Chứng Khoán 02/12/2020 17:22

Đại gia "lên núi ở ẩn" vẫn dồn dập mua bán cổ phiếu

Tuyên bố đã "lên núi ở ẩn" và ít can thiệp công việc ở Tập đoàn Hoa Sen, tuy nhiên, đại gia Lê Phước Vũ và công ty riêng gần đây lại liên tục mua vào, bán ra cổ phiếu khi giá HSG tăng vùn vụt.

Cổ phiếu HSG trên vùng đỉnh giá

Sau khi bán thành công 30 triệu cổ phiếu HSG, Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen mới đây lại tiếp tục thông báo muốn bán thêm hơn 43,1 triệu cổ phiếu này.

Cụ thể, công ty riêng của ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoa Sen đã đăng ký bán ra trên 43,1 triệu cổ phiếu HSG và đây cũng là toàn bộ số cổ phần mà đơn vị này đang nắm giữ tại hãng tôn mạ lớn nhất nước.

Các giao dịch dự kiến được thực hiện từ 4/12/2020 đến 2/1/2021. Nếu thương vụ thành công Đầu tư Hoa Sen sẽ không còn là cổ đông của Tập đoàn Hoa Sen.

Đại gia lên núi ở ẩn vẫn dồn dập mua bán cổ phiếu - 1

Diễn biến cổ phiếu HSG

Đây là đợt bán ra cổ phiếu HSG lần thứ tư của Đầu tư Hoa Sen trong năm 2020. Trong ba lần thoái vốn trước đây, tổng cộng Đầu tư Hoa Sen đã bán ra 65 triệu cổ phiếu HSG. Trong khi đó, ông Lê Phước Vũ lại mua vào 20 triệu cổ phiếu HSG và nâng sở hữu tại Tập đoàn Hoa Sen lên mức 16,73%.

Chính bởi vậy, những hoạt động mua vào bán ra cổ phiếu HSG của ông Lê Phước Vũ và công ty riêng khiến nhiều người thấy khó hiểu.

Cổ phiếu HSG đạt đỉnh 19.100 đồng vào ngày 17/11, tăng 341% so với mức đáy hồi cuối tháng 3. Đến phiên hôm nay, cổ phiếu HSG bị chốt lời và giảm 2,18%. Thị giá HSG đang là 17.950 đồng và vẫn đang cao hơn đáy 314%.

Ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen từng tuyên bố trong thời gian 3 năm vừa qua (sau vụ Cà Ná), ông ít lên công ty mà chủ yếu ở trên núi, thỉnh thoảng thăm vợ con ở Úc. Hai tháng ông Vũ mới đến công ty 1 ngày và cũng chỉ trong vòng 1 giờ, nên mọi vấn đề hầu hết do ban lãnh đạo quán xuyến. "Hoa Sen không còn lệ thuộc vào Lê Phước Vũ" - vị đại gia ngành tôn thép nhấn mạnh.

Điều này thể hiện khá rõ qua kết quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Hoa Sen trong thời gian gần đây, tuy vắng bóng chủ tịch nhưng vẫn tăng mạnh.

Quý 4 niên độ tài chính 2019-2020 (từ 30/6-30/9), doanh thu Hoa Sen đạt 8.345 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 450 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 31% và 436% so với cùng kỳ.

Lũy kế niên độ tài chính 2019-2020 (từ ngày 1/10/2019 đến ngày 30/9/2020), doanh thu Hoa Sen đạt 27.534 tỷ đồng, xấp xỉ cùng kỳ niên độ trước trong khi lợi nhuận sau thuế lên tới 1.150 tỷ đồng, tăng 219%.

Dư nợ giảm, chi phí lãi vay giảm

Trong niên độ tài chính 2020-2021, Hoa Sen đặt mục tiêu tăng sản lượng tiêu thụ, doanh thu và lợi nhuận ròng 10% so với cùng kỳ. Công ty sẽ tiến hành đẩy mạnh bán hàng ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu.

Hoa Sen kỳ vọng sản lượng tiêu thụ tại thị trường nội địa sẽ tăng khoảng 10% trong niên độ tài chính 2020-2021.

Theo nhận định của các chuyên gia phân tích tại VDSC Research, nhu cầu từ các hoạt động xây dựng công nghiệp có thể tăng mạnh trong những năm tới do các công ty đa quốc gia dịch chuyển một phần cơ sở sản xuất sang Việt Nam. Tuy nhiên, dòng vốn FDI cũng đối diện trở ngại trong ngắn hạn do việc kiểm soát xuất nhập cảnh để phòng dịch.

Sản lượng xuất khẩu của Hoa Sen dự kiến sẽ tăng trưởng ở tốc độ tương đương với sản lượng tiêu thụ trong nước. VDSC Research dẫn lời của đại diện Hoa Sen cho hay, một số quốc gia đã đẩy mạnh đầu tư và xây dựng cơ sở hạ tầng sau đại dịch. Nhu cầu nhập khẩu tôn mạ theo đó được dự báo sẽ cao hơn.

Lượng đơn đặt hàng xuất khẩu của Hoa Sen trong quý 1 của niên độ tài chính 2020-2021 tương đối cao và đã đạt mức phân bổ sản lượng tối đa dành cho xuất khẩu. Do đó, sản lượng xuất khẩu dự kiến sẽ được duy trì hoặc tăng so với quý 4 niên độ tài chính 2019-2020.

Đại gia lên núi ở ẩn vẫn dồn dập mua bán cổ phiếu - 2

Hiện tại, biên lợi nhuận gộp xuất khẩu đạt 10% -12%, cao hơn so với những năm trước do tỷ trọng xuất khẩu sang các thị trường khó tính tăng. Rủi ro trong các đơn hàng xuất khẩu của Hoa Sen tương đối ít do công ty thường chốt giá bán trước khi giao hàng khoảng 1,5-2 tháng, và có thể mua nguyên liệu sau đó để sản xuất.

Cấu trúc tài chính của Hoa Sen đang trở nên bền vững hơn và chi phí lãi vay giảm đang hỗ trợ biên lợi nhuận ròng. Tổng nợ của HSG giảm 15,5% so với cùng kỳ trong quý 4 niên độ tài chính 2019-2020, do đó, chỉ số tổng nợ trên vốn chủ sở hữu cũng giảm từ 1,8 lần trong quý 4 niên độ tài chính 2018-2019 xuống còn 1,2 lần trong quý 4 niên độ 2019-2020.

HSG có kế hoạch giảm tỷ lệ này xuống dưới 1,0 lần trong niên độ 2020-2121. Công ty kỳ vọng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh dồi dào sẽ đủ để tài trợ cho vốn lưu động mà không cần sử dụng nợ.

Chi phí khấu hao của Hoa Sen trong niên độ 2019-2020 là 1.136 tỷ đồng, cao hơn mức đầu tư vào vốn lưu động, chỉ 891 tỷ đồng.

Theo dự báo của VDSC Research, tập đoàn của đại gia Lê Phước Vũ sẽ không tăng mạnh hàng tồn kho và các khoản phải thu trong niên độ 2020-2021, do đó, có thể sử dụng nguồn vốn nội bộ để tài trợ vốn lưu động.

Do dư nợ giảm, chi phí lãi vay của HSG đã giảm 40% so với quý trước trong quý 4 vừa qua, chi phí lãi vay/doanh thu cũng giảm từ 2,9% trong quý 4 niên độ trước xuống còn 1,4% trong quý 4 niên độ 2019-2020, do đó, tỷ suất lợi nhuận ròng cũng đã được hỗ trợ.

Mai Chi

Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *