoản thị trường bất động sản sẽ phục hồi trở lại", ông nhấn mạnh.

Bộ Tài chính đưa ra 4 giải pháp "cứu" thị trường trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 65 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Cụ thể: 

1. Đề xuất hoãn nâng chuẩn nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp thêm một năm.

2. Lùi thời hạn bắt buộc xếp hạng tín nhiệm khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu khối lượng lớn thêm một năm.

3. Cho phép doanh nghiệp được kéo dài kỳ hạn trái phiếu đã phát hành thêm tối đa 2 năm.

4. Lùi thời hạn áp dụng quy định về thời gian phân phối trái phiếu về sau 2024.

Thảo Thu

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *