Chứng Khoán 09/11/2013 07:08

Doanh nghiệp phát hành trái phiếu: Có nên khuyến khích?

Có ý kiến cho rằng, trong điều kiện hiện nay thì không nên khuyến khích, luồng ý kiến khác lại bảo đó là xu thế tất yếu.

Các doanh nghiệp lớn đang đổ xô đi tìm vốn thông qua trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), tận dụng thực trạng khối ngân hàng tiếp tục dư thừa thanh khoản và mặt bằng lãi suất đang thấp kỷ lục. 

Muốn phát hành trái phiếu hiệu quả, DN phải minh bạch thông tin tài chính (ảnh Internet)

Trao đổi với VOV về thực trạng này, chuyên gia kinh tế, đại biểu Quốc hộiTrần Du Lịch cho rằng: “Trong tình hình hiện nay không khuyến khích trái phiếu DN. Vì toàn bộ tín dụng cơ bản đặt gánh nặng lên các NHTM khá lớn, đặc biệt là vốn trung và dài hạn phải thông qua thị trường vốn, cổ phiếu và trái phiếu”.

Quan điểm của ông Trần Du Lịch là làm sao có chính sách khuyến khích, kể cả chính sách thuế để tăng công cụ huy động trên thị trường vốn để tạo thị trường tài chính phát triển hài hòa giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ mà hiện nay đang đi khập khiễng. “Đấy là điểm mấu chốt hiện nay” – ông Lịch nhấn mạnh.

Cho rằng đây là một xu thế tất yếu của thị trường tài chính, ông Phùng Quốc Hiển – Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách cho rằng: “Trước đây các DN vốn chủ sở hữu chỉ có 15%, kể cả DNNN và ngoài nhà nước. Họ phụ thuộc 80% vào các khoản tín dụng của NH. Đây là xu thế phù hợp trong cơ chế thị trường mà các DN cần phải tăng cường việc cổ phần hóa để hút vốn của nhà đầu tư của tất cả các thành phần kinh tế, kể cả các tầng lớp dân cư”.

Theo ông Hiển, vay vốn bằng trái phiếu DN là hình thức được nhiều nước, nhiều DN trên thế giới đã làm để thu hút vốn. Nhưng trái phiếu khác với cổ phần. Đây là lượng vốn người ta đưa ra trong một khoảng thời gian rồi thu lại. “Quan trọng nhất là các DN phải làm minh bạch chuyện này, phải xác định phát hành trái phiếu để làm gì, hiệu quả ra sao và khả năng trả nợ thế nào. Các nhà đầu tư khi mua trái phiếu đều tính yếu tố hiệu quả. Còn chuyện nó ồ ạt hay không ồ ạt thì chúng ta chưa thể đánh giá được nhưng nó là xu thế. DN không thể chỉ dựa vào nguồn tín dụng của NH mà phải là cổ phần hóa. Phát hành TPDN là xu thế đúng, nhưng quan trọng nhất là sử dụng vốn như thế nào” – ông Hiển khẳng định.

Cái khó của DN muốn phát hành trái phiếu hiện nay chính là năng lực tài chính của DN đó. DN phải thể hiện sự tin cậy để người mua trái phiếu tin rằng khi mua TP đó họ không bị thua lỗ, mất khả năng thanh toán khi đến hạn. Nghĩa là DN phải minh bạch, công bố ra tôi làm cái gì. Nhà đầu tư phải tìm được DN hiệu quả để mua TP.

Về tính thanh khoản của các trái phiếu DN, theo ông Trần Du Lịch, còn tùy thuộc vào mức độ tín nhiệm của thị trường. TP có hai loại: một bảo đảm bằng tài sản của DN; có loại TP dựa trên tín chấp, mức độ đánh giá tín nhiệm của DN. Hai loại này có độ rủi ro khác nhau. Trên thực tế, theo thông lệ rủi ro khác nhau thì lãi suất khác nhau. Và chúng ta tạo một luật chơi trong thị trường vốn.

Thế nhưng, hiện tại ở Việt Nam lại chưa có tổ chức hay cơ quan nào đứng ra đánh giá mức độ tín nhiệm của DN. Theo ông Hiển, sau này không phải chỉ là tổ chức mà chúng ta cần một hệ thống tiêu chí pháp luật: mức độ thế nào, khả năng ra sao, vốn chủ sở hữu bao nhiêu… còn mức độ nào là báo động (đi mua bao nhiêu, phải trả thế nào, thu ra sao…) mà đến một giai đoạn nào thì phải báo động. Trong điều kiện hiện nay, có thể dựa vào một số chỉ số quan trọng sẵn có như kết luận của kiểm toán, thanh tra…

Ngân hàng mua trái phiếu DN lại thêm nợ xấu?

Hiện tại, phần lớn trái phiếu DN lại do NHTM mua vào, nhiều người lo ngại sẽ lại xảy ra chuyện “nợ chồng nợ”. Tuy nhiên, theo ông Lịch, “không vấn đề gì mà còn thuận tiện hơn cả việc DN phải làm các thủ tục đi vay ở NHTM, giống như chi phí trung gian, giống như một loại để tăng dòng tín dụng”.

Tuy nhiên, thận trọng hơn, ông Phùng Quốc Hiển lưu ý: Các NH cũng phải cân nhắc. Vì bản thân họ cũng là một nhà đầu tư và họ bỏ tiền đầu tư ở nhiều lĩnh vực khác nhau để tránh chuyện “bỏ trứng vào một giỏ”. Nhưng các NH cũng phải hạn chế việc mua lại trái phiếu của DN vì bản thân NH là người phải cho DN vay, bây giờ lại đi mua TP của DN thì không nên, phải cân nhắc. Pháp luật không cấm chuyện nay nhưng phải tính toán kỹ lưỡng.

Về băn khoăn, DN phát hành TP để đảo nợ, ông Lịch cho rằng: “Ở đây liên quan đến trách nhiệm đánh giá của NHTM, đảo nợ hay không đảo nợ. Trong trường hợp DN nợ xấu chồng chất mà phát hành TP mà NHTM tiếp tục mua là vấn đề khác. Đó là trách nhiệm của NHTM. “Tôi nghĩ rằng, nói vậy cũng phải xem xét cụ thể chứ NHTM không thể mạo hiểm ở mức độ DN nợ chồng chất, nợ xấu và phát hành TP rồi NHTM lại mua, nếu không có một “zíc zắc” nào đó thì rõ ràng không phải NHTM nào cũng làm như vậy” – ông Lịch khẳng định.

Việc lựa chọn DN có dự án tốt, có thị trường cũng là vấn đề đặt  ra khi lựa chọn trái phiếu DN. Ông Lịch cho rằng: “Uy tín của DN hoàn toàn do thị trường quyết định” và đưa ra lời khuyên: “Những DN niêm yết trên thị trường chứng khoán thì phát hành TPDN là minh bạch nhất”.

Tuy nhiên, thực tế minh bạch thông tin DN trên thị trường chứng khoán hiện nay còn nhiều điều nghi ngại. Có khi DN không muốn niêm yết nhưng vẫn phải niêm yết để phát hành được trái phiếu, huy động vốn.

Nhắc lại việc phải xem xét có “zíc zắc” gì đó giữa NHTM và DN, ông Lịch cho rằng, NHNN có nhiệm vụ kiểm tra việc chấp hành các qui định. Đó là phần tiêu cực phải thải loại. Còn nếu không tiêu cực thì phải khuyến khích.

Trong điều kiện hiện nay rất cần có một chính sách để phát huy thanh khoản và TPDN thực sự trở thành thị trường vốn, ông Lịch cho biết: “Trước đây, tôi có đề nghị nên khuyến khích DN phát hành trái phiếu thông qua thị trường vốn để tăng huy động trực tiếp. Ví dụ, trong luật thuế, áp dụng giao dịch chứng khoán thì nên có ưu đãi DN này. Chính sách thuế tập trung làm sao khơi dậy dòng vốn trực tiếp để giảm đi gánh năngj của NHTM, đặc biệt về vốn trung và dài hạn”.

Về tình hình vốn cho DN trong năm 2014, ông Lịch lo ngại sự cạnh tranh giữa TPCP với khoản tín dụng mà NHTM sẽ tăng cho các khu vực DN. “Ở đây có vấn đề là nếu như TPCP phát hành từ 8-8,5% /năm thì không có cơ hội giảm lãi suất cho DN, đó là điều cần lưu ý. NHNN cũng đã chia sẻ ý kiến này và tôi hy vọng sẽ có công cụ để xử lý khi mà đã được báo trước” – ông Lịch nói./.

Theo Vũ Hạnh
VOV

Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *